Nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn
HGĐT- Tỉnh ta là địa bàn sản xuất nông nghiệp chủ đạo, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế. Từ đó, trong quá trình sản xuất, không ít người dân vẫn chưa nhận thức được tác động 2 mặt của thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), sử dụng thiếu an toàn hoặc sử dụng thuốc nhập lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trong khi đó, với 7 huyện biên giới, địa hình phức tạp, đã tạo ra những khó khăn trong việc quản lí thuốc BVTV nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ tuồn vào...
Có thể nói, hiện nay toàn tỉnh có rất nhiều điểm cung ứng thuốc BVTV. Tuy nhiên, trước nhu cầu ngày càng lớn của người dân, nguy cơ thuốc BVTV nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, giá rẻ thâm nhập vào tỉnh ta, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp là rất lớn. Theo báo cáo của Chi cục Quản lí thị trường tỉnh, với việc đẩy mạnh ngăn chặn các hành vi buôn bán, vận chuyển thuốc BVTV nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ thời gian qua, tại các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ..., lực lượng đã thu giữ trên 854kg thuốc BVTV. Tuy nhiên, đó chỉ là con số bề nổi, thực tế số thuốc BVTV nhập lậu, không rõ nguồn gốc và nguy hại được người dân tiêu thụ, sử dụng là không thể thống kê được...
Người dân thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên) chỉ cho Pv một đoạn đường QL2 bị những người công nhân làm đường phun thuốc diệt cỏ, gây nguy hại đến môi trường công cộng.
Cùng với đó, thời gian qua, do nhận thức còn hạn chế, thậm chí là cả việc cố tình, không ít nơi đã diễn ra việc người dân sử dụng thuốc BVTV thiếu an toàn. Đơn cử như việc sử dụng thuốc trừ cỏ tùy tiện tại một số nơi công cộng. Ở một số nơi, người dân còn sử dụng thuốc trừ sâu để đánh bắt cá tự nhiên ở các dòng suối, gây hủy hoại môi sinh... Ông Vương Chí Lực, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho biết: Là địa bàn biên giới, nhận thức của người dân chưa đồng đều, do đó việc quản lí buôn bán, sử dụng các loại thuốc BVTV ngoài danh mục quy định của T.Ư ở tỉnh ta còn gặp khó khăn, đặc biệt là các đối tượng buôn bán, nhập lậu thuốc BVTV nhỏ lẻ tại các địa bàn biên giới. Cùng với đó, tại nhiều khu vực nông thôn, việc sử dụng thuốc BVTV vẫn còn thiếu an toàn, tạo ra nguy cơ chai đất canh tác hoặc gây hại đến cây trồng. Các bao bì, vỏ thuốc BVTV ít được người dân thu gom, xử lý sau sử dụng, thải bừa bãi, gây ảnh hưởng đến môi sinh cũng là mối lo cho khu vực nông thôn...
Thực tế cho thấy, vụ cam 2012 vừa qua, một số gia đình vùng trồng cam phía Nam tỉnh được cho là lạm dụng thuốc kích thích, thuốc BVTV trên cam giúp quả cam phát triển to, mọng, đẹp, ít rụng, để được lâu trên cành.., giúp cho người trồng có thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, nếu sử dụng các loại thuốc kích thích bừa bãi, vì lợi ích trước mắt, sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây cam những vụ sau. Nguy hại hơn, tồn dư của thuốc BVTV sẽ gây tác hại cho người sử dụng. Thực tế trong vụ cam vừa qua, xuất hiện không ít sản phẩm cam sành mẫu mã đẹp nhưng chua, cắt khỏi cành 2 – 3 ngày là bắt đầu héo, nhũn, không bảo quản được lâu, gây mất uy tín của cam Hà Giang.
Để xây dựng nền sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng thuốc BVTV cũng như tránh sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn là rất cần thiết. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp cần có sự nắm bắt kịp thời nhu cầu thuốc BVTV của các địa phương, cung ứng kịp thời, với những chính sách trợ giá hợp lí để người dân có thói quen sử dụng thuốc BVTV an toàn. Cần có cách thức thu gom bao bì của các loại thuốc BVTV ở các địa phương để đảm bảo môi sinh. Thiết nghĩ, đây cũng là một trong những việc làm cần thiết để chúng ta thực hiện tốt mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Ý kiến bạn đọc