Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cúm A/H7N9

09:44, 11/04/2013

Chiều 10/4, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A/H7N9 ở người.


Bộ Y tế cũng cho biết hiện chưa có vaccine đặc hiệu với vi rút cúm A/H7N9 dùng cho người. Để phòng lây nhiễm vi rút cúm A/H7N9, người dân cũng như các cơ sở khám chữa bệnh y tế và tư nhân cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt.

Chẩn đoán ca bệnh cúm A/H7N9

Vi rút cúm A/H7N9 là một chủng mới, có nguồn gốc gen từ vi rút cúm gia cầm và một số loài chim, có khả năng lây nhiễm cho người dẫn đến viêm phổi nặng tiến triển nhanh, tỷ lệ tử vong cao. Theo Bộ Y tế, đường lây truyền của vi rút cúm A/H7N9 hiện tại chưa được hiểu rõ và chưa có bằng chứng về sự lây truyền từ người sang người.

Ca bệnh nghi ngờ bị cúm A/H7N9 là những ca bệnh có dịch tễ tiếp xúc với cúm A/H7N9 trong vòng 2 tuần, tiếp xúc gần với gia cầm và một số loài chim bị bệnh, tiếp xúc gần với người bệnh nghi ngờ có thể hoặc đã xác định mắc cúm A/H7N9; Người bệnh có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp bao gồm: ho, sốt, khó thở, có tổn thương nhu mô phổi (viêm phổi hoặc hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS) tiến triển nhanh dựa trên lâm sàng hoặc hình ảnh X-Quang); Không tìm được bằng chứng nhiễm trùng do các căn nguyên khác gây viêm phổi.

Ca bệnh xác định là ca bệnh nghi ngờ có biểu hiện lâm sàng như đã nêu ở trên và được khẳng định bằng xét nghiệm PCR/giải trình tự gien, phân lập vi rút cúm A/H7N9. Bệnh phẩm sử dụng để chẩn đoán là dịch đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản, dịch phế nang, mô bệnh được bảo quản trong môi trường vận chuyển vi rút.

Bệnh cảnh lâm sàng do vi rút cúm A/H7N9 gây ra chủ yếu là hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển với tỷ lệ tử vong cao, do đó, Bộ Y tế khuyến cáo, trong chẩn đoán cúm A/H7N9, cần phân biệt với các trường hợp cúm nặng khác (cúm A/H1N1 hoặc A/H5N1…); viêm phổi do các vi rút khác; bệnh tay chân miệng có biến chứng suy hô hấp; viêm phổi nặng do vi khuẩn.

Đối với các trường hợp đầu tiên nghi nhiễm vi rút cúm A/H7N9, Bộ Y tế lưu ý các đơn vị cần lưu mẫu và chuyển mẫu đến các cơ sở xét nghiệm được Bộ Y tế cho phép khẳng định

Điều trị bệnh nhân bị cúm A/H7N9 như thế nào?

Đối với các ca bệnh nghi ngờ nhiễm cúm A/H7N9 đều phải được khám tại bệnh viện, cách ly và được làm xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán xác định bệnh. Đối với các ca bệnh xác định là bị nhiễm cúm A/H7N9 thì cần nhập viện điều trị và cách ly hoàn toàn.

Nguyên tắc điều trị là sử dụng thuốc kháng vi rút Oseltamivir hoặc Zanamivir càng sớm càng tốt. Hồi sức hô hấp là cơ bản. Nếu có suy đa tạng thì tiến hành điều trị đảm bảo khối lượng tuần hoàn, cân bằng dịch, duy trì huyết áp và lọc máu khi có chỉ định.

Người bệnh chỉ được xuất viện khi đã hết sốt từ 3-5 ngày, toàn trạng tốt. Mạch, huyết áp, nhịp thở, các xét nghiệm máu trở về bình thường, X-quang phổi cải thiện.

Sau khi xuất viện, người bệnh phải tự theo dõi nhiệt độ 12 giờ/lần, nếu nhiệt độ cao hơn 38 độ C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có dấu hiệu bất thường khác, phải đến khám lại ngay tại nơi đã điều trị.

Phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt

Để phòng lây nhiễm vi rút cúm A/H7N9, Bộ Y tế yêu cầu người dân cũng như các cơ sở khám chữa bệnh y tế và tư nhân cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt. Khi phát hiện người bệnh nghi ngờ bị mắc cúm A/H7N9 phải khám và cách ly kịp thời.

Tại các cơ sở y tế, Bộ Y tế yêu cầu phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa dựa trên đường lây truyền

Thực hiện khai báo, thông tin báo các ca bệnh theo hướng dẫn chế độ báo cáo các ca bệnh truyền nhiễm.

Các biện pháp phòng bệnh chung là vệ sinh cá nhân, rửa tay, nhỏ mũi, súc miệng-họng bằng các thuốc sát khuẩn.


Theo Chính phủ

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đưa dịch vụ Chăm sóc sức khỏe sinh sản – Kế hoạch hóa - gia đình đến vùng khó khăn, có mức sinh cao
HGĐT- Chiến dịch Tăng cường truyền thông, vận động lồng ghép đưa dịch vụ Chăm sóc sức khoẻ sinh sản – Kế hoạch hoá gia đình (CSSKSS-KHHGĐ) đến vùng khó khăn, có mức sinh cao là hoạt động mở đầu kế hoạch hàng năm của Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh.
29/03/2013
Chất lượng dân số dần được cải thiện
HGĐT- Năm qua, công tác DS - KHHGĐ của tỉnh “gặt hái” được một số thành tựu đáng ghi nhận, như đạt 100% kế hoạch thực hiện Dự án bảo đảm hậu cần và cung cấp dịch vụ KHHGĐ; Dự án tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh được duy trì ở các huyện có mức sinh cao, đối tượng khó tiếp cận...
28/02/2013
Hi vọng mới cho bệnh nhân hẹp van tim
Hẹp van tim là căn bệnh hiểm nghèo, có nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị sớm. Tại trường ĐH Stanford, Mỹ, các nhà khoa học đã tìm ra phương pháp mới đem lại nhiều hi vọng cho bệnh nhân.
27/03/2013
Sức trẻ ở Bệnh viện Đa khoa Quang Bình
HGĐT- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quang Bình - Bác sĩ Chuyên khoa II, Hoàng Văn Tháy - nắm chặt tay tôi: Mới đó đã 10 năm trôi qua, kể từ ngày đầu anh em mình gặp nhau. Bệnh viện được chia tách từ Bắc Quang để thành lập Trung tâm Y tế huyện Quang Bình cuối tháng 12.2003. Nâng ly rượu hồng chúc cho sự thành công của bệnh viện sau 10 năm thành lập, phấn đấu, trưởng thành.
26/02/2013