Cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành đối với phòng, chống dịch cúm A (H7N9)
HGĐT- Trước sự diễn biến phức tạp của dịch Cúm A (H7N9) trong thời gian gần đây gây tử vong cho nhiều người tại Trung Quốc, điều đó đã làm hoang mang lo sợ cho mọi người dân trong cả nước nói chung và tỉnh Hà Giang nói riêng - là địa phương giáp với Trung Quốc, phóng viên Báo Hà Giang có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Đức Qúy, Giám đốc Sở Y tế tỉnh về công tác phòng, chống dịch Cúm A (H7N9) trên địa bàn tỉnh.
PV: Vi rút Cúm A (H7N9) là một loại vi rút mới nguy hiểm. Vậy xin đồng chí cho biết về sự nguy hiểm cũng như tác hại của loại vi rút trên?
Đồng chí Trần Đức Qúy: Vi rút Cúm A (H7N9) là chủng mới, có nguồn gốc gen từ cúm gia cầm, các loài chim. Từ trước tới giờ chưa ghi nhận ca bệnh nào, từ 1/4/2013 WHO chính thức công bố những ca bệnh đầu tiên ở Trung Quốc, số ca mắc càng ngày càng nhiều, đến nay, thông báo của WHO ghi nhận có 77 trường hợp mắc và 16 người đã tử vong, trong đó tập trung nhiều nhất tại thành phố Thượng Hải, Triết Giang, Giang Tô, An Huy. Tỷ lệ tử vong khoảng 26%, số mắc chủ yếu là nam giới (chiếm 71%). Nhóm tuổi mắc cao nhất là 60-70, có thể do tuổi cao, sức khoẻ yếu hơn, nên nguy cơ nhiễm cao hơn. Tuy nhiên, tất cả các độ tuổi đều có thể mắc. Thời gian từ ngày khởi phát đến khi xác định trung bình là gần 11 ngày. Bệnh cảnh lâm sàng của các vi rút này là cúm nên tương tự như nhau, nhưng căn bản nhất là diễn biến tổn thương phổi rất là nhanh. Theo các chuyên gia y tế thì dịch Cúm A (H7N9) hiện chưa rõ nguồn lây bệnh cũng như phương thức lây truyền, chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người. Vi rút Cúm A (H7N9) ở người có nguồn gốc gen từ virus cúm gia cầm. Hiện chưa có vắcxin phòng bệnh.
Đồng chí Trần Đức Quý, Giám đốc Sở Y tế trả lời phỏng vấn Báo Hà Giang.
PV: Trước sự nguy hiểm như vậy thì làm thế nào để mỗi người phòng ngừa Cúm A H7N9?
Đồng chí Trần Đức Quý: Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để tránh nguy cơ xâm nhập và lây lan của vi rút Cúm A (H7N9), người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, thực hiện các nguyên tắc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hạn chế tiếp xúc gần với người có biểu hiện mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp, làm thông thoáng nơi ở và nơi làm việc, thường xuyên lau chùi bề mặt, dụng cụ đồ vật quanh người bệnh bằng các chất tẩy rửa thông thường. Đồng thời nâng cao sức khỏe bằng việc ăn uống, nghỉ ngơi và tập luyện thể thao hợp lý. Ngoài ra, người dân nên sử dụng thực phẩm gia cầm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các sản phẩm gia cầm cần được nấu chín kỹ; chỉ mua gia cầm và sản phẩm gia cầm rõ nguồn gốc và đã được kiểm dịch không bị bệnh; không ăn các loại gia cầm ốm, chết. Đối với các hộ chăn nuôi gia cầm, cần thực hiện các biện pháp an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi, mua con giống, thức ăn chăn nuôi từ những cơ sở có nguồn gốc rõ ràng, thường xuyên thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi; tiêm phòng đầy đủ vac xin cúm gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn...
PV:Vi rút Cúm A (H7N9) đang rình rập xâm nhập, lây lan vào nước ta, trong khi đó trong nước dịch Cúm A (H5N1) diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Vậy ngành Y tế tỉnh đã có biện pháp gì trong việc phòng, chống dịch Cúm A (H7N9)?
Đồng chí Trần Đức Qúy: Trước tình hình trên, để phòng, chống Cúm A (H7N9) có hiệu quả, ngành Y tế phối hợp với ngành Nông nghiệp giám sát, xử lý triệt để các ổ dịch trên các đàn gia cầm, thủy cầm không để lây lan sang người; tăng cường công tác an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường năng lực, trang bị phương tiện chẩn đoán, điều trị, cấp cứu bệnh nhân để đạt mục tiêu giảm tử vong; tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về phác đồ điều trị và phòng lây nhiễm Cúm A (H7N9) ở người; tổ chức chiến dịch tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân; phối hợp với các ngành liên quan tăng cường giám sát, kiểm tra sản phẩm gia cầm qua biên giới; quản lý mua bán gia cầm... Sở Y tế tăng cường giám sát nhằm phát hiện các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng; chuẩn bị vật tư, phương tiện kỹ thuật, tổ chức thực hiện chống dịch. Các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt việc cách ly, xây dựng phác đồ điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế để hạn chế tử vong khi có bệnh nhân. Phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan tỉnh và UBND các huyện có cửa khẩu giám sát chặt chẽ tất cả hành khách, phương tiện, hàng hóa nhập cảnh, nhập khẩu. Khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ tổ chức khám sàng lọc cách ly và kịp thời triển khai các biện pháp nhằm hạn chế lây lan. Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt việc thu dung, cách ly điều trị hạn chế tử vong khi có bệnh nhân. Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch, đặc biệt tại các vùng có nguy cơ như khu vực cửa khẩu, các khu vực đầu mối buôn bán, giết mổ gia cầm, khu vực có gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân...
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Ý kiến bạn đọc