Bàn chuyện “cần câu và con cá”...
HGĐT- Là địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn, những năm qua, người dân tỉnh ta đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành nhằm XĐGN và phát triển bền vững thông qua nhiều mô hình, đề án phát triển KT-XH. Qua nhiều mô hình, đề án, có những cái thành công và cả thất bại, không ít người lại bàn nhiều về việc "cho người dân cái cần câu hay con cá?". Và làm thế nào để việc triển khai thực hiện các mô hình, đề án với ý nghĩa hỗ trợ người dân trong phát triển KT-XH không bị rơi vào tình trạng "ném đá ao bèo"...!?
Mô hình phát triển cây đậu tương hàng hóa tại xã Cán Tỷ (Quản Bạ) giúp người dân XĐGN bền vững. |
Trước nay, chúng ta đã thực hiện rất nhiều mô hình thí điểm về phát triển kinh tế như: Các mô hình thâm canh lúa, ngô, đậu tương giống mới; cây cà phê, dâu tằm, sở, cải dầu, cao su... Trong số đó, có nhiều mô hình đã thành công và mang lại hiệu quả rõ nét, giúp người dân nâng cao đời sống. Song, cũng không ít mô hình không đạt kết quả mong muốn. Có một điều dễ nhận thấy là trước đây, khi thực hiện các mô hình, dự án điểm, Nhà nước sẽ đầu tư 100% về vốn, phân, giống, khoa học kỹ thuật cho người dân thực hiện. Nhưng sau khi được tổ chức nghiệm thu một cách quy mô, kết luận tính khả thi và có thể nhân rộng thì có rất ít mô hình tồn tại và phát triển được lâu dài. Nguyên nhân được đưa ra rất nhiều, nhưng để tìm người có thể đứng ra nhận trách nhiệm cho thất bại có vẻ như là rất khó. Vì thế, nguyên nhân thường được đưa ra là do thời tiết, thị trường, dịch bệnh, nhận thức, trình độ canh tác của người dân còn hạn chế... Tuy nhiên, thực tế lại chứng minh rằng có những mô hình phát triển kinh tế tự phát trong nhân dân đang phát huy hiệu quả như: Mô hình trồng cây hồi lấy tinh dầu ở Bắc Mê, hay mô hình chăn nuôi bò, nhím, lợn rừng hàng hóa, trồng cây thảo quả, trồng lúa...ở nhiều địa phương trong toàn tỉnh. Từ đó, đặt ra suy nghĩ là nhiều mô hình, đề án trước khi được triển khai, chúng ta đã tính hết khả năng phù hợp với điều kiện phát triển tại địa phương chưa?.
Đồng chí Đỗ Trọng Quý, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: “Thực tế đã cho thấy, những năm qua, nhiều mô hình kinh tế nếu đầu tư cho người dân mà không phát huy nội lực trong dân thì phần lớn đều thất bại, hoặc không nhân rộng được. Do đó, chúng ta cần phải xây dựng một cơ chế phù hợp cũng như cần phải đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân biết họ sẽ được hưởng lợi ích như thế nào từ các mô hình. Đồng thời, phải hướng dẫn cụ thể cho người dân thực hiện”...
Thực tế ở không ít địa phương hiện nay, vì căn bệnh thành tích hoặc tâm lí nôn nóng, muốn phát triển kinh tế nhanh, đột phá dẫn đến một số mô hình kinh tế được triển khai không phù hợp, hiệu quả không cao, làm người dân mất lòng tin. Cũng có không ít mô hình dù được thực hiện thành công, nhưng bài toán đầu ra cho sản phẩm lại không được giải quyết tốt nên cũng không phát triển nhân rộng được. Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các cấp, các ngành khi thực hiện các mô hình, đề án còn chưa chặt chẽ. Nhiều nơi chưa làm hết trách nhiệm của mình là tuyên truyền cho người dân hiểu biết họ được hưởng lợi như thế nào khi tham gia dự án trong khi trình độ canh tác và nhận thức của đồng bào vùng cao còn hạn chế. Nhiều địa phương không chọn lọc, ưu tiên các mô hình, đề án cụ thể, phù hợp khiến cho việc bố trí kinh phí đã khó khăn lại thêm phần lãng phí. Có cả những mô hình kinh tế với một mục đích đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, nâng cao năng suất, sản lượng cho cây trồng..., để giúp người dân phát triển kinh tế nhưng chính những người dân lại giường như đứng ngoài cuộc. Vì thế, do hạn chế về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng bệnh, khi thiệt hại xẩy ra, không ít người dân lại trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Từ tâm lý không ảnh hưởng đến mình đã dẫn đến tình trạng một số mô hình, đề án phát triển kinh tế ngay sau khi nghiệm thu dần chìm vào quên lãng.
Từ những hạn chế trên, Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: “Đó là một thực tế đáng lo ngại, thậm chí có mô hình rơi vào tình trạng “chết yểu” ngay khi dự án thí điểm kết thúc. Để giải quyết vấn đề này, trong những năm qua, Sở Nông nghiệp đã triển khai thực hiện các mô hình, đề án theo cách làm mới là Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhà nước hỗ trợ 50 % kinh phí, chuyển giao kỹ thuật, còn lại người dân bỏ tiền ra thực hiện, khi mô hình thành công sẽ luân phiên để nhân rộng”. Việc gắn trách nhiệm chăm sóc, đi liền với lợi ích kinh tế đã khiến người dân chú trọng hơn đến các mô hình, đề án. Theo thông tin từ Sở NN&PTNT thì năm 2011, nhiều mô hình, đề án về phát triển kinh tế bền vững đã cơ bản được xây dựng xong và đang triển khai thực hiện. Bước đầu đã cho thấy nhiều tín hiệu vui như: Mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn Việt GAP; đề án phát triển cây đậu tương hàng hóa; đề án chuyển đổi chất đốt cho 4 huyện vùng cao phía Bắc; đề án phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn với sản xuất theo hướng thâm canh... Các mô hình, đề án này đang mang lại sự đổi thay rõ nét trong đời sống của người dân, giúp họ từng bước thoát nghèo bền vững.
Đến thăm gia đình các chị Lù Thị Thúy và chị Nguyễn Thị Hà, tổ 9, phường Ngọc Hà (TPHG) đại diện 2 gia đình tham gia Dự án phát triển rau an toàn theo tiêu chuẩn Việt Gap, cho biết: Để phát triển vùng rau chuyên canh an toàn, hơn 20 hộ ở đây đã được hỗ trợ trồng rau với nguồn kinh phí rất cụ thể để xây dựng bể nước, hố phân, hỗ trợ một số chế phẩm... Mặc dù đây là vùng trồng rau có truyền thống, nhưng từ trước đến nay người dân vẫn chưa có ý thức về việc sản xuất rau theo quy trình và việc phải từng bước nâng cao hình ảnh, chất lượng sản phẩm. Vì thế, việc triển khai dự án với sự hướng dẫn cụ thể của ngành chức năng sẽ giúp cho người dân từng bước nâng cao nhận thức về sản xuất rau an toàn, hướng tới xây dựng sản phẩm có thương hiệu và có giá trị kinh tế với đầu ra thuận lợi là khu vực thành phố.
Thiết nghĩ, đối với một địa phương còn nhiều khó khăn như tỉnh ta, nguồn vốn bố trí cho phát triển kinh tế vẫn còn phải cân đo, trăn trở nên việc ưu tiên, lựa chọn các mô hình, đề án thiết thực, có hiệu quả là điều đáng phải quan tâm nhằm tránh lãng phí. Suy cho cùng thì mục đích vẫn là nâng cao đời sống cho người dân, vậy nên chúng ta cần phải có một cơ chế phù hợp, phải đẩy mạnh tuyên truyền, giúp đỡ và hướng dẫn người dân, lấy đó làm trọng tâm và không để dân đứng ngoài cuộc. Từ đó, từng bước giúp người dân thoát nghèo, nâng cao thu nhập một cách bền vững. Và qua đó có thể cũng để câu chuyện “con cá, cần câu” không phải nhắc mãi đến sau này.
Ý kiến bạn đọc