Mùa đông - xuân cần phòng bệnh viêm não mô cầu
HGĐT- Nhiễm não mô cầu (còn được gọi là màng não cầu) là bệnh trên người, do khuẩn não mô cầu gây ra với nhiều bệnh cảnh khác nhau tại nhiều cơ quan như đường hô hấp, máu, hệ thần kinh, khớp, màng tim, mắt, đường niệu và sinh dục.
Đây là căn bệnh tuy ít gặp nhưng lây lan nhanh, có khả năng phát triển thành dịch vì dễ lây lan qua đường hô hấp, đặc biệt ở những nơi tập trung đông người. Tuổi dễ mắc bệnh nhất là trẻ em hoặc thanh thiếu niên 14-20 tuổi. Thời tiết lạnh và ẩm của giai đoạn chuyển mùa, nhất là mùa Đông Xuân là điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm màng não mô cầu phát triển.
Vi trùng não mô cầu khi thâm nhập cơ thể có thể đi đến nhiều cơ quan trong cơ thể và gây bệnh ở đó. Não mô cầu có nhiều thể bệnh như viêm họng do não mô cầu, nhiễm trùng huyết do não mô cầu, viêm màng não do não mô cầu... Ở mỗi thể khác nhau, triệu chứng của người bệnh cũng biểu hiện khác nhau... Thể thường gặp nhất của bệnh là thể nhiễm trùng huyết và viêm màng não mủ. Triệu chứng của bệnh gồm sốt cao, nhức đầu, nôn mửa, sau đó da nổi những vết thâm tím. Người bệnh nhiễm trùng huyết thể cấp thường khởi bệnh đột ngột, sốt cao 39-40 độ, ớn lạnh, rét run nhiều lần, nhức đầu, nôn, đau khớp, thở nhanh, đồng thời phát ban đỏ ở cẳng chân, hai bên hông, mông hay xuất huyết dưới da với mảng xuất huyết to bằng đầu đũa hoặc đầu ngón tay (gọi là tử ban). Khi vi khuẩn não mô cầu theo máu lên màng não gây viêm màng não (gọi là viêm não mô cầu). Dấu hiệu viêm màng não nổi bật với độ nặng gia tăng dần như sốt, nôn vọt, nhức đầu, cứng gáy, mê sảng, yếu, liệt, co giật. Bệnh phát rất nhanh, chỉ trong vòng một ngày. Dấu hiệu phân biệt bệnh não mô cầu với những bệnh khác chính là tử ban, tử ban này lan nhanh về số lượng cũng như kích thước. Khi tử ban lan nhanh, người bệnh cần thận trọng vì có thể sẽ rơi vào thể tối cấp. Người mắc thể này diễn tiến bệnh rất nhanh, chỉ trong vòng vài giờ dẫn đến tình trạng suy hô hấp, sốc phổi và tử vong.
Hướng dẫn điều trị mà Bộ Y tế ban hành mới đây nêu rõ: nếu một bệnh nhân có tiếp xúc với bệnh nhân hoặc sống trong tập thể có người đã được xác định viêm não mô cầu, lại có các biểu hiện lâm sàng như sốt cao đột ngột, có thể có rét run, ho, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu, rồi thêm các triệu chứng như đau đầu dữ đội, buồn nôn, rối loạn ý thức, li bì, vật vã, kích thích... thì cần nghĩ đến nguy cơ viêm não mô cầu.
Về phòng bệnh, Bộ Y tế cũng hướng dẫn người dân phòng bệnh trong cộng đồng bằng cách thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường như nước muối, nước súc miệng T-B... Thực hiện tốt vệ sinh, thông thoái nơi ở, nơi làm việc. Khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ cần đến viện sớm. Với những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cần dùng thuốc dự phòng theo hướng dẫn của bác sỹ. Tuy nhiên, với căn bệnh này, để phòng đặc hiệu nhất là tiêm phòng vắc-xin. Người dân nên đi tiêm vắc-xin phòng bệnh não mô cầu nhóm A,B và C. Vắc xin này có thể tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, tiêm 1 liều duy nhất, nhắc lại 3 năm một lần.
Ý kiến bạn đọc