Nỗi niềm của người dân “vùng khát”

08:17, 21/05/2013

HGĐT - Chuyện thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước sản xuất ở huyện Mèo Vạc nói chung và xã Pả Vi (Mèo Vạc) nói riêng từ bao đời nay đã trở thành quen thuộc đối với người dân nơi đây. 


Sau khi Liên đoàn quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Bắc phát hiện ra nguồn nước ngầm và tiến hành bơm thử đã mang lại niềm vui lớn cho bà con nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, đã gần 3 năm kể từ khi máy bơm bị hỏng đến nay, chuyện về nước sinh hoạt lại trở thành “nỗi niềm” của người dân “vùng khát”.

 

Qua tìm hiểu được biết, để giúp cho đồng bào huyện Mèo Vạc “giải cơn khát” trong mùa khô hạn, năm 2007, Liên đoàn quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Bắc đã tiến hành nghiên cứu, khoan thăm dò, phát hiện ra nguồn nước ngầm ở thị trấn Mèo Vạc và xã Pả Vi có trữ lượng lớn. Sau 4 năm triển khai, đã khoan được 7 lỗ khoan với chiều sâu tổng cộng 1.353m. Đã tìm ra 5/7 lỗ khoan có nước với tổng lưu lượng thực bơm là 12,91 lít/giây, tương ứng 1.115 m3/ngày. Từ đó, Liên đoàn đã triển khai Đề án: “Điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước dưới đất khu vực thị trấn Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.” Đây được xem là đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, phát triển KT – XH trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn. Đây còn là yếu tố giúp bà con các dân tộc sinh sống trên điạ bàn thị trấn Mèo Vạc và xã Pả Vi ổn định đời sống, yên tâm phát triển sản xuất.



Người dân xã Pả Vi hàng ngày chỉ biết vớt vát những giọt nước cuối cùng trong bể chứa đã gần cạn khô.
 

Tìm hiểu tình hình khoan thăm dò mỏ nước ngầm trên địa bàn xã Pả Vi, đến nay đơn vị thi công đã khoan hoàn thành 3 lỗ khoan gồm CT3, CT5, CT7. Trong đó, lỗ khoan CT7 thuộc xóm Pả Vi Hạ, xã Pả Vi được xác định là lỗ khoan để thực hiện bơm khai thác. Lỗ khoan có chiều sâu 160m, sau khi bơm thí điểm đạt 432m3/ngày đêm. Lượng nước chứa trong bể có thể tích 360m3 được xây dựng ngay cạnh Trạm y tế xã và đối với người dân nơi đây đó như những “giọt vàng” lấy lên từ lòng đất. Tuy nhiên, chiếc máy bơm được xem như mang lại “nguồn sống” cho người dân xã Pả Vi (đặc biệt là 267 hộ gia đình với trên 1000 nhân khẩu, chủ yếu dân tộc Mông, sống tập trung tại 2 xóm Pả Vi Hạ và Pả Vi Thượng) bị hỏng từ năm 2010 thì niềm vui lại chuyển thành nỗi niềm trăn trở. Hiện nay, chiếc máy bơm đã được tháo rời, vứt ngổn ngang sau Trạm y tế xã. Anh Ly Mí Ná, Trưởng thôn Pả Vi Hạ băn khoăn: “Không biết vì sao mà từ rất lâu rồi máy bơm không được sửa chữa để phục vụ cho bà con nhân dân. Kể từ lúc bể chứa hết nước, mọi người trong xóm lại trở về “sống chung với... hạn” nhưng lúc nào cũng mong mỏi được sử dụng nguồn nước quý giá. Bởi lẽ biết có nước mà không làm cách nào lấy được nước để sử dụng thì khổ lắm”. Trên thực tế, từ khi máy bơm bị hỏng, người dân trong xã Pả Vi chỉ còn biết cách từng ngày đến vớt vát chút nước còn sót lại dưới đáy bể. Anh Sùng Mí Nô, xóm Pả Vi Thượng chia sẻ: “Bao đời nay người dân vẫn sống thiếu nước, nay có được nguồn nước quý như vậy cũng chẳng mong gì hơn được dùng để sinh hoạt gia đình cũng như nuôi con bò, con lợn làm cho gia đình hết khổ thôi”.

 

Anh Dương Văn Phong, Chủ tịch UBND xã Pả Vi cho biết: “Ngay từ khi biết được thông tin phát hiện ra nguồn nước ngầm, bà con nhân dân như “bắt được vàng”. Đặc biệt, đơn vị thi công lấy mẫu nước trong khảo sát cũng như trong quan trắc và trong hút nước thí nghiệm lỗ khoan để đánh giá chất lượng nước dưới đất. Kết quả cho thấy, chất lượng nước dưới đất có hàm lượng các vi nguyên tố độc hại đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn. Sau khi bơm thử, phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân đã góp phần làm giảm nhiệt cơn “đại hạn” trên địa bàn”. Khi nước được bơm vào bể, dù ở cách xa vài cây số nhưng nhiều hộ dân vẫn từng ngày địu nước về nhà trong niềm vui khôn tả. Giờ đây, đi cùng với mực nước trong bể vơi cạn là những băn khoăn, trăn trở xen lẫn hy vọng, đợi chờ.

 

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Chí Thường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Nỗi niềm của nhân dân cũng là trăn trở của huyện trong việc khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nước ngầm quý giá này. Tuy nhiên, các lỗ khoan đã có nước cần được bảo vệ, nhất là khu vực xã Pả Vi có triển vọng khai thác trữ lượng lớn. Do đó, cần đầu tư hệ thống cấp nước tập trung, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của vùng, nhất là về mùa khô. Bên cạnh đó cần thiết lập đới phòng hộ bảo vệ môi trường và được lồng ghép vào quy hoạch phát triển KT – XH của vùng gắn bảo vệ rừng đầu nguồn. Thực tế đã cho thấy, từ quá trình khảo sát, tìm ra nguồn nước tới khi người dân được sử dụng nước sinh hoạt, sản xuất hiệu quả cần có dự án đầu tư, xây dựng công trình cấp nước tập trung. Đối với máy bơm nước bị hỏng, do đây là máy đặc dụng nên vượt qua thẩm quyền xử lý của huyện. Để giúp nhân dân thỏa niềm mong mỏi được sử dụng nguồn nước, huyện đã kêu gọi các nhà đầu tư và phương hướng của huyện sẽ tận dụng tất cả các nguồn nước có thể để giúp bà con nhân dân ổn định sản xuất. Đặc biệt, sẽ kêu gọi đầu tư để thiết lập đường dẫn nguồn nước từ xã Tát Ngà (Mèo Vạc) về phục vụ người dân thị trấn Mèo Vạc và các xã lân cận. Đồng thời huyện sẽ xây dựng chương trình tổng thể về cấp thoát nước trên địa bàn.

 

Như vậy có thể nói rằng, nỗi niềm của người dân “vùng khát” ít nhiều cũng vơi bớt trăn trở và qua đây rất mong muốn Nhà nước và các tổ chức quan tâm đầu tư, nhằm đảm bảo nguồn nước ngầm ở thị trấn Mèo Vạc và xã Pả Vi được khai thác, sử dụng hiệu quả, tạo động lực giúp nhân dân phát triển kinh tế, XĐGN bền vững.


KIM TIẾN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sớm bàn giao lại đất và hỗ trợ người dân vùng trồng cao su
HGĐT- Chủ trương tạm dừng chương trình trồng cây cao su của BTV Tỉnh uỷ, sau hơn 3 tháng triển khai đã được người dân đón nhận với nhiều tâm trạng. Có mặt tại vùng cao su Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, chúng tôi ghi nhận được tâm tư, nguyện vọng chung của hàng trăm công nhân, hàng nghìn gia đình góp cổ phần bằng đất với Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang.
29/06/2012
Bàn chuyện “cần câu và con cá”...
HGĐT- Là địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn, những năm qua, người dân tỉnh ta đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành nhằm XĐGN và phát triển bền vững thông qua nhiều mô hình, đề án phát triển KT-XH. Qua nhiều mô hình, đề án, có những cái thành công và cả thất bại, không ít người lại bàn nhiều về việc "cho người dân cái cần câu hay con cá?". Và làm thế nào để
28/03/2012
Người dân thôn Hạ mong có cầu treo
HGĐT- Trong nhiều lần đi tiếp xúc cử tri cùng đồng chí Chủ tịch HĐND huyện Quang Bình tại các xã, chúng tôi được biết, cơ sở vật chất của nhiều thôn còn rất khó khăn. Thôn Hạ (xã Vĩ Thượng) là một trong những thôn như vậy, người dân nơi đây mong muốn Nhà nước hỗ trợ vật liệu để xây dựng cầu treo qua suối, giúp nhân dân đi lại thuận lợi hơn.
28/02/2013
Một Dự án ổn định dân cư đang được người dân mong chờ
HGĐT- Gần 1 năm kể từ khi Dự án ổn định dân cư, định canh, định cư (ĐCĐC) tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn Lâm, xã Đồng Tâm (Bắc Quang) được khởi công, nhiều hạng mục đã và đang triển khai, 47/47 ngôi nhà được dựng lên, gần 30/47 hộ sống rải rác, khó khăn ở thôn Lâm, thôn Nhạ đã chuyển về đây với mong muốn có một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.
27/09/2012