Vị Xuyên đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất

08:56, 04/01/2017

BHG - Là huyện động lực của tỉnh, tư duy của bà con có nhiều tiến bộ. Song Vị Xuyên vẫn có trên 70% số dân làm nông nghiệp; việc nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho bà con nông dân luôn được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện. Thời gian qua, việc thực hiện ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất thường xuyên được huyện quan tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Việc áp dụng quy trình VietGAP giúp năng suất, chất lượng cam tăng cao. Trong ảnh: Người dân xã Quảng Ngần chăm sóc cam.
Việc áp dụng quy trình VietGAP giúp năng suất, chất lượng cam tăng cao. Trong ảnh: Người dân xã Quảng Ngần chăm sóc cam.

Huyện Vị Xuyên đã nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất thông qua nhiều hình thức như: Nhân rộng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao; mở các lớp tập huấn, dạy nghề; xây dựng mô hình trình diễn... Huyện đã thành lập Hội đồng nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp huyện để tư vấn và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu KH, tích cực thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về việc làm quen với KHKT, mạnh dạn nuôi, trồng thử nghiệm các loại giống cây, con mới có hiệu quả kinh tế cao... Nhiều đề tài nghiên cứu đã được ứng dụng và chuyển giao có hiệu quả tại huyện từ năm 2009 đến nay như: Trong chăn nuôi, ứng dụng thụ tinh nhân tạo bò giống Brahman, Redsindhi, Droughtmaste với tổng số 65 hộ tham gia ở thị trấn Việt Lâm, xã Trung Thành và Phong Quang; nuôi chim bồ câu Pháp ở thị trấn Vị Xuyên; nuôi gà ri lai ở thị trấn Vị Xuyên, xã Thanh Thủy, Linh Hồ; nuôi vịt trời ở Trung Thành, Phú Linh với 2.000 con; nuôi cá bỗng sinh sản, rô phi đơn tính ở xã Việt Lâm, cá trê lai ở Linh Hồ; nuôi lợn nái giống Yorkshire với 28 hộ ở thị trấn Việt Lâm, lợn Lũng Pù ở xã Trung Thành. Về trồng trọt, huyện đã thực hiện xây dựng nhà lưới rau an toàn được 1,5 ha tại thị trấn Vị Xuyên và xã Đạo Đức; vùng trồng cây lương thực tập trung giống lúa, ngô chất lượng cao tại các xã Linh Hồ, Đạo Đức, Tùng Bá, Việt Lâm; trồng cây công nghiệp chè tập trung chủ yếu ở Cao Bồ, Thượng Sơn, Quảng Ngần; trồng mía ở Ngọc Linh, Phong Quang với 80 ha; trồng lạc ở Trung Thành và Linh Hồ, trồng dứa 52 ha ở Phong Quang; trồng cam chủ yếu ở xã Trung Thành (VietGAP), Việt Lâm, Ngọc Linh, sử dụng chăn nuôi đệm lót sinh học, biogas; xây dựng vườn ươm giống cây lâm nghiệp chất lượng cao (keo Úc) tại Hợp tác xã thôn Chang (Việt Lâm) với tổng 30 vạn cây...

Vụ Mùa năm 2016 toàn huyện gieo cấy hơn 4.682 ha lúa, trong đó, lúa lai là 3.164,2 ha, sử dụng các giống như: Nhị ưu 838, Việt Lai 20... Lúa thuần là 1.506 ha, sử dụng các giống lúa chất lượng cao như: Thiên ưu 8, HT1, PC 6, BC 15... Năng suất vụ Mùa tương đối cao, đạt 56,47 tạ/ha, tăng 0,24 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, năm 2016, huyện thực hiện thí điểm mô hình gieo mạ khay, máy cấy tại thôn Chang, xã Việt Lâm. Qua đó, cho thấy gieo mạ bằng máy dễ làm, tốn ít diện tích, mạ mọc đều, ít sâu bệnh hại, giảm 1/3 lượng thóc giống trên cùng một diện tích, cây lúa to và cao hơn, chịu sâu bệnh tốt hơn. Năm 2016, trên toàn bộ 24 xã, thị trấn của huyện có 15.417 máy và các loại thiết bị sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Việc áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Trong ảnh: Người dân thị trấn Việt Lâm đang chăm sóc vườn ươm cây giống.
Việc áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Trong ảnh: Người dân thị trấn Việt Lâm đang chăm sóc vườn ươm cây giống.

Đến xã Trung Thành, chúng tôi ấn tượng về những con đường bê tông trải dài, đồi chè, cánh đồng lạc xanh mướt mắt, cam sai trĩu quả. Trung Thành cũng là một trong những xã tiêu biểu của huyện về ứng dụng KHKT vào sản xuất. Trong đó, có đề tài nghiên cứu phát triển bảo tồn nguồn gen giống lợn đen Lũng Pù với 20 hộ dân ở xã Trung Thành tham gia, thuộc dự án Khoa học công nghệ nông nghiệp vốn vay ADB của Viện Chăn nuôi Việt Nam được thực hiện từ 9.2009 – 12.2011. Qua nghiên cứu cho thấy, năng suất sinh sản, khả năng sinh trưởng của thế hệ lợn con cháu tốt hơn. Khối lượng đàn lợn con của lô thí nghiệm sau 3 tháng đã vượt trội 12% (trung bình 1,62kg), sau 6 tháng tuổi vượt trội 7,19% (trung bình 3,26kg) so với lô đối chứng.

Hiện nay, toàn huyện Vị Xuyên có trên 560 ha cam, tập trung chủ yếu ở các xã Trung Thành, Việt Lâm, Quảng Ngần. Trong đó, toàn huyện có 45,4 ha được chứng nhận VietGAP, thì riêng xã Trung Thành từ năm 2014 đến nay có 35,4 ha cam của 66 hộ được chứng nhận VietGAP, với diện tích lớn nhất huyện. Ông Nguyễn Mạnh Huỳnh, Trưởng thôn Minh Thành, xã Trung Thành, người vừa đoạt giải nhất tại Hội thi Sản phẩm cam Sành Hà Giang niên vụ 2016 – 2017 cho biết: “Trước đây, người nông dân chưa áp dụng đảm bảo các quy trình kỹ thuật, nên giá trị cây cam trên thị trường thấp. Gần đây, nhờ được cán bộ nông nghiệp của huyện, xã hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cam theo quy trình VietGAP và hỗ trợ định hướng thị trường tiêu thụ mà mấy niên vụ gần đây, cam được khách ưa chuộng hơn cả, chất lượng quả, thu nhập bà con tăng đáng kể”. Từ thực tế cho thấy, nhìn chung các mô hình triển khai của huyện đã cơ bản triển khai đạt kế hoạch, đảm bảo về mùa vụ và quy mô, có khả năng nhân rộng và hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Nhiều mô hình đem lại hiệu quả, phù hợp với nguyện vọng của nông dân, góp phần tăng thu nhập, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung, hướng tới một nền nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa.

Phó Trưởng phòng NN & PTNT huyện Vị Xuyên, chị Nguyễn Thị Hương cho biết: “Việc áp dụng KHKT vào sản xuất ở Vị Xuyên vẫn tồn tại một số khó khăn như: Do điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, trình độ tiếp thu của dân còn hạn chế; thiếu nguồn vốn đầu tư nhân rộng các mô hình; diện tích sản xuất nhỏ, lẻ, manh mún gây khó khăn cho việc đưa các tiến bộ KHKT vào sản xuất, nhất là cơ giới hóa. Thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất tiến bộ, tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan để tiếp nhận các giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất. Cùng đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân thực hiện cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, giúp nông dân mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác, để đạt được mục tiêu về sản xuất nông, lâm nghiệp đã đề ra”.

Bài, ảnh: MỸ HẰNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Các nhà mạng cam kết thu hồi sim kích hoạt sẵn

5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động gồm: Viettel, Vinaphone, Mobiphone, Vietnamobile và Gtel đã ký cam kết với Bộ Thông tin và Truyền thông về việc thu hồi sim kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối.

31/10/2016
Sở Khoa học và Công nghệ tổng kết hoạt động ngành năm 2016

BHG- Sáng 30.12, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động KH&CN năm 2016; triển khai nhiệm vụ năm 2017. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học tỉnh,…

30/12/2016
10 sự kiện khoa học trong nước tiêu biểu năm 2016

Chiều 27/12, CLB Nhà báo Khoa học Công nghệ Việt Nam công bố kết quả cuộc bình chọn 10 sự kiện khoa học công nghệ nổi bật năm 2016 thuộc 5 lĩnh vực: Cơ chế chính sách, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu ứng dụng, tôn vinh nhà khoa học.

30/12/2016
Công nghệ mạng di động 4G

 Công nghệ di động 4G LTE cung cấp băng thông rộng hơn, truyền tải dữ liệu nhanh hơn, dung lượng lớn hơn, là điều kiện lý tưởng để triển khai các dịch vụ truyền hình trực tuyến, video HD, game online…

27/10/2016