Xây dựng xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế ở Xín Mần - Kết quả bước đầu và bài học kinh nghiệm
HGĐT- Là huyện nghèo 30a, chỉ sau chưa đầy 3 năm triển khai thực hiện xây dựng xã đạt chuẩn Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã, ngày 14.2.2014, UBND tỉnh Hà Giang đã có Quyết định số 310/QĐ – UBND công nhận huyện Xín Mần có 6/19 xã, thị trấn được công nhận đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã. Nguồn lực đầu tư eo hẹp, biên chế con người, trình độ cán bộ, nhận thức của đồng bào còn rất nhiều bất cập... Vậy đâu là bài học thực tiễn có được hôm nay và đâu là hạn chế cần được khắc phục?
Trạm Y tế xã Nấm Dẩn vừa hoàn thiện cải tạo.
6 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn lần đầu tại huyện Xín Mần là: Khuôn Lùng, Nấm Dẩn, Cốc Rế, Tả Nhìu, Bản Díu và Bản Ngò. Sự thừa nhận ấy mang lại vinh dự lớn cho toàn thể Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện. Khẳng định, dù là huyện 30a, Xín Mần còn rất nghèo, sự đầu tư từ phía Nhà nước còn rất hạn chế, mặt bằng dân trí chưa thực sự cao, xuất phát điểm nền kinh tế thấp...; thế nhưng, Xín Mần vẫn phấn đấu vượt lên không hề thua kém các huyện có nhiều điều kiện hơn mình để đạt được mục tiêu đề ra trong gần 3 năm triển khai thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã tại 6 xã nêu trên. Quy định đạt chuẩn Bộ tiêu chí Quốc gia có tới 49 chỉ tiêu, được quy định trong 10 bộ tiêu chí phải đạt. Một khối lượng công việc không hề nhỏ, nhất là trong điều kiện khó khăn như Xín Mần. Nhưng huyện đã làm được, đây thực sự là chặng đường phấn đấu hết sức vất vả của Đảng bộ, nhân dân Xín Mần. Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo Vũ Thị Hòa, cho biết: Thường vụ Huyện ủy ủng hộ rất cao. Riêng Bí Thư Huyện ủy Dương Minh Hòa đã bỏ rất nhiều thời gian đi kiểm tra, giám sát và chỉ đạo trực tiếp việc thực hiện tại cơ sở. Có khó khăn hay thuận lợi trong quá trình tiến hành thì cùng nhau chia sẻ, tháo gỡ ngay. Cụ thể, thời gian qua, huyện đã trích hàng tỷ đồng từ ngân sách hỗ trợtu sửa, xây dựng hạ tầng các Trạm y tế xã. Đó là việc làm cần thiết vì nó vượt quá sức dân. Còn lại, gần như toàn bộ công việc: Xây dựng nhà tắm, bể nước, di dời chuồng trại, làm vệ sinh thôn bản, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh... là việc của dân, phối kết hợp với các cơ quan chức năng, y tế dự phòng, các, ban, ngành, đoàn thể cơ sở cùng vào cuộc. Tại cơ sở, các Ban chỉ đạo từ huyện xuống xã, thôn bản tự xây dựng kế hoạch, đôn đốc thực hiện các công việc theo tuần, tháng, quý; mắc đâu cùng bàn với dân để tháo gỡ, làm cho được, cho xong. Lấy đội ngũ đảng viên, cán bộ cơ sở, làm trước, để lôi kéo phong trào. Làm cho mình, làm cho dân và làm cho “dân hiểu”xây dựng chuẩn Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã là “của dân, vì dân và do dân làm, dân hưởng lợi”. Gắn kết thực hiện xây dựng Bộ tiêu chí y tế xã đi liền công việc xây dựng Nông thôn mới để hỗ trợ nhau, tạo phong trào rộng khắp toàn dân. Trong quá trình chỉ đạo hướng dẫn thực hiện, ngành Y tế dự phòng đóng góp rất lớn trong việc cung cấp các dịch vụ y tế xuống dân để nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng. Trong đó, có môi trường sống sạch, ăn ở vệ sinh, phòng dịch hiệu quả, chăm sóc sức khỏe kịp thời... là những nỗ lực mà ngành Y tế tạo lập thành công ở cơ sở thông qua phong trào. Cũng từ phong trào, mọi người dân đã thay đổi tư duy, cách sống lạc hậu, ỷ lại, chuyển sang lối sống mới, tư duy làm ăn mới, nghĩ cái mới, làm cho cuộc sống nông thôn “sáng” dần lên.
Nhìn lại sau gần 3 năm chỉ đạo thực hiện xây dựng Bộ tiêu chí Quốc gia về Y tế xã tại Xín Mần thấy rõ: Sự đầu tư kinh phí xây dựng các hạng mục phù trợ cho hạ tầng y tế cơ sở là rất cần thiết. Do vậy, huyện phải nỗ lực rất lớn, quan tâm đặc biệt mới thành công. Kết quả đạt được lần đầu của Xín Mần sẽ là bài học để chỉ đạo nhân rộng trong thời gian tới.
Ý kiến bạn đọc