Thận trọng để tránh nguy cơ ngộ độc nấm
HGĐT- Cứ mỗi dịp xuân về, ở tỉnh ta thường xuất hiện những vụ ngộ độc nấm độc do người dân hái từ trên rừng và môi trường tự nhiên. Địa bàn thường ghi nhận những vụ ngộ độc nấm là các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình, Hoàng Su Phì, Xín Mần...
Theo con số thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, từ năm 2007 - 2013, toàn tỉnh xảy ra 56 vụ ngộ độc do nấm rừng, thực vật độc lấy từ rừng, trong đó số người bị mắc là 234 người, số người chết lên đến 21 người. Đó là một con số rất đáng để chúng ta phải lưu tâm. Cũng theo thống kê, các vụ ngộ độc nấm, thực vật độc từ rừng thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm. Đây là thời gian thời tiết ấm lên, mưa nhiều, độ ẩm lớn nên các loại nấm mọc nhiều. Ngộ độc do nấm rừng xảy ra do người dân không biết cách nhận biết các loại nấm độc mọc ở quanh vườn nhà, ở rừng nên hái về ăn dẫn đến ngộ độc.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Như Trưởng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, ở tỉnh ta, có rất nhiều loài nấm khác nhau, có những loại có độc tố chưa được xác định hết, một số loại nấm độc có hình thức giống với nấm không độc, khó phân biệt. Vì thế, đã từng xảy ra những vụ việc thương tâm khi người dân ăn nhầm phải loại nấm độc. Trước thực trạng như vậy, cần tăng cường tuyên truyền tại các cơ sở về nguy cơ ngộ độc từ nấm, cách phân biệt một số loại nấm độc, giúp phòng ngừa các vụ ngộ độc có thể xảy ra. Ông Trưởng cũng cho biết, so với các loại nấm lành, các loại nấm độc thường có hình thức như: Màu sắc sặc sỡ, mùi thối, hắc, vị đắng. Một điểm cần chú ý nữa là mặc dù nấm lành, không độc, nhưng do là môi trường dinh dưỡng cao nên khi hái về để lâu, dập nát, vi khuẩn có hại xâm nhập cũng dễ gây ngộ độc. Thực tế cũng có một số loài nấm độc, song độc tố trong nấm không tan trong quá trình tiêu hóa nên không gây ngộ độc. Nhưng cần thận trọng vì độc tố của nấm độc có thể tan trong rượu, khi ăn nấm có kết hợp uống rượu thì dễ có nguy cơ bị ngộ độc. Các ca ngộ độc nấm nặng thì có thể dẫn đến tử vong, nhẹ có thể gây hủy hoại hồng cầu, bạch cầu, hệ thần kinh, hệ tiêu hóa...
Theo khuyến cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, để tránh ngộ độc nấm cần tuân thủ các nguyên tắc: Chỉ ăn nấm khi biết chắc chắn đây là loại nấm ăn được. Khi bị ngộ độc nấm, đầu tiên cần sơ cứu tại chỗ bằng cách gây nôn, nôn cho đến khi ra nước trong. Tiếp đó, cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu tại các cơ sở y tế.
Ý kiến bạn đọc