Đảng mang sức sống mới về bản Mông “5 không”

11:17, 30/08/2023

BHG - Pờ Chừ Lủng - một thôn 100% là đồng bào người dân tộc Mông đặc biệt khó khăn ở xã Ngam La, huyện Yên Minh từng là bản “5 không”: Không đường, không điện, không nước sạch sinh hoạt, không sóng viễn thông, không hộ trung bình khá. Nhưng nhờ có sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, sức sống mới đang về với Pờ Chừ Lủng.

Người dân Pờ Chừ Lủng vui mừng khi cuộc sống từng ngày đổi thay
Người dân Pờ Chừ Lủng vui mừng khi cuộc sống từng ngày đổi thay

Nhớ thời… “5 không”

Năm 1987, thôn Pờ Chừ Lủng được tách từ xã Thái An (Quản Bạ) sáp nhập vào xã Ngam La (Yên Minh). Trong hơn 30 năm chia tách và sáp nhập, Pờ Chừ Lủng là thôn khó khăn nhất trong các thôn của huyện Yên Minh: Không đường, không điện, không nước sạch sinh hoạt, không sóng viễn thông, không hộ trung bình khá. Vì thế thôn từng được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau như: Bản Mông “5 không”, “nơi tận cùng non cao”, “vùng đất bị lãng quên”…

Cụm dân cư tổ 1 của Pờ Chừ Lủng nằm biệt lập dưới thung lũng giữa những ngọn núi
Cụm dân cư tổ 1 của Pờ Chừ Lủng nằm biệt lập dưới thung lũng giữa những ngọn núi

Đồng chí Lù Mí Giáo, Bí thư Chi bộ Pờ Chừ Lủng chia sẻ: Thôn cách trung tâm xã khoảng 10 km. Các hộ sống không tập trung mà chia thành 3 tổ dân cư, mỗi tổ cách nhau cả km nhưng lại không có đường giao thông, việc đi lại đều qua nương ngô, xuyên rừng. Sóng điện thoại cũng chưa phủ tới. Vì vậy, trước đây việc liên lạc giữa các hộ dân ở các tổ dân cư và thôn với xã rất khó khăn. Bà con thường ít khi xuống núi, trừ những trường hợp cần thiết như ốm đau hay đi chợ mua đồ dùng sinh hoạt. Cuộc sống của người dân gần như tách biệt với thế giới bên ngoài, hoàn toàn tự cung, tự cấp.

Người dân Pờ Chừ Lủng góp công làm đường
Người dân Pờ Chừ Lủng góp công làm đường

Pờ Chừ Lủng hiện có 57 hộ, 373 khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Hoạt động sản xuất chính của bà con là trồng ngô và chăn nuôi gia súc (bò, dê, lợn). Toàn thôn có 27,5 ha đất trồng ngô, 156 con bò, 180 con dê, 140 con lợn. Khi chưa có đường giao thông, các sản phẩm nông nghiệp của người dân muốn mang đi chợ bán đều phải vận chuyển bộ xuống núi. Muốn bán được gia súc các hộ phải mổ ngay tại thôn sau đó chia thành các miếng nhỏ, cho vào gùi cõng xuống chợ. Vì thế giá trị sản phẩm bị giảm đi và mất nhiều công sức.

Không có điện, không có đường, việc học tập của học sinh và bám bản của giáo viên gặp nhiều khó khăn. Để đến được các tổ dân cư của thôn, hàng tuần, giáo viên tại điểm trường này đều phải “cuốc bộ” 3 - 4 tiếng đồng hồ. Học sinh muốn ra trường chính học, phụ huynh phải đưa đi trước 1 ngày. Vất vả nhất là khi trong thôn có người ốm, sinh con, người dân phải để trên cáng khiêng xuống Trạm y tế xã. Cũng do không có đường để vận chuyển vật liệu xây dựng (cát, đá, xi măng), nên 100% nhà ở của các hộ vẫn đều làm bằng gỗ, thậm chí mái nhà cũng được lợp bằng gỗ. Anh Vàng Mí Lầu, nguyên Trưởng thôn giai đoạn 2017 – 2021 nhớ lại.

Ở nơi “tận cùng non cao” này chưa có sóng điện thoại nên muốn liên lạc với người dân trong thôn, cán bộ xã phải trực tiếp đến thôn. Các hộ muốn liên lạc với nhau cũng phải tìm đến tận nhà. Công tác điều hành, lãnh đạo của xã, thôn và vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước gặp nhiều khó khăn.

Do không có sông, suối hay mạch nước ngầm nên người dân Pờ Chừ Lủng hoàn toàn phải dùng nước mưa. Trước đây khi chưa có “hồ treo” hay các téc nước inox hoặc bể chứa nước gia đình, người dân phải đào các hố dưới đất sâu 3 – 4 m để trữ nước mưa, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người, gia súc và không đảm bảo vệ sinh. Những tháng mùa khô các hộ luôn trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt…

Khẳng định vai trò lãnh đạo của Chi bộ Đảng

Sau 12 năm từ khi chia tách, sáp nhập vào xã Ngam La, Chi bộ Đảng ở Pờ Chừ Lủng mới được thành lập (1999) với 3 đảng viên (1 đảng viên là cán bộ xã, 1 đảng viên là giáo viên và 1 đảng viên ở thôn). Từ khi có sự lãnh đạo của Chi bộ, hoạt động phát triển kinh tế của người dân ngày càng khởi sắc, an sinh xã hội từng bước được đảm bảo, an ninh trật tự được giữ vững, công tác phát triển Đảng viên mới được đặc biệt quan tâm.

Chi bộ Đảng thôn Pờ Chừ Lủng duy trì sinh hoạt hàng tháng, phát huy tốt vai trò lãnh đạo ở cơ sở
Chi bộ Đảng thôn Pờ Chừ Lủng duy trì sinh hoạt hàng tháng, phát huy tốt vai trò lãnh đạo ở cơ sở

Đồng chí Lù Xóa Chảo, nguyên Bí thư Chi bộ Pờ Chừ Lủng giai đoạn 2009 – 2014 chia sẻ: Khi có Chi bộ thôn, người dân được tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước rất kịp thời từ đó càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Các đảng viên tích cực hướng dẫn nhân dân phát triển kinh tế, quan tâm chăm lo cho đời sống của bà con như đề xuất tỉnh, huyện, xã hỗ trợ đầu tư cho thôn các hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ cây, con giống để nhân dân sản xuất… Tôi cũng như lớp đảng viên được kết nạp Đảng sớm ở thôn tự thấy mình cần phải gương mẫu để bà con noi theo, giúp người dân nâng cao đời sống, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng ở cơ sở và xứng đáng là người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đảng viên Chi bộ Pờ Chừ Lủng tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn bài trừ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu
Đảng viên Chi bộ Pờ Chừ Lủng tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn bài trừ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu

Chi bộ thôn Pờ Chừ Lủng giờ đây đã có 10 đảng viên, trong đó có 9 đảng viên ở thôn. Hàng tháng Chi bộ đều duy trì sinh hoạt để đánh giá tình hình của thôn và triển khai các nhiệm vụ kịp thời tới các đảng viên và nhân dân. Đặc biệt, 100% các đảng viên trong Chi bộ Pờ Chừ Lủng đều là những hộ đi đầu trong phát triển chăn nuôi và chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ con giống giúp những hộ khó khăn có sinh kế vươn lên. Các đảng viên là người đi đầu trong chăm lo cho công tác giáo dục con em, cam kết xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, đăng ký đi lao động ngoài tỉnh, làm gương trong công tác giải quyết việc làm cho thanh niên trong thôn.

Đổi thay về bản Mông

Từ một thôn không điểm trường, 100% người dân không biết chữ, không nói được tiếng phổ thông, dưới sự lãnh đạo, vận động của Đảng ủy xã Ngam La và Chi bộ thôn, năm 2003, bà con Pờ Chừ Lủng đã chung tay xây dựng điểm trường tại thôn để trẻ em trong độ tuổi được đến lớp, biết đến tri thức, xóa nạn mù chữ. Nay 2 điểm trường tại tổ 1 và tổ 2 đã được xây dựng khang trang, sạch đẹp, luôn rộn rã tiếng thầy, cô và học sinh.

Đường từ tổ 1 vào tổ 2 Pờ Chừ Lủng đã được mở và bê tông
Đường từ tổ 1 vào tổ 2 Pờ Chừ Lủng đã được mở và bê tông

Thấu hiểu khó khăn về nước sinh hoạt, năm 2009 huyện Yên Minh đã đầu tư mở đường đá cấp phối vào khu dân cư tổ 1 và xây dựng “hồ treo” trữ nước mưa cho người dân Pờ Chừ Lủng. Hồ hoàn thành, giúp “giải cơn khát” nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho bà con. Một số hộ ở xa không thể đi lấy nước từ “hồ treo”, huyện, xã đã lồng ghép các nguồn lực và vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng bể chứa gia đình hoặc mua téc nước inox cho người dân trữ nước mưa. Giờ đây, 100% các hộ có đủ nước sinh hoạt ngay cả trong mùa khô.

Đồng chí Lý A Nhọt, Chủ tịch MTTQ xã - cán bộ phụ trách thôn Pờ Chừ Lũng vui mừng chia sẻ: Nhìn các bể chứa, téc inox của các hộ lúc nào cũng đầy ăm ắp nước chúng tôi vui lắm. Bà con giờ không còn lo thiếu nước sinh hoạt. Nước là “nguồn sống” để giữ dân, giữ đất vì thế Đảng ủy, chính quyền xã đặc biệt quan tâm, thường xuyên kiến nghị các cấp, ngành và tìm nhiều giải pháp hỗ trợ nhân dân.

Chăn nuôi bò là kinh tế chính của gia đình anh Lù Pà Súng
Chăn nuôi bò là kinh tế chính của gia đình anh Lù Pà Súng

Dù 100% hộ dân Pờ Chừ Lủng đều là hộ nghèo, cận nghèo, sinh sống thưa thớt, không tập trung nên đến nay thôn vẫn chưa được Nhà nước đầu tư hạ tầng điện lưới quốc gia. Thế nhưng, nhờ công tác “dân vận khéo”, tin tưởng vào Chi bộ Đảng, Đảng ủy, chính quyền xã, năm 2013 nhân dân Pờ Chừ Lủng đã đồng lòng đóng góp bình quân mỗi hộ 8 triệu đồng và huy động công sức lao động, cây chống mua dây dẫn, tự kéo đường điện từ thôn Sủng Hòa về thôn. Hiện nay 51/57 hộ trong thôn đã được sử dụng điện lưới quốc gia.

Anh Lù Pà Súng chia sẻ: Bà con trong thôn luôn đồng tình, hưởng ứng với những chương trình vận động của xã, thôn. Thời điểm kéo điện, các hộ còn khó khăn hơn bây giờ rất nhiều. Nhưng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chia sẻ khó khăn với tỉnh, huyện nên nhà tôi cũng như các hộ khác đã quyết định bán bò, bán dê góp tiền kéo điện về thôn.

Các bể chứa nước của người dân Pờ Chừ Lủng luôn đầy ăm ắp và trong mát
Các bể chứa nước của người dân Pờ Chừ Lủng luôn đầy ăm ắp và trong mát

Đường giao thông là khó khăn lớn nhất đối với Pờ Chừ Lủng với gần 8 km đường liên tổ và khoảng 10 km đường từ trung tâm xã đến thôn, nhưng nay đã cơ bản được giải quyết. Nhờ chương trình xây dựng Nông thôn mới, tuyến đường từ trung tâm xã đi thôn Sủng Hòa (thôn giáp ranh Pờ Chừ Lủng) đã được đầu tư đổ bê tông rộng 2,5m. Đặc biệt, đoạn đường từ Sủng Hòa đi tổ 1 đã được đổ bê tông; đường từ tổ 1 sang tổ 2 của Pờ Chừ Lủng đã được mở mới và bê tông rộng 1,2 – 1,5m đảm bảo 2 xe máy có thể tránh nhau. Đây là nỗ lực lớn của Đảng ủy, chính quyền xã Ngam La và Chi bộ thôn Pờ Chừ Lủng khi huy động được các nhà hảo tâm hỗ trợ trên 300 tấn xi măng và vận động nhân dân trong thôn đóng góp trên 1.500 ngày công lao động để làm đường.

Đường điện người dân tự kéo về thôn
Đường điện người dân tự kéo về thôn

Đồng chí Nguyễn Thị Điệp, Bí thư Đảng ủy xã Ngam La cho biết: Pờ Chừ Lủng là thôn khó khăn nhất của xã. Vì vậy chúng tôi rất vui khi người dân nơi đây luôn hưởng ứng các chương trình xã phát động. Nhất là đóng góp công sức, tiền của để làm đường giao thông. Đảng ủy xã đề ra mục tiêu đến cuối năm nay sẽ hoàn thành bê tông 100% đường liên tổ ở Pờ Chừ Lủng, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, tiêu thụ nông sản và phát triển chăn nuôi gia súc. Từng bước nâng cao đời sống, rút ngắn khoảng cách về phát triển kinh tế với các thôn vùng thấp.

Những ai từng tới Pờ Chừ Lủng sẽ cảm nhận rõ sự chuyển mình, sức sống mới của bản Mông này. Giờ đây, người dân đã có đường bê tông để đi, có điện thắp sáng, có nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ hồ treo và bể chứa. Đời sống tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, hạ tầng phát sóng viễn thông chưa được đầu tư nhưng bà con luôn thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong thôn không có tình trạng kết hôn cận huyết, không để xảy ra việc truyền đạo, học đạo trái phép; các hộ luôn đoàn kết, yêu thương nhau. Đến nay thôn đã có 3 người học hết THPT, 27 trẻ học đến cấp 2; 50/57 hộ có xe máy, ti vi. 100% các hộ cam kết thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu xây dựng nếp sống văn minh...

Bí thư Chi bộ Lù Mí Giáo nghẹn ngào: Nếu không có sự quan tâm, giúp đỡ, soi đường, dẫn hướng của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, giờ đây Pờ Chừ Lủng có lẽ vẫn là bản “5 không”. Chúng tôi rất vui vì cuộc sống đang từng ngày đổi thay và tươi sáng hơn.

Phóng sự: Duy Tuấn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quy định 213 góp phần phát huy mối quan hệ “máu thịt” giữa Đảng với Nhân dân
BHG - V.I.Lê-nin lúc sinh thời nhấn mạnh, "một trong những nguy hiểm lớn nhất và đáng sợ nhất đối với Ðảng là tự cắt đứt liên hệ với quần chúng". Chủ tịch Hồ Chí Minh, người vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam khẳng định, “Đảng dựa vào quần chúng, quan tâm đến quyền lợi của quần chúng, đi theo đường lối quần chúng, nếu xa rời quần chúng Nhân dân thì sẽ thất bại”.
28/08/2023
Đoàn kết, đấu tranh làm thất bại những âm mưu chống phá Đảng và Nhà nước
BHG - Thời khắc Giao thừa Xuân Quý Mão 2023, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi lời chúc Tết năm mới 2023 tới đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Lời chúc tết của Tổng Bí thư là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930.
28/02/2023
Phát huy "công cụ" tự phê bình và phê bình trong công tác xây dựng Đảng
BHG - Theo kết quả đánh giá về công tác xây dựng Đảng nói chung, hàng năm tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đều chiếm trên 90%, trong đó có nhiều tổ chức đảng và đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 
26/06/2023
Phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh các biểu hiện suy thoái
BHG - Thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 3.10.2017 của Ban Bí thư ban hành Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc T.Ư tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái,“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch triển khai sâu rộng đến các Chi, Đảng bộ cơ sở, qua đó góp phần tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia giám sát, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tiêu cực trong cán bộ, đảng viên.
26/04/2023