VSATTP, từ ý thức người tiêu dùng tới... nhà quản lý
Người tiêu dùng thiếu hiểu biết:
Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là vấn đề luôn được quan tâm vì nó liên quan đến sức khỏe người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, tình hình VSATTP trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm nay cho thấy nhiều vấn đề nan giải trong việc quản lý, kiểm soát. Mà nguyên nhân bắt nguồn từ chính sự kém hiểu biết của người tiêu dùng cho đến sự thiếu ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống đối với sức khoẻ cộng đồng.
Qua 2 vụ ngộ độc xảy ra trên địa bàn tỉnh gồm tại xã Ma Lé (Đồng Văn) làm 3 người bị ngộ độc, 01 tử vong và tại xã Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc) làm 3 người tử vong do ăn phải bánh ngô bị mốc tại gia đình, thấy rằng người dân còn thiếu hiểu biết và sự quan tâm cần thiết đến VSATTP, nhất là một bộ phận ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn có thói quen ăn uống lạc hậu, mất vệ sinh. Điều đó góp phần làm gia tăng các vụ ngộ độc thực phẩm với mức độ trầm trọng như sử dụng bánh ngô bị mốc, nấm độc, lá cây rừng... gây tử vong cao. Đặc biệt, vấn đề ngộ độc do ăn phải bánh ngô mốc không phải là mới, hàng năm trên địa bàn tỉnh đều có các trường hợp tử vong song tình trạng này vẫn chưa được ngăn chặn. Một vấn đề nữa là các loại sản phẩm, thực phẩm được kinh doanh, buôn bán ở các huyện vùng sâu, vùng xa thường không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bị hết hạn sử dụng. Một phần do quá trình vận chuyển xa và nhu cầu của người dân ít nên các mặt hàng hóa này dễ bị ế ẩm, để lâu ngày. Do kiến thức người tiêu dùng ở vùng dân tộc thiểu số còn kém nên không nhận biết được những loại hàng hóa, thực phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc bị hỏng.
Các địa điểm kinh doanh thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất VSATTP.
Bên cạnh người tiêu dùng thiếu kiến thức, thì theo cơ quan chức năng, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh phần lớn là không đủ tiêu chuẩn cấp giấy chứng nhận ATTP. Do có quy mô nhỏ, lẻ, cách chế biến thủ công, cơ sở nhà xưởng, trang thiết bị sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa đúng quy định. Các địa điểm kinh doanh thức ăn đường phố cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất VSATTP do các yếu tố như tạm bợ, ô nhiễm môi trường, nguyên liệu chế biến thức ăn chủ yếu vẫn được cung cấp từ các cơ sở kinh doanh nhỏ, lẻ.
Cơ quan quản lý lỏng lẻo:
Với đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý VSATTP ở cấp huyện mỏng nên việc thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm gặp nhiều khó khăn. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thành lập 417 đoàn thanh, kiểm tra được 4.956 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Trong đó, số cơ sở đạt là 3.724, chiếm 75,1%; số cơ sở không đạt là 1.232 chiếm 24,9,%. Với số lượng lớn các cơ sở không đạt tiêu chuẩn như trên thì hình thức xử phạt còn nhẹ mới dừng ở mức cảnh cáo, nhắc nhở. Số lượng sản phẩm bị tiêu hủy còn ít là 282,3 kg và 13 lít nước ngọt các loại. Điều này chưa đủ sức răn đe, nhất là ở tuyến xã hầu hết không có trường hợp nào bị xử phạt. Bên cạnh đó, còn thiếu các quy định cụ thể về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc khắc phục, xử lý hậu quả ngộ độc thực phẩm tập thể và truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể gây ra ngộ độc. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu cho việc xét nghiệm cũng gây khó khăn cho việc kiểm tra VSATTP. Trong khi ở một số nơi chính quyền chưa nhận thức được trách nhiệm của mình trong vấn đề ATTP, còn tâm lý ỷ lại vào các cơ quan chuyên môn.
Đánh giá tình hình VSATTP trong 6 tháng đầu năm, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP tỉnh, BS.Nguyễn Như Chưởng, cho biết: “Tình hình VSATTP từ đầu năm đến nay không có biến động nhiều, nhận thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống đã được nâng cao dần. Các hoạt động phòng, chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm được chủ động triển khai. Do vậy, không có trường hợp ngộ độc nào xảy ra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể và quán ăn đường phố. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm có 2 vụ ngộ độc thực phẩm do nhận thức của người dân vùng sâu, vùng xa về VSATTP còn yếu. Thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai tuyên truyền về VSATTP và thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, nhu cầu thực phẩm của người dân sẽ ngày càng tăng dẫn đến nguy cơ mất VSATTP xảy ra nếu các cơ quan chức năng quản lý lỏng lẻo”.
Ý kiến bạn đọc