Trăn trở về cây cầu “nối những bờ vui” ở Tân Thành

07:51, 26/03/2013

HGĐT- Những ngày đầu, chúng tôi có dịp về xã Tân Thành (Bắc Quang). Cùng những thông tin phấn khởi về nỗ lực phát triển KT – XH của địa phương, chúng tôi còn được phản ánh những khó khăn về giao thông đang đặt ra cho cuộc sống hàng ngày của bà con các dân tộc 4 thôn bên sông là Tân Lợi, Tân Tiến, Bản Cưởm và Bản Tân.


Như chúng tôi đã thông tin về những khó khăn của người dân 4 thôn bên sông ở xã Tân Thành, nơi có nhiều học sinh mỗi ngày đến trường phải đi, về hơn30km hoặc phải qua đò. Sau một thời gian, chúng tôi có dịp trở lại Tân Thành, trong câu chuyện với nhiều cán bộ, lãnh đạo xã và người dân, càng hiểu nhiều hơn những khó khăn mà “nút thắt” để giải quyết chỉ là... 1 cây cầu treo bắc qua sông. Do địa hình bị chia cắt bởi sông Lô, người dân 4 thôn bên sông dù không xa QL2 và 8 thôn cùng xã, nhưng hàng ngày, việc di chuyển ra trung tâm xã rất vất vả do phải đi đường vòng.

 


Trời chưa sáng rõ, nhiều học sinh bên sông đã phải qua đò để kịp giờ học.


Với 223 hộ dân và khoảng gần 1.000 khẩu, 4 thôn trên là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc La Chí, Mông, Dao, Nùng, Kinh. Được biết, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng sự cần cù, chịu khó của đồng bào nên đời sống của bà con các dân tộc từng ngày phát triển với không ít hộ khá, giàu. Tuy nhiên, cùng nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề giao thông; đến nay, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của 4 thôn lên đến trên 41%. Trao đổi với Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nguyễn Ngọc Hải, người sinh ra và lớn lên ở Tân Thành, được biết, 16 năm làm cán bộ xã là ngần ấy thời gian anh ghi nhận không biết bao nhiêu ý kiến đề xuất, kiến nghị của bà con 4 thôn nói riêng, người dân trong xã nói chung với các cấp, ngành về nguyện vọng có 1 cây cầu.

 

Mong ước của người dân đã xuyên qua 2 thế kỷ. Nhiều mùa nước lên, người dân Tân Thành phải chứng kiến những hiểm nguy rình dập ở đôi bờ sông Lô với những vụ người dân bị chết đuối, lật thuyền... Chính gia đình anh Hải cũng từng có em gái là giáo viên dạy học bên sông, một lần đi về bị lật thuyền, nhờ may mắn mới thoát nạn. Hay ở thôn Tân Lợi, cách đây hơn 2 năm có người lái đò bị chết đuối... Anh Vương Văn Khánh, dân tộc La Chí, ở thôn Tân Lợi tâm sự, đôi bờ cách trở cũng là rào cản khiến thanh niên trai gái 2 bên sông dù cùng xã nhưng rất ít được giao lưu... Sau khi cầu Tân Quang hoàn thành, việc đi lại thuận lợi hơn, nhưng cuộc sống của bà con 4 thôn bên sông vẫn còn khó khăn, tỷ lệ hộ có xe máy còn ít, đa phần là xe đạp hoặc đi bộ nên người dân ở thôn xa nhất như Bản Tân muốn ra trung tâm xã phải mất hơn 30km cả đi và về theo con đường hình thúng. Anh Khánh cho hay, vì đường sá vất vả nên mới đây vợ anh phải sinh con... tại nhà. Chị Nguyễn Thị Hà, Trưởng trạm Y tế xã Tân Thành cho biết, Trạm hiện đã đạt chuẩn Quốc gia về y tế, nhưng việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân 4 thôn còn gặp khá nhiều khó khăn do giao thông.

 

Do hoàn cảnh “gần nhà, xa ngõ”, dù là người dân xã Tân Thành, nhưng nếu để thực hiện các giao dịch hành chính, khám chữa bệnh, đến trường thì ra trung tâm xã Tân Quang gần hơn ra trung tâm xã Tân Thành. Đây chính là nguyên nhân khiến các ý tưởng xây dựng chợ xã Tân Thành, hay việc tách trường cấp I, II xã Tân Thành khó có thể thực hiện bởi lượng dân cư, học sinh không đáp ứng. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Nguyễn Ngọc Hải cho biết, nhờ công tác vận động tốt, việc huy động học sinh đến trường ngày càng nhiều. Hiện 4 thôn bên sông có đến 142 em, nhưng theo ghi nhận của xã, để thuận lợi cho việc đi lại của con em, đã có hàng chục học sinh xin chuyển xuống xã Tân Quang hoặc sang xã Việt Lâm (Vị Xuyên) để học. Nếu không có hỗ trợ của Nhà nước cho học sinh khó khăn, chắc chắn sẽ có thêm nhiều học sinh ở Tân Thành chuyển sang các xã khác.

 

Cô Nguyễn Thị Tuyền, Hiệu phó trường cấp I-II Tân Thành cho biết, do khó khăn đường sá, hiện hầu hết học sinh cấp I – II thôn Tân Tiến đều chuyển sang Tân Quang. Mỗi năm, thường khoảng trên 5% học sinh của trường chuyển đi nơi khác hoặc bỏ học. Để giảm bớt khó khăn, thu hút học sinh, nhà trường tạo điều kiện để các em ở những thôn xa nhất được bán trú. Tuy nhiên, do thiếu phòng ở nên không ít học sinh hiện vẫn phải thuê trọ.

 

Trong câu chuyện với các anh Tẩn Văn Nhẫn, Trưởng thôn Tân Lợi; Bàn Văn Tâm, Trưởng thôn Bản Cưởm, được biết, nếu có cầu treo, bà con các thôn khi ra xã, sang QL2 chỉ mất 2 – 3km, nhưng hiện đường vòng phải mất khoảng 20km cả đi lẫn về; thôn Bản Tân xa nhất phải hơn 30km. Trong khi tiềm năng phát triển kinh tế của 4 thôn như trồng rừng, chè, cam... rất lớn, nhưng đường sá như hiện nay rất khó phát huy.

 

Thương nhất vẫn là học sinh, đa phần do hoàn cảnh khó khăn nên hàng ngày không chỉ đi học mà còn phải phụ giúp gia đình. Hàng ngày, có không ít học sinh sau khi tan ca sáng vẫn thường phải đạp xe, qua đò về nhà vào lúc 13h. Được biết, sau khi một lái đò thôn Tân Lợi bị chết đuối, hiện trên đoạn sông Lô qua xã vẫn còn 1 con đò không phao cứu hộ, chuyên chở người dân và học sinh với giá vé 5.000đ/người/lượt, khi nước cao giá vé 20.000đ. Tại bến đò này, các em Đào Thị Thu Hiền, dân tộc Mông; Lý Văn Trường, dân tộc Nùng, học sinh lớp 6, Trường cấp I – II Tân Thành, cho biết, mỗi tháng bố mẹ phải hợp đồng thuê đò 100.000đ, cùng với gửi xe bên sông 15.000đ nữa. Mùa mưa sắp đến, chúng em rất sợ phải nghỉ học. Ước gì quê em có 1 cây cầu, dù nhỏ thôi?


HUY TOÁN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sớm bàn giao lại đất và hỗ trợ người dân vùng trồng cao su
HGĐT- Chủ trương tạm dừng chương trình trồng cây cao su của BTV Tỉnh uỷ, sau hơn 3 tháng triển khai đã được người dân đón nhận với nhiều tâm trạng. Có mặt tại vùng cao su Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, chúng tôi ghi nhận được tâm tư, nguyện vọng chung của hàng trăm công nhân, hàng nghìn gia đình góp cổ phần bằng đất với Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang.
29/06/2012
Bàn chuyện “cần câu và con cá”...
HGĐT- Là địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn, những năm qua, người dân tỉnh ta đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành nhằm XĐGN và phát triển bền vững thông qua nhiều mô hình, đề án phát triển KT-XH. Qua nhiều mô hình, đề án, có những cái thành công và cả thất bại, không ít người lại bàn nhiều về việc "cho người dân cái cần câu hay con cá?". Và làm thế nào để
28/03/2012
Người dân thôn Hạ mong có cầu treo
HGĐT- Trong nhiều lần đi tiếp xúc cử tri cùng đồng chí Chủ tịch HĐND huyện Quang Bình tại các xã, chúng tôi được biết, cơ sở vật chất của nhiều thôn còn rất khó khăn. Thôn Hạ (xã Vĩ Thượng) là một trong những thôn như vậy, người dân nơi đây mong muốn Nhà nước hỗ trợ vật liệu để xây dựng cầu treo qua suối, giúp nhân dân đi lại thuận lợi hơn.
28/02/2013
Một Dự án ổn định dân cư đang được người dân mong chờ
HGĐT- Gần 1 năm kể từ khi Dự án ổn định dân cư, định canh, định cư (ĐCĐC) tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn Lâm, xã Đồng Tâm (Bắc Quang) được khởi công, nhiều hạng mục đã và đang triển khai, 47/47 ngôi nhà được dựng lên, gần 30/47 hộ sống rải rác, khó khăn ở thôn Lâm, thôn Nhạ đã chuyển về đây với mong muốn có một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.
27/09/2012