Được kè liệu có... mất đường!?

17:03, 07/06/2018

BHG - Công trình Kè suối Kim Thạch dài khoảng 1,4 km, bám theo đường liên xã đi qua 3 thôn: Bản Chang, Nà Cọ và Bản Thấu của xã Kim Thạch (Vị Xuyên). Đây là công trình chống sạt lở đường giao thông, nhà cửa, hoa màu của người dân ven suối, trị giá gần 15 tỷ đồng. Công trình do Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp - PTNT làm chủ đầu tư; Công ty TNHH Lương Xuân An là đơn vị thi công.

Người và phương tiện buộc phải tham gia giao thông trên phần còn lại của con đường.
Người và phương tiện buộc phải tham gia giao thông trên phần còn lại của con đường.

Tuy nhiên, mới chỉ thi công từ tháng 3 đến nay nhưng công trình kè suối chống sạt lở xã Kim Thạch đã "góp phần tích cực" vào việc làm sụt lún, nứt gẫy, bong tróc mặt đường liên xã; gây khó khăn, nguy hiểm cho người và các phương tiện tham gia giao thông; gây ngập, úng cục bộ một phần ruộng đất, hoa màu phía trong kè mỗi khi mưa lớn…, gây bức xúc trong cán bộ, nhân dân xã Kim Thạch.

Tìm hiểu vấn đề qua phản ánh của người dân, chúng tôi được biết, mặt đường liên xã Kim Thạch - Kim Linh rộng 3 mét đã được rải nhựa từ những năm trước. Hiện nay, nhiều đoạn đường thuộc khu vực công trình đang thi công bị sụt lún, nứt gãy là do đơn vị thi công dùng phương tiện có trọng tải lớn vận chuyển vật liệu. Vật liệu được tập kết dọc theo ½ mặt đường (nhằm thuận tiện cho thi công), do đó, người và các phương tiện tham gia giao thông chỉ có thể lưu thông trên phần đường còn lại, gây quá tải và xảy ra hiện tượng trên. Hiện tượng ngập, úng cục bộ khu vực ruộng đất, hoa màu phía trong kè là do thiết kế cao độ của mặt kè cao hơn mặt đường và đất đai, hoa màu lên đến… 50 cm. Thêm nữa, suốt cả chiều dài tuyến kè không thiết kế đường rãnh, ống thoát ngang nên mỗi khi mưa lớn thường xảy ra ngập, úng cục bộ ảnh hướng lớn đến sản xuất nông nghiệp cũng như cuộc sống của người dân.

Sau khi có ý kiến về những hiện tượng trên, UBND huyện Vị Xuyên và xã Kim Thạch đã có những buổi làm việc với đơn vị chủ đầu tư, đơn vị thi công để họp bàn, thống nhất đưa ra biện pháp tháo gỡ, khắc phục; nhưng đến nay vẫn chưa có sự thay đổi nào rõ rệt. Người và phương tiện tham gia giao thông (cả 2 chiều) trên đoạn đường này vẫn phải len lỏi trên một nửa phần đường chật hẹp, sập sệ (trước khi có công trình xây dựng kè, đoạn đường này đường vốn phẳng phiu, thoáng rộng). Hàng ngàn tấn cát, sỏi, vật liệu xây dựng vẫn chềnh ềnh chiếm giữ nửa phần đường còn lại. Hiện nay, đang trong thời điểm mùa mưa bão, chắc chắn sẽ gây không ít khó khăn trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, thời gian kéo dài công trình càng lâu thì con đường sẽ càng nhanh chóng xuống cấp nghiêm trọng hơn, nếu vẫn tập kết vật liệu như hiện nay.

Để công trình Kè suối Kim Thạch thực sự mang lại lợi ích to lớn, phát huy đúng công năng, tương xứng với trị giá của nó, thiết nghĩ đơn vị chủ đầu tư và đơn vị thi công cần có những biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công để giải phóng vật liệu, giải phóng mặt đường. Bên cạnh đó cũng cần phối hợp với UBND xã Kim Thạch tìm địa điểm, diện tích phù hợp để tập kết vật liệu trong quá trình thi công. Khẩn trương mở các lối thoát nước ngang tránh ngập úng mặt đường, đất đai, hoa màu. Đặc biệt, hiện nay đang trong mùa mưa bão, nên nguy cơ xảy ra ngập, úng là rất cao. Khi ngập, úng phía trong kè, nền và mặt đường cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, trong khi đã phải chịu tải quá sức một nửa chiều dài đoạn đường có công trình đang thi công.

Công trình nào cũng đều có tác dụng và ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển chung của xã hội, đặc biệt là tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Nhưng, thi công công trình mới mà tác động một cách tiêu cực đến những công trình trước đó liệu có nên chăng!? Trong trường hợp này, khi hoàn thành công trình Kè suối Kim Thạch, liệu con đường liên xã có còn nguyên trạng!? Có thể đơn vị thi công sẽ sửa chữa, hoàn trả lòng, lề đường do trong quá trình thi công bị hỏng thì điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn tài chính của doanh nghiệp. Thêm nữa, trước khi đoạn đường được hoàn trả đảm bảo an toàn, mỹ quan, môi trường như trước đây thì sẽ kéo thêm nhiều hệ lụy không đáng có. Câu hỏi của người dân thuộc 3 thôn được hưởng lợi từ Kè suối Kim Thạch đặt ra là: Được kè liệu có… mất đường hay không!? Và mong các cơ quan chức năng, các đơn vị liên quan cùng các cấp, các ngành có trách nhiệm xem xét.

Bài, ảnh: AN DƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cần quan tâm đầu tư xây dựng tuyến đường Nà Chì - Quảng Nguyên

BHG - Tuyến đường Nà Chì - Quảng Nguyên có chiều dài 14 km nối từ xã Quảng Nguyên qua thôn Nậm Phang (xã Khuôn Lùng) và xã Nà Chì (Xín Mần). Mấy năm gần đây, tuyến đường này bị xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn trong quá trình tham gia giao thông, giao thương của nhân dân 3 xã phía Nam huyện Xín Mần. Được biết, năm 2010 UBND tỉnh có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án và tổng mức vốn đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp đường Nà Chì - Quảng Nguyên. 

28/05/2018
Trường Tiểu học xã Đường Hồng, khó khăn về cơ sở vật chất

BHG - Đường Hồng là một xã nghèo của huyện Bắc Mê. Trước thềm năm học mới 2017 - 2018, cùng với niềm vui đón năm học mới, thầy và trò Trường Tiểu học xã Đường Hồng đứng trước nỗi lo vì thiếu lớp học, nhà bán trú cho học sinh. Đây là vấn đề nan giải cho các cấp, các ngành tại địa phương. Thực hiện Đề án chuyển học sinh từ các điểm trường về học tại trường chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, việc kêu gọi học sinh ở các điểm trường về trường chính để học là rất khó thực hiện...

28/03/2018
Người dân thôn Nà Pù, xã Niêm Tòng (Mèo Vạc) mong được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

BHG - Đã nhiều năm nay, hơn 100 hộ dân thôn Nà Pù, xã Niêm Tòng (Mèo Vạc) vẫn luôn mong muốn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) để thuận tiện trong việc quản lý, sử dụng đất cũng như được vay vốn theo các chính sách ưu đãi của Nhà nước để phát triển kinh tế. Anh Vừ Mí Chá, thôn Nà Pù tâm sự: "Ngày xưa gia đình tôi có 6 anh em, sau này ở riêng, bố mẹ chia cho mỗi người một mảnh đất. 

26/01/2018
Người dân Linh Hồ khổ vì đường liên xã xuống cấp

BHG - Thời gian gần đây, tuyến đường liên xã Linh Hồ - Kim Linh (Vị Xuyên) bị xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường xuất hiện nhiều "ổ gà, ổ voi", ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Nhiều người dân thôn Bản Lủa, xã Linh Hồ chia sẻ: Con đường liên xã chạy qua địa bàn thôn đã xuống cấp từ lâu, nên người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại; nắng thì bụi bay mù mịt, mưa lầy lội, trơn trượt; nhiều người tham gia giao thông trên tuyến đường đã bị ngã, nhẹ thì trầy xước chân tay, nặng thì phải đi viện, khổ nhất các em học sinh ngày nào cũng phải qua lại để đến trường...

 

25/04/2018