Bệnh sởi vẫn diễn biến phức tạp: Đã đủ điều kiện công bố dịch?

10:29, 15/04/2014
Trong lúc Bộ Y tế thông báo số ca mắc sởi đã tạm lắng thì những ngày qua, bệnh nhân mắc sởi vẫn ùn ùn nhập viện và các trường hợp biến chứng nặng không ngừng tăng. Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu thừa nhận: So với dịch sởi năm 2009-2010, các ca mắc sởi trong đợt này gây bệnh cảnh nặng hơn. Thậm chí, diễn biến những ca mắc sởi trong bệnh viện (BV) khác với bệnh sởi "truyền thống". Câu hỏi đặt ra lúc này là: đến thời điểm này, Bộ Y tế có nên công bố dịch sởi?

Trong lúc Bộ Y tế thông báo số ca mắc sởi đã tạm lắng thì những ngày qua, bệnh nhân mắc sởi vẫn ùn ùn nhập viện và các trường hợp biến chứng nặng không ngừng tăng. Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu thừa nhận: So với dịch sởi năm 2009-2010, các ca mắc sởi trong đợt này gây bệnh cảnh nặng hơn. Thậm chí, diễn biến những ca mắc sởi trong bệnh viện (BV) khác với bệnh sởi "truyền thống". Câu hỏi đặt ra lúc này là: đến thời điểm này, Bộ Y tế có nên công bố dịch sởi?
 
Bệnh nhân sởi được điều trị tại một cơ sở y tế.


“Gồng mình” chống… sởi

Từ khi dịch bệnh sởi diễn biến phức tạp cũng là lúc BV Nhi trung ương lâm vào tình trạng quá tải trầm trọng. Sáng 14-4, phía ngoài cổng, trong khuôn viên BV trở nên đông đúc khác thường. Người nhà bệnh nhân xếp hàng dài chờ đợi trong tâm trạng lo lắng. Đến 11h trưa, thời điểm người nhà được vào thăm bệnh nhi là hàng dài người lại lặng lẽ đi về phía khoa Truyền nhiễm. Tại đây, hiện có hơn 200 bệnh nhi đang phải chống chọi với bệnh sởi và biến chứng của bệnh.

Ôm đứa con nhỏ trong lòng, gương mặt anh Nguyễn Văn H (30 tuổi ở Chương Mỹ, Hà Nội) không giấu nổi mệt mỏi, lo lắng. Anh kể, cách đây 1 tuần, con trai bị sốt cao, trên cơ thể xuất hiện nhiều nốt đỏ, hai vợ chồng ngay lập tức đưa con vào viện. Kết quả xét nghiệm cho biết, con anh mắc sởi. Từ hôm vào viện đến nay, anh phải dừng mọi công việc kinh doanh để túc trực bên con. Gần đó, bà Nguyễn Thị Th (ở Thường Tín, Hà Nội) đang chăm sóc đứa cháu ngoại chưa qua cơn nguy kịch. Vừa nói bà vừa khóc, cho biết: “Gần 1 tháng ở đây, tôi đã chứng kiến không ít cảnh thương tâm, nhiều gia đình bố mẹ khóc cạn nước mắt, ngất lịm đi khi nghe bác sĩ thông báo con mình tử vong vì biến chứng sởi. Mỗi khi có một đứa trẻ tử vong là một bầu không khí ảm đạm bao trùm, từ người nhà bệnh nhân cho đến bác sĩ đều não nề”.

PGS.TS Phạm Nhật An, Phó Giám đốc BV kiêm Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, dịch sởi vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống. Trung bình, mỗi ngày tại đây tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhi mắc sởi. Cả khoa có 90 giường bệnh và đã phải sắp xếp, kê thêm thành 110 giường nhưng vẫn không đủ chỗ cho bệnh nhi. Phòng bác sĩ, phòng phó trưởng khoa đều kê thêm giường điều trị. “Suốt hai tháng nay, các y, bác sĩ luôn làm việc trong tâm trạng căng thẳng, mệt mỏi và buồn. Ai cũng cố gắng hết sức, làm việc thông tầm, không dám nghỉ phép. Nhưng khi chứng kiến những trường hợp tử vong dù đã cố gắng hết sức cứu chữa, chúng tôi vẫn vô cùng đau xót và cảm thấy bất lực” - PGS.TS Phạm Nhật An nói.

Còn tại khoa Nhi (BV Hữu Nghị Việt Nam - Cu ba), chỉ trong buổi sáng 14-4 cũng đã tiếp nhận 6 bệnh nhi mắc sởi. Theo các bác sĩ, chưa bao giờ BV xảy ra tình trạng quá tải, phải nằm ghép như thời điểm này. Tại đây, bệnh nhi nằm ghép đến 2-3 trẻ/giường bệnh. Nhiều trường hợp bệnh sởi diễn biến nặng, phức tạp. Theo Trưởng khoa Nhi Nguyễn Thị Anh Xuân, trước đây, bệnh nhân sởi kể cả có viêm phế quản, viêm đường hô hấp chỉ ở thể nhẹ, mất khoảng 5-7 ngày nằm viện là khỏi bệnh. Nhưng hiện nay, với các bệnh nhân sởi biến chứng, các cháu thường phải nằm viện 2-3 tuần, thậm chí là cả tháng.

 
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm đưa ra sự so sánh với dịch cúm gia cầm những năm 2004-2005: Cuối năm 2003 khi thấy một số bệnh nhi tử vong do viêm phổi không đáp ứng với điều trị, tôi đã gửi các mẫu bệnh phẩm sang phòng xét nghiệm Hồng Kông (Trung Quốc) và Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và nhờ vậy đã sớm phát hiện trường hợp cúm gia cầm đầu tiên tại nước ta. Ngay sau đó, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để đối phó với dịch cúm gia cầm và đạt được kết quả rất tốt. So với dịch cúm gia cầm, dịch sởi nguy hiểm hơn, mức lây lan nhanh hơn, số lượng bệnh nhân tử vong cao hơn. Xét cả về 3 phương diện: Mức độ lây truyền, khả năng đáp ứng của các BV, con số tử vong đều khó có thể nói tình hình bệnh sởi đang được kiểm soát tốt.
Dịch sởi đang được kiểm soát tốt?

Trước thực tế trên, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu đã trực tiếp làm việc tại các BV và cho biết, số ca mắc sởi tại các tỉnh, thành phố thống kê được hiện thấp hơn vụ dịch năm 2009-2010. Tuy nhiên, các trường hợp sởi trong đợt dịch này gây bệnh cảnh nặng hơn. Mặc dù trong phòng xét nghiệm, độc lực của virus sởi chưa có sự thay đổi nhưng thực tế tại nhiều BV, diễn biến các ca mắc sởi có khác so với các bệnh sởi “truyền thống”. Điển hình, nhiều trẻ mắc sởi bị biến chứng viêm phổi và nhiều trẻ viêm phổi đồng nhiễm sởi. Thậm chí, các ca mắc sởi bệnh cảnh tăng nhanh, nguy cơ tử vong cao, ít thấy các trẻ có biểu hiện tiêu chảy như ở các ca sởi thông thường. Bên cạnh đó, diễn biến bệnh sởi ở mỗi vùng, miền cũng khác nhau. Nếu như phía Nam, các ca mắc sởi bệnh cảnh nhẹ hơn, chưa ghi nhận trường hợp tử vong, thì các ca tử vong chủ yếu tập trung ở miền Bắc. Trong số 25 ca tử vong do Bộ Y tế công bố đều có kết quả do virus sởi gây ra.

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, theo quyết định, việc công bố bệnh truyền nhiễm, trong đó có sởi chỉ được thực hiện khi có đủ hai điều kiện sau: Thứ nhất là có số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên. Thứ hai có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ cụ thể: Quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; bệnh dịch có tỷ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm họa. “Nói như vậy, việc không công bố dịch sởi không có nghĩa là không cung cấp tình hình bệnh sởi đến người dân để áp dụng các biện pháp phòng chống. Thực tế, Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố thường xuyên thông báo tình hình bệnh sởi trên các website và phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời đã triển khai rất nhiều hoạt động nhằm kiểm soát tốt bệnh sởi trong thời gian sớm nhất trên phạm vi toàn quốc” - PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi hiện nay, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc BV Nhi trung ương đưa ra nhận định: Cần phải xem xét lại một số vấn đề của chương trình tiêm chủng mở rộng. Có lẽ mức độ bao phủ của chương trình không cao như chúng ta vẫn nghĩ.

Theo Hà Nội mới

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Việt Nam có hơn 2 triệu trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi
Theo số liệu giám sát dinh dưỡng được Tổng cục Thống kê và Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở nước ta là 16,2% (thể nhẹ cân), 26,7% (thể thấp còi) và 6,7% (thể gầy còm).
31/03/2014
Hội nghị trực tuyến triển khai công tác năm 2014 của Bộ Y tế
HGĐT- Ngày 27.2, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2013, triển khai công tác năm 2014 với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
28/02/2014
Thầm lặng với trách nhiệm xã hội
HGĐT- Nói đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mọi người thường nhắc đến các khoa như Nhi, Sản, Ngoại... Những khoa “đặc thù” như Khoa Truyền nhiễm (KTN) thường được ít người biết đến. Bản thân tôi, dù được tiếp xúc với nhiều nghề lạ, nguy hiểm, nhưng cũng không khỏi việc từng có sự e dè với... Khoa Truyền nhiễm. Chỉ đến khi có dịp... ăn, ngủ tại KTN, tôi mới hiểu và cảm thông hơn
27/02/2014
7 bệnh nhân ngộ độc nấm đã tử vong
Tính đến hôm nay (25/3), 7 trong số 15 bệnh nhân ngộ độc nấm đã tử vong tại Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai Hà Nội.
26/03/2014