Chuyên gia thế giới đánh giá cao chất lượng vắc-xin trong nước
Nhiều bà mẹ Việt có tâm lý lo ngại, không muốn cho con tiêm vắc-xin sản xuất trong nước, trong khi các chuyên gia thế giới đánh giá cao về tính an toàn, chất lượng của vắc-xin sởi đơn do Việt Nam sản xuất.
Chị Phương Thanh (Láng Hạ - Hà Nội) kiên quyết chờ con gái tròn một tuổi để con đi tiêm phòng mũi ba trong một sởi – rubella - quai bị, mặc dù ngay từ đầu mùa dịch, các bác sĩ đã khuyến cáo các bà mẹ nên đưa con đi tiêm chủng ngay lập tức. Chị Thanh cho biết, vắc-xin sởi đơn do Việt Nam sản xuất, 18 tháng tuổi phải tiêm nhắc lại, trong khi vắc-xin ba trong một do Bỉ sản xuất, đến bốn tuổi mới phải tiêm nhắc lại. “Sau vụ việc trẻ chết vì vắc-xin năm trong một ở Quảng Trị, rồi liên tiếp các trẻ tử vong sau tiêm, nói thật là tôi không yên tâm mấy về chất lượng vắc-xin nội, cứ của ngoại là vẫn hơn”, chị Thanh nói.
Muốn cho con tiêm vắc-xin sởi ở trạm y tế xã từ khi chín tháng tuổi, nhưng sau mấy lần con ốm vào đúng ngày tiêm chủng hàng tháng thì chị Thu Hà (Dương Nội – Hà Đông) quyết định đưa con đi tiêm dịch vụ vắc-xin ba trong một. Chị Hà cũng cho biết thêm, có lần con tiêm ở trạm y tế xã về bị sốt nên chị rất “ngại”, trong khi tiêm dịch vụ thì con không có hiện tượng này.
Tại Hà Nội, từ tháng ba đến nay, các phòng tiêm chủng dịch vụ trở nên đông hơn bình thường, nhất là vào ngày thứ bảy, chủ nhật. Tại Trung tâm Y tế dự phòng 70 Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), mới đầu buổi sáng, phòng tiêm chủng đã chật kín người chờ đợi. Đến khoảng 9 giờ 30 phút sáng, nhân viên y tế của Trung tâm đã thông báo hết số của buổi sáng. Cùng với đó, tại các phòng tiêm chủng khác trên địa bàn Hà Nội như 35 phố Trần Bình, 50C phố Hàng Bài, Lò Đúc, số trẻ nhỏ được đưa tới tiêm chủng tăng đáng kể.
Sáng 13-5, chị Thu Thủy (Gia Lâm) đưa con trai đi tiêm ở phòng tiêm chủng dịch vụ tại Lò Đúc. Chị đến từ 8h30, và được phát số thứ tự là 166. Chị cho hay, mình phải chờ mấy tiếng đồng hồ mới đến lượt tiêm của con.
Nhiều bậc phụ huynh thờ ơ với vắc-xin được tiêm miễn phí, mà "ồ ạt” đưa con đi tiêm chủng dịch vụ. Trong khi nhiều cơ sở y tế ở xã, phường đến từng nhà mời các cháu đi tiêm phòng theo lịch, nhưng số lượng vẫn vắng, còn tại các Trung tâm tiêm phòng dịch vụ lại luôn trong tình trạng quá tải. Nhiều phụ huynh ở các huyện ngoại thành, khá xa trung tâm Hà Nội cũng đưa con nhỏ tới tiêm chủng, chủ yếu là vắc-xin sởi, thủy đậu, cúm.
Vắc-xin Việt Nam sản xuất an toàn
Tiến sĩ, Bác sĩ Kohei Toda, Chuyên gia Tiêm chủng mở rộng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, trong 20 năm của Chương trình tiêm chủng quốc gia đã chứng minh sự suy giảm lớn tỷ lệ trẻ em tử vong vì bệnh sởi. Tiêm chủng phòng bệnh sởi bao phủ ít nhất là 95% ở trẻ em sẽ ngăn chặn bệnh lây lan và sẽ phá vỡ các chu kỳ quay lại của bệnh sởi. Xã hội có sức khỏe tốt phụ thuộc vào chương trình tiêm chủng thành công hay không.
“Vắc-xin ba trong một phải trả tiền, còn vắc-xin sởi đơn trong CTTMRCQG nên toàn miễn phí. Vắc-xin sởi đơn do Việt Nam sản xuất dựa trên công nghệ của Nhật Bản rất tốt, tôi không hiểu tại sao các bà mẹ lại đi tiêm chủng vắc-xin dịch vụ trong khi vắc-xin sởi đơn an toàn và không mất tiền?”, TS Kohei Toda nói.
Đại diện cho đơn vị chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin tại Việt Nam, Tiến sĩ Miki Tamura, công ty Vắc-xin Kitasato Daiichi Sankyo, chuyên gia dự án JICA cho biết, vắc-xin đơn liều do Việt Nam sản xuất nằm trong chương trình chuyển giao công nghệ của Nhật Bản, thực hiện bởi Viện Kitasato có lịch sử sản xuất vắc-xin hơn 100 năm. Vắc-xin này được đánh giá an toàn, đáp ứng miễn dịch cao, hiếm có phản ứng phụ.
"Sau năm năm xây dựng và kiểm định, kể từ tháng 10-2009, Việt Nam đã có thể tự sản xuất được vắc-xin sởi. Vắc-xin này hoàn toàn như vắc-xin ở Nhật Bản, và còn đạt tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt của Tổ chức Y tế thế giới. Tôi hy vọng người dân Việt Nam sử dụng nó", tiến sĩ Miki Tamura nói.
Để sản xuất ra vắc-xin sởi, hiện nay bên Trung tâm nghiên cứu, sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC) áp dụng tiêu chuẩn GMP của WHO về sản xuất vắc- xin. Ngoài ra, POLYVAC nhận chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản, nên vắc-xin sởi còn phải đáp ứng một số tiêu chuẩn nghiêm ngặt khác từ Nhật Bản.
Vận hành dây chuyền sản xuất vắc-xin.
PGS.TS Nguyễn Đăng Hiền, Giám đốc Trung tâm cho hay, quy trình kiểm soát chất lượng, từ nguyên liệu đầu vào cho đến thành phẩm cuối cùng, mỗi một công đoạn cần tuân thủ theo quy trình được thẩm định sẵn. Qua mỗi công đoạn các sản phẩm được lấy mẫu để kiểm định, khi mẫu đạt chất lượng đề ra thì mới được tiếp tục sản xuất. Sản phẩm cuối cùng phải được Bộ Y tế kiểm định chất lượng đạt tiêu chuẩn của WHO thì mới được sử dụng.
“Việt Nam có lịch sử lâu đời về sản xuất vắc-xin. Vắc-xin nội đã được sử dụng những ngày đầu khi CTTCMR được triển khai ở Việt Nam, trong sáu loại vắc-xin được triển khai trong CTTCMR lúc đó có vắc-xin sởi. Vắc-xin được sản xuất áp dụng theo quy định, tiêu chuẩn của WHO, các công đoạn sản xuất được kiểm định ngặt nghèo mới ra được vắc-xin có hiệu quả bảo vệ tốt, an toàn”, ông Hiền nói.
Trước một số thông tin thiếu vắc-xin sởi do nhu cầu tiêm chủng vắc-xin sởi tăng sau đợt dịch, ông Hiền khẳng định, liên tục đầu tháng 5 cho đến hết tháng 6, khoảng 2,4 triệu liều vắc- xin sởi đơn được xuất ra để sử dụng cho tất cả các nhu cầu, không có tình trạng thiếu vắc-xin.
Ý kiến bạn đọc