Đưa dịch vụ Chăm sóc sức khỏe sinh sản – Kế hoạch hóa - gia đình đến vùng khó khăn, có mức sinh cao
HGĐT- Chiến dịch Tăng cường truyền thông, vận động lồng ghép đưa dịch vụ Chăm sóc sức khoẻ sinh sản – Kế hoạch hoá gia đình (CSSKSS-KHHGĐ) đến vùng khó khăn, có mức sinh cao là hoạt động mở đầu kế hoạch hàng năm của Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh.
Năm nay, chiến dịch được triển khai thực hiện tại 127 xã khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh. Với mục tiêu là đảm bảo thực hiện chỉ tiêu chiến dịch về các biện pháp KHHGĐ như: đạt 67% kế hoạch triệt sản; 75% đặt dụng cụ tử cung; 60% người sử dụng thuốc tiêm, thuốc cấy; cung cấp thông tin về SKSS-KHHGĐ cho 90% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản, vị thành niên, thanh niên trên địa bàn các xã triển khai chiến dịch. Theo đó, chiến dịch được tổ chức làm 2 đợt, đợt I tổ chức ở 84 xã, ưu tiên thực hiện tại các xã đặc biệt khó khăn, kết thúc trước ngày 30/4; đợt II tổ chức 43 xã còn lại và các xã chưa hoàn thành chỉ tiêu trong đợt I, kết thúc trước ngày 30/10. Thời gian tổ chức chiến dịch ở mỗi xã từ 7 – 8 ngày gồm các hoạt động chính là: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tư vấn; lập danh sách đối tượng đăng ký thực hiện các dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ và cung cấp dịch vụ.
Mèo Vạc là huyện được chọn để phát động chiến dịch năm nay, năm ngoái huyện này có mức sinh con thứ 3 trở lên cao trong tỉnh. Với việc tổ chức lễ phát động tại đây, ngành dân số hy vọng đó sẽ là hoạt động thúc đẩy sự quan tâm vào cuộc của các cấp, ngành và người dân trên địa bàn với công tác DS/KHHGĐ. Hỗ trợ và giám sát các huyện thực hiện cung cấp các gói dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ tại địa bàn chiến dịch còn có đội dịch vụ lưu động; đội dịch vụ này được trang bị đầy đủ phương tiện để đi đến các thôn, bản xa xôi, hẻo lánh ngoài các địa điểm tổ chức chiến dịch. Để cung cấp các dịch vụ CSSKSS-HHGĐ an toàn, chất lượng đến được với hầu hết chị em ở vùng khó khăn. Bên cạnh đó, Chi cục Dân số còn huy động các cộng tác viên dân số ở xã tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng; chú trọng tập trung vận động tại các gia đình có nguy cơ cao về sinh con thứ 3 trở lên.
Bác sĩ Nguyễn Công Khanh, Phó giám đốc Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, cho biết: “Chiến dịch được tổ chức nhằm tạo ra sự bình đẳng cho người dân có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ có chất lượng cao, sử dụng các trang, thiết bị y tế hiện đại như máy siêu âm, điều trị các bệnh phụ khoa. Hiệu quả tổ chức chiến dịch luôn đạt các chỉ tiêu kế hoạch hàng năm. Tại các vùng khó khăn, nếu không có chiến dịch thì người dân khó tiếp cận với các dịch vụ này; mỗi lần tổ chức chiến dịch thì chị em luôn mong chờ và hưởng ứng tốt. Nhận thức của người dân cũng được nâng lên rõ rệt, ý thức về gia đình nhỏ đang dần được chấp nhận”. Thực hiện chiến lược dân số, KHHGĐ là một trong những công tác quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hy vọng với quyết tâm thực hiện tốt các chỉ tiêu về DS-KHHGĐ, mức sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn tỉnh sẽ giảm.
Ý kiến bạn đọc