Cúm A/H1N1: Có thể phòng ngừa và kiểm soát được

07:21, 14/06/2013

Các ca tử vong liên tiếp do cúm A/H1N1 vừa qua khiến người dân có phần hoang mang và lo lắng. Sau trận dịch năm 2009 tại VN, cúm A/H1N1 dường như đang “nóng” trở lại...


Virút cúm A/H1N1 là loại virút gây bệnh cúm trên heo, còn gọi nôm na là “cúm heo” (Swin flu). Tuy nhiên, virút cúm A/H1N1 cũng gây bệnh trên người. Năm 1918, một trận đại dịch cúm A/H1N1 đã xảy ra ở Tây Ban Nha, gần 1/3 dân số thế giới lúc bấy giờ bị nhiễm cúm (500 triệu người), trong đó có khoảng 50 triệu người chết. Tuy nhiên, tác nhân siêu vi gây bệnh vẫn chưa được xác định, mãi cho đến năm 1930 các nhà khoa học mới phân lập được tác nhân cúm A/H1N1 từ heo và sau đó phân lập được trên người. 

Từ năm 2009, Tổ chức Y tế thế giới đã ghi nhận cúm A/H1N1 đã xuất hiện ở gần như tất cả các nước với khoảng 17.000 người tử vong trên toàn thế giới. Năm 2011, chủng cúm A/ H1N1 được cho là có thể có biến đổi gen khi kết hợp với chủng cúm mùa H3N2, do đó độc lực của virút cúm A/H1N1 cao hơn các loại cúm mùa thông thường, nhưng tỉ lệ tử vong chỉ từ 1 - 4%. Tử vong thường xảy ra trên những đối tượng có nguy cơ như người già trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi hoặc người có cơ địa suy giảm miễn dịch, đái tháo đường…

Virút cúm A/H1N1 được lây từ heo sang người do tiếp xúc với những giọt dịch tiết từ mũi họng của heo, thường gặp trên những người chăn nuôi heo hoặc giết mổ heo, bán thịt heo…Tuy nhiên, virút cúm A/H1N1 cũng có thể lây từ người sang người do hít phải những giọt khí dung, dịch tiết từ mũi họng của người bệnh. Virút cúm A/H1N1 có thể sống lâu trong môi trường nước (4 ngày ở nhiệt độ khoảng 220C và 30 ngày ở nhiệt độ 00C), do đó thời điểm mùa đông là thời tiết thuận lợi cho virút phát triển và lây lan nhanh trong cộng đồng.

Triệu chứng cúm A/H1N1 cũng giống như triệu chứng của cúm thông thường: sốt, nhức đầu, đau họng, ho, đau nhức cơ, ớn lạnh, nôn ói và có thể tiêu chảy. Thời kỳ mắc bệnh kéo dài khoảng 4 - 6 ngày, bệnh nhân có thể có triệu chứng xấu đi như: khó thở, thở nhanh, xanh tím, mất nước, thay đổi tri giác… nếu trường hợp nặng, bệnh nhân suy hô hấp nhanh chóng và tử vong.

Hiện nay đã có thuốc đặc trị cúm A/H1N1, tuy nhiên việc điều trị cúm phải được bắt đầu càng sớm càng tốt, thường phải cho bệnh nhân uống thuốc đặc trị trong vòng 48 giờ đầu tiên khi có triệu chứng, như vậy kết quả điều trị sẽ khả quan hơn.

Để phòng ngừa cúm, trước hết phải hiểu rõ đường lây truyền của virút cúm. Do tại nước ta, bệnh đã trở thành một dạng cúm mùa nên bệnh sẽ lây qua người lành từ người nhiễm cúm, qua bàn tay bẩn có dính chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân… Do đó, phải rửa tay thường xuyên, mang khẩu trang khi tiếp xúc với bệnh nhân bị cúm, vệ sinh mặt bàn ghế và các mặt phẳng trong nhà có người bị cúm bằng dung dịch khử trùng như Javel, Chloramin B…

Bên cạnh đó, chủng ngừa cúm bằng vắc-xin là phương pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Vắc-xin ngừa cúm đã có từ năm 1976, và được điều chế theo sự biến đổi độc tính của virút. Hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới đã sử dụng vắc-xin ngừa cúm để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

                                                     TS.BS. TRẦN PHỦ MẠNH SIÊU 

Nên tiêm ngừa cho đối tượng nguy cơ cao

Trao đổi với Báo Sức Khỏe & Đời Sống, TS.BS. Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc TTYTDP TP.HCM, cho biết: người dân không nên hoang mang sau các ca tử vong vừa qua. Tuy nhiên, vẫn phải tuân thủ và áp dụng các biện pháp phòng bệnh cúm A/H1N1 theo khuyến cáo của ngành Y tế. Tiêm ngừa là một trong những biện pháp hiệu quả.

- PV: Thưa bác sĩ, 3 ca tử vong liên tiếp trong vòng 3 ngày tại TP.HCM (1 - 3/6) vừa qua và xa hơn là 7 ca tử vong trong cả nước từ đầu năm liệu có phải là con số bất thường?

TS.BS. Trần Phủ Mạnh Siêu: Thực ra, các ca tử vong trên chỉ là các ca lẻ (không phải chùm ca bệnh- PV) và đều rơi vào các đối tượng có nguy cơ cao (người già, một người bị xơ gan do rượu, 1 phụ nữ có thai) nên khi mắc bệnh không được đưa đến điều trị kịp thời mới dẫn đến tình trạng viêm phổi, suy hô hấp và tử vong. Ngành Ytế nước ta đã có những thống kê, tính toán cụ thể về số ca mắc và tử vong thì tỉ lệ chết/mắc nước ta vẫn ở mức bình thường so với tỉ lệ trên thế giới. Đặc tính virút cúm A/H1N1 cũng được xác định chưa biến chủng nên có thể nói chưa có gì bất thường ở thời điểm hiện nay.

- PV: Nhiều người hiện nay bị sốt, cảm cúm nhưng không đến BV mà thường tự mua thuốc uống, điều này có đúng không và khi nào bệnh nhân cần nhập viện điều trị?

TS.BS. Trần Phủ Mạnh Siêu: Không riêng gì sốt, cảm cúm, người dân ở ta vẫn có thói quen tự mua thuốc điều trị nhiều bệnh. Tất nhiên là thuốc trị cảm cúm, sốt là thuốc không kê đơn nhưng cũng không nên lạm dụng và dùng tùy tiện. Hiện nay, không phải ai sốt, đau họng cũng đều phải đến BV, như vậy sẽ gây ra tình trạng quá tải không cần thiết. Chỉ những đối tượng nguy cơ cao như phụ nữ có thai, trẻ em, người già, người có bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch... khi có biểu hiện bệnh mới cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm và giám sát cúm. Thanh niên, người khỏe mạnh chỉ cần theo dõi sát tại nhà.

- PV: Người dân có thể khám và xét nghiệm cúm A/H1N1 tại đâu thưa BS?

TS.BS. Trần Phủ Mạnh Siêu: Các trạm y tế, trung tâm y tế, BV quận huyện đều có năng lực khám bệnh và chẩn đoán cúm. Khi nghi ngờ mắc cúm A/H1N1 hay H5N1 các đơn vị này sẽ chuyển lên tuyến trên, lấy mẫu xét nghiệm hay điều trị. Việc xét nghiệm sàng lọc được thực hiện tại viện Pasteur, các BV chuyên điều trị như: Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Bệnh Nhiệt Đới, Chợ Rẫy, Nhân Dân Gia Định...

- PV: Còn việc dự phòng, người dân cần làm gì để tự bảo vệ trước cúm A/H1N1?

TS.BS. Trần Phủ Mạnh Siêu: Người dân cần tránh tiếp xúc với những nguồn có thể gây bệnh, giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa tay cẩn thận, thường xuyên bằng nước và xà phòng.Thực hành những thói quen sinh hoạt tốt: ngủ đầy đủ, ăn đủ chất dinh dưỡng, giữ cho cơ thể luôn năng động. Khi ho sốt, nên đeo khẩu trang.Khi có biểu hiện như: sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, ho, đau rát họng cần đi khám để được chẩn đoán kịp thời. Một biện pháp hiệu quả hiện nay là tiêm vắc-xin ngừa bệnh tại các TTYTDP quận huyện, thành phố và Viện Pasteur TP.HCM. Các đối tựợng nên tiêm ngừa ngoài người khỏe mạnh thì các đối tượng có nguy cơ cao nói trên là những người nên đặc biệt lưu ý và cần được tiêm ngừa.

- PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

                                                           TUÂN NGUYỄN (thực hiện)


suckhoedoisong.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phát hiện ca nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên
HGĐT- Ngày 27.5, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của Sở Y tế có Công văn số 42/SYT-BCĐ chính thức công bố ca nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên xuất hiện tại Hà Giang trong năm 2013.
30/05/2013
Bệnh viện Y dược cổ truyền: Những thành công trong phẫu thuật trĩ bằng khâu treo triệt mạch
HGĐT- Năm 2012, tiếp tục đánh dấu những thành công mới của Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh bằng triển khai phẫu thuật khâu treo triệt mạch trĩ. Từ tháng 4. 2012 đến nay, đơn vị điều trị thành công cho hơn 100 người bệnh.
29/05/2013
Lần đầu tiên ghép tế bào gốc tạo máu thành công tại VN
Ngày 27/5, Bệnh viện Truyền máu và huyết học TP.HCM đã tổ chức họp báo công bố ca ghép tế bào gốc tạo máu phù hợp một nửa gen với bệnh nhân đầu tiên thành công tại Việt Nam.
28/05/2013
Yên Minh đẩy mạnh phòng, chống dịch cúm A/H7N9 và H5N1
HGĐT- Căn cứ vào đặc điểm tự nhiên và diễn biến bệnh dịch cúm A/H7N9 và H5N1 trên thế giới cũng như trong nước, huyện Yên Minh đã chủ động xây dựng, triển khai các giải pháp phòng, chống với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị. Nhờ đó, các giải pháp được thực hiện có hiệu quả, tình trạng buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu, trái phép giảm tối đa; giữ vững mục
23/05/2013