Khi lòng dân đồng thuận

13:52, 15/03/2012

HGĐT- Xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nay đã không còn mới. Bởi, sau một thời gian triển khai, bắt tay vào thực hiện thì nó đã thật sự rất gần gũi với người dân. "Nó" được ví như cơm ăn, áo mặc, hơi thở cuộc sống hàng ngày của chính mỗi cá thể đã, đang sinh sống trên mảnh đất quê hương.


Câu chuyện giữa nhóm phóng viên chuyên mục "Ý kiến người dân" Báo Hà Giang triển khai với các chủ thể về chương trình XDNTM ở xã Phương Độ, thành phố Hà Giang đã gợi mở ra nhiều "điểm sáng" trong cách làm...

 

 

 Đường vào thôn Hạ Thành.


Phương Độ là một trong 3 xã điểm của tỉnh giai đoạn I được chọn thực hiện Chương trình, từ sự nỗ lực của người dân, nguồn hỗ trợ của Nhà nước, Phương Độ đã làm được hàng ngàn mét đường giao thông liên thôn, với diện tích mặt đường rộng từ 3-5m; hơn bốn chục hộ đã hiến trên 1.600 m2 đất làm đường; người dân đóng góp ngày công ước tính gần 50 triệu đồng; gần 300 hộ đã láng nền nhà xi măng, xây dựng công trình nhà tắm, nhà vệ sinh, gần 100% hộ dân di dời chuồng trại ra xa nhà; thành lập 2 HTX chế biến nông sản; ra mắt được Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Hạ Thành gắn với xây dựng NTM... và đã đạt 18/49 tiêu chí nhỏ của Bộ tiêu chí.


Làm cách nào mà Chương trình của xã triển khai lại có kết quả khả quan đến vậy?


Đồng chí Nguyễn Xuân Diệu, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban XDNTM xã Phương Độ cho rằng: Sở dĩ việc XDNTM trên địa bàn xã có những tín hiệu tích cực do xã đã xác định đúng mục tiêu, định hướng. Công tác tuyên truyền là nội dung hàng đầu và bằng nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau để giúp người dân nghe, hiểu chính xác về mục đích của Chương trình. Từ đó, Ban chỉ đạo xã (BCĐ) thuyết phục người dân ủng hộ tới đâu thì bà con tích cực tham gia tới đó.


 

 Người dân thôn Hạ Thành đọc bản tin về chương trình xây dựng nông thôn mới.


Vậy cá nhân ông rút ra được điều gì sau khi thực hiện:

Qua một thời gian thực hiện, khi người dân đã hiểu rõ ngọn ngành, thấu tình, đạt lý, thì chúng tôi huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc một cách quyết liệt với tiêu chí: Việc gì dễ, huy động sức dân làm trước, việc khó cần sự hỗ trợ của Nhà nước làm sau. Kết hợp với đó, một điều kiện tiên quyết là phải để dân trực tiếp tham gia ý kiến, bàn bạc, thực hiện các mô hình nên rất được người dân ủng hộ và thành quả mà họ làm được theo cảm nhận của cá nhân, tôi nhận thấy bà con rất mãn nguyện.


Và những điều hay trong quá trình thực hiện đã rõ nhưng chắc hẳn vẫn còn những cái chưa hay, cái bất cập... Ông có thể cho biết?


Chắc hẳn rồi, bởi ở đời không có gì là toàn diện cả. Do đó, điều bất cập thấy rõ nhất chính là: Nhiều tiêu chí của Chương trình không phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Cũng như các địa phương khác của tỉnh, Phương Độ là xã có địa hình đồi, núi rộng, phức tạp nên việc quy hoạch theo rất khó khăn. Cụ thể: Việc quy tụ khu dân cư, vùng sản xuất, nghĩa trang tập trung hay Trung tâm VHTT phải đủ diện tích vui chơi, hoạt động... nên rất khó đạt tiêu chí. Bên cạnh đó, cơ bản toàn xã chủ yếu là ruộng bậc thang nên rất khó dồn điển đổi thửa, để có một tuyến đường giao thông nội đồng với mặt đường rộng từ 3 - 7m... Các tiêu chí đưa ra cần có hướng mở và không quá cứng nhắc hoặc địa phương có thể năng động trong việc triển khai phù hợp với từng địa phương thì sẽ dễ thực hiện và kết quả cũng tốt hơn nhiều. Bản thân tôi nghĩ vậy đó!


Ông Nguyễn Xuân Hạt, Chủ tịch Hội Nông dân Phương Độ cũng khẳng định: Theo đúng như “tôn chỉ” của Chương trình khi làm, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Từ đó, xã Phương Độ đã phân công cụ thể tới từng đoàn thể, cán bộ, đảng viên đều phải có trách nhiệm vận động người dân, hội viên cùng chung tay xây dựng; mỗi cán bộ xã phụ trách từ 2-3 hộ dân ở thôn điểm. Không chỉ có trách nhiệm vận động mà còn phải trực tiếp hướng dẫn cách làm cụ thể, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và giúp đỡ dân. Điều đó đã mang lại hiệu quả rõ rệt, Chương trình đã “bám rễ” được vào trong đời sống của người dân.


Với tư cách là một người trực tiếp thực hiện và thụ hưởng kết quả chương trình XDNTM, anh nghĩ gì về chương trình này?


Anh Nguyễn Văn Dương thôn Hạ Thành tâm sự: Quá tuyệt vời! Làm Chương trình này, dân được nhiều lắm. Nhà nước cho xi măng để láng nền nhà, làm đường, làm nhà tắm... toàn những cái nhỏ nhặt nhưng không chỉ nhà mình mà nhiều hộ trong thôn muốn làm cũng khó bởi ít tiền nhưng giờ người dân được sống sạch sẽ, hợp vệ sinh, đường bê tông chạy khắp xóm, sang nhà nhau chơi bùn cũng chẳng lấm chân. Chỉ như thế thôi mà cả xóm đều vui, nên dù Nhà báo hay ai có hỏi bà con trong xã đều nhận được câu trả lời, ngắn lắm nhưng lại đúng với những gì mà cái đầu người dân nghĩ: “Quá tuyệt vời!”.


Được nghe tuyên truyền, phổ biến các tiêu chí rồi. Với cá nhân anh nếu thực hiện tiếp mà phải đóng góp nhiều, bỏ thêm tiền làm thì có nản không?


Nhà báo hỏi vui thế, Nhà nước quan tâm, lại đúng ý người dân nữa thì phải làm chứ, làm đến cùng luôn. Nếu thời gian tới, tiếp tục được hỗ trợ xi măng, chúng tôi lại cùng nhau làm đường nội thôn cho hết thì thôi.


Với câu trả lời ngắn gọn, chắc nịch của một cá nhân trong làng mà thể hiển rất đầy đủ được lòng quyết tâm thực hiện Chương trình của người dân nơi đây. Và để hiểu hơn về lòng quyết tâm đó, chúng tôi tiếp tục có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Cao, Trưởng thôn Hạ Thành:


“Tấc đất tấc vàng”. Làm cách nào mà người dân trong thôn đều tình nguyện hiến đất làm đường liên thôn?


Bước đầu quả thật rất khó khăn! Bởi lẽ, nhiều hộ dân chưa hiểu về Chương trình XDNTM; lại có hộ vì lợi ích cá nhân, tiếc đất do cha, ông, tổ tiên bao đời để lại nên không chịu hiến đất... nên cán bộ xã, thôn đã phải nhọc công tuyên truyền, vận động nhiều lần theo nhiều hình thức, như: Khởi điểm chúng tôi cũng tổ chức tuyên truyền theo hình thức tập thể, bà con tranh luận sôi nổi lắm nhưng chưa thành công. Sau đổi đổi cách làm, từ cá thể rồi tới gia đình và toàn tập thể. Chỉ hơi mất thời gian thôi, chúng tôi đến từng hộ gia đình tâm sự với chủ hộ, người cao tuổi có uy tín trong làng để phân tích về “cái mất mà được” của việc hiến đất. Cá thể hộ cùng các nhà trong thôn, mỗi nhà “hy sinh” một ít đất để làm đường liên thôn, vừa rộng rãi, sạch sẽ mà giá trị của từng tấc đất cũng tăng lên đáng kể sau khi con đường hình thành. Theo hình thức “mưa dầm thấm lâu”, cuối cùng chúng tôi đã nhận được sự đồng thuận của dân, việc giải phóng mặt bằng và cả công làm đường đều được mọi người giúp sức, hoàn thành đúng tiến độ.


Ở góc độ là Phó Chủ tịch UBND xã, chị đã hiểu hết ý nghĩa của Chương trình XDNTM chưa?


Đồng chí Nguyễn Thị Vân, Phó Chủ tịch UBND xã: Mình chẳng nghĩ gì nhiều, chỉ biết rằng khi thực hiện Chương trình XDNTM của Nhà nước triển khai nhưng người dân được hưởng lợi rất nhiều. Và cái hay của Chương trình là tất cả mọi người đều được tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến công bằng, dân chủ cộng với sự nhiệt thành của cán bộ đến từng nhà tuyên truyền nên hiểu lắm. Đấy các anh thấy đó, trục đường chính của thôn đã xong, gần 30 hộ dân hai bên đường đều tình nguyện hiến đất. Đúng như nhiều người dân trao đổi với nhau: Đường làm xong, đi lại thuận lợi, thôn, bản thêm khang trang, sạch đẹp hơn nhiều lắm so với trước đây.

Nhờ làm cho dân hiểu thấu đáo về lợi ích của Chương trình XDNTM mang lại nên xã Phương Độ đã và đang phát huy được tối đa nguồn sức mạnh tổng hợp toàn dân trong việc hoàn thành các tiêu chí. Bên cạnh đó, chính quyền xã còn phát huy lợi thế của các tổ chức, hội, đoàn thể như hội phụ nữ, thanh niên, CCB...và đặc biệt là đội ngũ thôn trưởng, già làng, người có uy tín thường xuyên, liên tục đến từng hộ gia đình vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu được vai trò, trách nhiệm của bản thân cũng như ý nghĩa, mục đích của Chương trình xây dựng NTM. Với cách làm hay và hiệu quả, tin rằng “cái đích” mà xã Phương Độ sẽ rất gần trong tương lai gần...


NHÓM PHÓNG VIÊN CHUYÊN ĐỀ

Ý kiến bạn đọc