Tháo gỡ "điểm nghẽn" trong triển khai các dự án

08:10, 07/06/2019

BHG - Hai năm qua, tỉnh ta đã đưa ra nhiều giải pháp thu hút các dự án đầu tư. Tuy nhiên, những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đang là “điểm nghẽn” khi triển khai các dự án.

Lãnh đạo tỉnh và một số ngành kiểm tra hiện trạng đất thu hút đầu tư tại Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy (Vị Xuyên).
Lãnh đạo tỉnh và một số ngành kiểm tra hiện trạng đất thu hút đầu tư tại Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy (Vị Xuyên).

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2017, tỉnh ta đã trao chủ trương và cam kết đầu tư cho gần 20 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 16.000 tỷ đồng. Từ đó đến nay, tỉnh tiếp tục thu hút các doanh nghiệp, như: Tập đoàn FLC, Vingroup, TNG, Công ty Cổ phần Thanh Bình 1, Công ty Cổ phần du lịch Long Việt, Công ty Cổ phần Hoa Sao… đầu tư vào lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, kinh tế biên mậu và phát triển khu đô thị với các dự án: Khu đô thị nghỉ dưỡng, sinh thái; trung tâm thương mại, khách sạn thông minh; Khu đô thị mới Hà Sơn, Hà Phương; trồng rừng và chế biến gỗ; làng văn hóa du lịch… Các dự án đều được tỉnh tạo điều kiện tối đa, giúp nhà đầu tư hoàn thành công tác khảo sát thực địa, cung cấp thông tin phục vụ nghiên cứu đề xuất đầu tư.

Tuy nhiên, sau 2 năm, mới có 4 dự án hoàn thành, đi vào sản xuất kinh doanh; 4 dự án đang thực hiện sản ủi mặt bằng và xây dựng các công trình; các dự án còn lại vẫn đang trong quá trình chuẩn bị… Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) Phạm Thanh Hòa cho biết: Nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư triển khai các dự án, UBND tỉnh đã phân công cụ thể các sở, ngành phụ trách hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các thủ tục. Tuy nhiên “điểm nghẽn” lớn nhất vẫn là công tác GPMB; hầu hết các dự án dù đã hoàn thành hay đang đầu tư, hoặc triển khai các bước chuẩn bị đầu tư đều có vướng mắc liên quan đến đất đai.

Đơn cử như: Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại xã Phong Quang (Vị Xuyên) của Công ty TNHH trang trại bò sữa  - Tập đoàn TH với quy mô dự kiến chăn nuôi tập trung khoảng 10.000 con bò, công suất chế biến đạt 150 tấn ngày, tổng mức đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng. Dự án đã được khởi công từ cuối năm 2017; tuy nhiên, hiện mặt bằng thực hiện hạng mục xây dựng khu trang trại chăn nuôi vẫn đang vướng mắc. Tính đến giữa tháng 5, còn trên 12 ha đất chưa thể thu hồi, 8/84 hộ chưa nhận tiền bồi thường GPMB; diện tích đất do cộng đồng dân cư thôn Lùng Châu quản lý chưa thống nhất được phương thức hỗ trợ; 13 ngôi mộ chưa giải quyết xong thủ tục di chuyển…

Dự án Khu phức hợp Làng Văn hóa du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống OASIS Mã Pì Lèng (Mèo Vạc) được trao chủ trương đầu tư năm 2017, nhưng đến nay vẫn còn 13/35 hộ chưa nhận tiền bồi thường GPMB, với 3,1 ha đất chưa thu hồi, chiếm gần 50% tổng diện tích dự án. Những diện tích đã thu hồi không liền thửa, liền khoảnh nên chưa thể thống nhất với nhà đầu tư để giao đất, ảnh hưởng lớn tới tiến độ của dự án.

Công ty TNHH Hào Hưng Hà Giang được phê duyệt đầu tư Dự án trồng rừng kinh tế công nghệ cao và thiết lập mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Xín Mần; quy mô vùng lõi trên 5.300 ha rừng. 2 năm qua, diện tích đất giao cho Công ty mới đạt 270 ha và diện tích có thể giao trong thời gian tới cũng chỉ khoảng 200 ha nhưng trong tình trạng không liền thửa, liền khoảnh khó triển khai trồng rừng tập trung. Ngoài ra, trên 100 ha đất đã thu hồi, giao cho Công ty và UBND xã Nà Khương (Quang Bình) đồng quản lý đang bị người dân xâm canh…

Từ thực trạng trên, rất nhiều cuộc họp, hội nghị đã được tỉnh tổ chức với sự tham gia của các ngành, huyện, thành phố và doanh nghiệp nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, kết quả triển khai đến nay vẫn chưa được như mong đợi.

Có thể khẳng định, UBND tỉnh và các ngành đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thu hút các dự án đầu tư vào các địa phương, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn nhằm thúc đẩy phát triển KT – XH. Thế nhưng, nhiều dự án khi đã thống nhất với người dân định mức bồi thường nhưng không có kinh phí chi trả, kéo dài thời gian khiến người dân thay đổi quyết định, trở thành vướng mắc khó giải quyết. Để khơi thông “điểm nghẽn”, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ các cấp, ngành, nhất là ở cơ sở; đặc biệt là phát huy vai trò, hiệu quả trong công tác dân vận, tranh thủ sự hưởng ứng của nhân dân…

Bài, ảnh:  DUY TUẤN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nâng cao tầm vóc đàn gia súc

Xuân 2019 - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 và Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh xác định trâu, bò là những con thế mạnh, chủ lực; là một trong những giải pháp giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững. Chính vì vậy, tỉnh ta có nhiều chính sách khuyến khích phát triển đàn trâu, bò, đặc biệt chăn nuôi theo hướng hàng hóa và hỗ trợ công tác thụ tinh nhân tạo (TTNT), cải tạo tầm vóc đàn đại gia súc.

 

31/01/2019
Du lịch thời công nghiệp 4.0

BHG - Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo nên một thế giới phẳng, xóa nhòa giới hạn về không gian, thời gian; tác động mạnh mẽ lên sự phát triển của các ngành kinh tế, trong đó có du lịch. Nắm bắt cơ hội này, tỉnh ta đang triển khai nhiều giải pháp quan trọng, tạo đà phát triển du lịch bền vững. Nhờ cách mạng 4.0, giờ đây du khách khắp nơi trên thế giới đều có thể truy cập, tìm kiếm các thông tin liên quan đến du lịch, giúp họ lựa chọn địa điểm và hành trình phù hợp, an toàn, hiệu quả. 

21/12/2018
Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh làm việc với Ban chỉ đạo Tái cơ cấu kinh tế tỉnh

BHG - Chiều 19.12, tại phòng họp BTV Tỉnh ủy, đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang...

20/12/2018
Hoàng Su Phì chú trọng những cây trồng chủ lực

BHG - Nhằm triển khai hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Hoàng Su Phì đã, đang tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy lợi thế của địa phương, nhất là các sản phẩm chủ lực, cây trồng thế mạnh, như: Chè, thảo quả và một số loại cây ăn quả khác. Qua đó, từng bước góp phần ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện tại huyện Hoàng Su Phì đã có 3 loại cây trồng được coi là thế mạnh, gồm cây Chè, Thảo quả và Mận máu

20/03/2019