Trường Tiểu học xã Đường Hồng, khó khăn về cơ sở vật chất

08:57, 28/03/2018

BHG - Đường Hồng là một xã nghèo của huyện Bắc Mê. Trước thềm năm học mới 2017 - 2018, cùng với niềm vui đón năm học mới, thầy và trò Trường Tiểu học xã Đường Hồng đứng trước nỗi lo vì thiếu lớp học, nhà bán trú cho học sinh. Đây là vấn đề nan giải cho các cấp, các ngành tại địa phương.

Lớp học không đủ diện tích nên học sinh lớp 2A phải ngồi... cả ra cửa.
Lớp học không đủ diện tích nên học sinh lớp 2A phải ngồi cả ra cửa.

Thực hiện Đề án chuyển học sinh từ các điểm trường về học tại trường chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, việc kêu gọi học sinh ở các điểm trường về trường chính để học là rất khó thực hiện. Bởi vì, nhà các em cách điểm trường không xa, hằng ngày không phải lặn lội hàng chục km để xuống trường chính. Tuy nhiên, những năm qua, bằng nhiều giải pháp linh hoạt trong vận động, tuyên truyền, các thầy, cô giáo Trường Tiểu học xã Đường Hồng đã đưa các em tại các điểm trường xuống trường chính để học, tạo điều kiện cho con em đồng bào các dân tộc được học tập, sinh hoạt trong môi trường tốt nhất. Các em ở tập trung tại trường, các thầy cô có trách nhiệm quản lý, nuôi dưỡng, đảm bảo sức khỏe và điều kiện học sẽ tốt hơn, tỷ lệ chuyên cần cũng được đảm bảo, giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học. Trong năm học 2017 - 2018, nhà trường đã đưa thêm được 164 học sinh từ các điểm trường xuống trường chính, nâng tổng số học sinh bán trú lên 201 học sinh, điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho nhà trường vì cơ sở vật chất vẫn tạm bợ, chưa đảm bảo.

Phòng ở cho học sinh nhà trường còn chật chội, tạm bợ.
Phòng ở cho học sinh nhà trường còn chật chội, tạm bợ.

Theo báo cáo, Trường Tiểu học xã Đường Hồng có tổng số 37 lớp 582 học sinh. Trường có 46 phòng học; trong đó, kiên cố có 6 phòng, bán kiên cố có 23 phòng và phòng tạm có 17 phòng. Tại trường chính hiện nay, chỗ ở của các em chỉ là nhà tạm khung sắt, mái tôn, bếp nấu ăn xuống cấp, đồ dùng nấu nướng và bảo quản thức ăn chưa đầy đủ. Tuy nhà trường đã có nhân viên y tế nhưng tủ thuốc phải làm tạm bợ dưới gầm cầu thang, khi các em bị ốm đau không có chỗ để nằm chữa trị. Một khó khăn nữa là nhà trường có 201 em ăn ở bán trú nhưng chỉ có 8 phòng ở, mỗi phòng chỉ hơn 20 m2 và có 46 chiếc giường nên phải ghép 2 em một giường. Các phòng hành chính, phòng hiệu bộ, văn phòng và các phòng chức năng đều chưa có, lớp học của các em học sinh cũng rất đơn sơ thiếu trang, thiết bị dạy và học, nhiều lớp các em phải ngồi ra cả hành lang, ngoài cửa đã làm ảnh hưởng nhiều đến việc dạy và học của thầy, trò nhà trường.

Thầy giáo Nguyễn Văn Huệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đường Hồng cho biết: Thầy, cô giáo và các em học sinh ở đây rất vất vả. Học sinh bán trú ở chật hẹp, tạm bợ, nhà ăn cũng chưa có, các cháu phải ăn cơm tại lớp, bếp nấu rất chật chội không đảm bảo. Mặc dù các em học sinh được ở bán trú đã khá hơn nhiều so với các điểm trường, phụ huynh ủng hộ nhưng cơ sở vật chất phục vụ bán trú còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu. Chúng tôi mong các cấp, các ngành sớm quan tâm, xây dựng thêm phòng học, nhà bán trú để các em nhanh chóng có nơi ăn, chốn ở đàng hoàng, phục vụ tốt cho công tác dạy và học... Giải quyết những vấn đề này, cũng chính là giải pháp để học sinh yên tâm đến trường, thầy, cô giáo gắn bó với nghề.

Năm học 2017 - 2018 đang gần trôi qua, đối với một xã nghèo như Đường Hồng, việc xây thêm những phòng học và nhà lưu trú cho học sinh là điều hết sức khó khăn... Mong muốn của nhà trường là Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua trang thiết bị cũng như xây dựng một số phòng học, một số phòng chức năng, công trình phụ, để đảm bảo cho thầy và trò nhà trường yên tâm công tác và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thiếu phòng học, thiếu chỗ ăn, chỗ ở đồng nghĩa, thầy và trò Trường Tiểu học xã Đường Hồng lại tiếp tục phải học tập với rất nhiều nỗi nhọc nhằn,  trong những năm tiếp theo.

Bài, ảnh: VĂN QUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Người dân tiếp tục mong mỏi cầu treo Vô Điếm sớm được nâng cấp

BHG- Trong thời gian vừa qua, rất nhiều cơ quan truyền thông đã phản ánh về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của cây cầu treo Vô Điếm, xã Vô Điếm (Bắc Quang) như: Báo Hà Giang ra ngày 4.6.2016; Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Giang phát ngày 27.6.2016;... nhưng đến nay, cầu treo Vô Điếm vẫn chưa được nâng cấp, mọi công tác sửa chữa vẫn chỉ là mang tính tạm thời, người dân khi di chuyển trên cầu vẫn nơm nớp lo sợ cho tính mạng của mình đang. 

26/09/2017
Người dân tiếp tục mong mỏi cầu treo Vô Điếm sớm được nâng cấp

BHG - Trong thời gian vừa qua, rất nhiều cơ quan truyền thông đã phản ánh về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của cây cầu treo Vô Điếm, xã Vô Điếm (Bắc Quang) như: Báo Hà Giang ra ngày 4.6.2016; Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Giang phát ngày 27.6.2016;... 

26/09/2017
Người dân thôn Nà Pù, xã Niêm Tòng (Mèo Vạc) mong được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

BHG - Đã nhiều năm nay, hơn 100 hộ dân thôn Nà Pù, xã Niêm Tòng (Mèo Vạc) vẫn luôn mong muốn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) để thuận tiện trong việc quản lý, sử dụng đất cũng như được vay vốn theo các chính sách ưu đãi của Nhà nước để phát triển kinh tế. Anh Vừ Mí Chá, thôn Nà Pù tâm sự: "Ngày xưa gia đình tôi có 6 anh em, sau này ở riêng, bố mẹ chia cho mỗi người một mảnh đất. 

26/01/2018
Cần sớm tu sửa tuyến đường từ thôn Sảng Pả 2 vào trung tâm xã Đường Thượng

BHG - Nhiều năm nay, đoạn từ km 29 + 200 đến km 31 trên tuyến giao thông huyết mạch thuộc tỉnh lộ 181 nối xã Thái An (Quản Bạ) với Đường Thượng (Yên Minh) bị sạt, lở, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại, trao đổi hàng hóa của người dân. Đặc biệt, thôn Sảng Pả 2, xã Đường Thượng luôn hứng chịu hậu quả nặng nề nhất, mỗi khi mưa lớn, bà con lại sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu vì sợ đất, đá, nước lũ tràn vào nhà.

24/11/2017