Cần sớm chi trả tiền hỗ trợ hộ chăn nuôi bị dịch tả lợn châu Phi
BHG - Hơn 2 tháng sau khi xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại xã Tân Trịnh (Quang Bình); tính đến chiều 26.7, tổng số lợn chết và tiêu hủy là 3.300 con, trọng lượng trên 156 tấn. Gần 500 hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước khiến việc tái sản xuất, chuyển đổi mô hình chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.
Là hộ khó khăn, kinh tế trông chờ cả vào đàn lợn, nhưng dịch tả lợn châu Phi ập đến khiến gia đình ông Lý Văn Cán, thôn Làng Nùng, xã Đạo Đức (Vị Xuyên) phải tiêu hủy toàn bộ 10 con lợn thịt đến kỳ xuất bán với tổng trọng lượng gần 263 kg. Cả gia sản bỗng chốc bị chôn vùi khiến cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, điều khiến ông Cán và các hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy trăn trở là đã gần 2 tháng sau khi đàn lợn mắc bệnh buộc tiêu hủy, nhưng gia đình ông vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước theo quy định để có nguồn vốn phục hồi sản xuất, chuyển đổi chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm khác, ổn định cuộc sống. Ông Cán chia sẻ: “2 tháng nay, chuồng lợn bỏ không; trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ngành chức năng khuyến cáo chưa nên tái đàn, gia đình tôi có dự định chuyển sang chăn nuôi gà, vịt để đảm bảo thu nhập, ổn định cuộc sống; nhưng khó khăn về nguồn vốn. Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành sớm chi tiền hỗ trợ hộ chăn nuôi bị dịch tả lợn châu Phi theo quy định để chúng tôi có nguồn vốn đầu tư, yên tâm sản xuất”.
Để kịp thời hỗ trợ người dân ổn định sản xuất, ngày 30.5.2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1043/QĐ-UBND về quy định mức hỗ trợ phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, lợn con, lợn thịt các loại được hỗ trợ mức 80% giá thị trường tại thời điểm tiêu hủy và tại các huyện, thành phố có dịch; giá lợn do cơ quan tài chính thông báo. Đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác hỗ trợ bằng 1,5 lần so với mức hỗ trợ các loại lợn khác tại thời điểm tiêu hủy và tại địa phương có dịch; đối với thức ăn chăn nuôi được hỗ trợ 70% giá thị trường tại thời điểm tiêu hủy. Đặc biệt, quyết định nêu rõ, nguồn kinh phí hỗ trợ lấy từ nguồn dự phòng cấp tỉnh, huyện và xã để thực hiện. Hàng tháng, Sở Tài chính sẽ công bố mức giá thịt lợn hơi theo giá của thị trường tại thời điểm lợn bị tiêu hủy. Mức giá thịt lợn hơi Sở Tài chính công bố tại thời điểm tháng 5.2019 là 45.000 đồng/kg, tháng 6.2019 là 50.000 đồng/kg.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh: Đến nay, toàn tỉnh chưa có địa phương nào chi trả tiền hỗ trợ cho người dân có lợn bị dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy. Các địa phương hiện vẫn đang hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định.
Về kinh phí hỗ trợ, đồng chí Đặng Quốc Toản, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết: “Theo quyết định của UBND tỉnh; các huyện, thành phố chủ động bố trí ngân sách dự phòng địa phương để hỗ trợ kịp thời cho người dân bị thiệt hại. Trường hợp địa phương nào gặp khó khăn, sẽ báo cáo trình UBND tỉnh để xin kinh phí dự phòng. Đến nay, Sở Tài chính chưa nhận được báo cáo đề xuất kinh phí của các địa phương. Tuy nhiên, số tiền hỗ trợ đến thời điểm này chưa lớn, nằm trong khả năng chi trả của các địa phương. Đề nghị các huyện, thành phố vào cuộc quyết liệt, kịp thời triển khai việc chi trả tiền hỗ trợ cho người dân có lợn bị dịch tả lợn châu Phi theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh”.
Đồng chí Kiều Văn Bắc, Phó Trưởng phòng Kinh tế thành phố Hà Giang cho biết: “Đến nay, thành phố Hà Giang đã ban hành quyết định cấp kinh phí dự phòng của thành phố về cho các xã, phường để hỗ trợ các hộ dân có lợn bị dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy; tuy nhiên, các địa phương chưa triển khai xong việc chi trả cho người dân. Phòng Kinh tế yêu cầu các xã, phường cần khẩn trương, chủ động, linh hoạt, minh bạch trong việc tổ chức chi trả tiền hỗ trợ cho các hộ dân kịp thời theo quy định; để người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống. Trong quá trình thực hiện việc chi trả, Phòng Kinh tế sẽ thường xuyên kiểm tra, rà soát để đảm bảo tiền hỗ trợ đến với người dân đúng quy định”.
Thực tế, sau khi đàn lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy, nhiều người dân rơi vào cảnh trắng tay; đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo. Vì vậy, các địa phương cần sớm bố trí kinh phí hỗ trợ để các hộ dân mạnh dạn chuyển đổi sang chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm khác; ổn định cuộc sống; đồng thời thể hiện sự quan tâm, sâu sát của các cấp ủy, chính quyền địa phương đối với đời sống người dân.
AN GIANG
Ý kiến bạn đọc