Kết quả sau 25 năm thực hiện công tác tiêm chủng mở rộng
HGĐT- Là một tỉnh miền núi, biên giới vùng cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có 11 huyện, thành phố với 195 xã, phường, thị trấn, trong đó 34 xã biên giới, với 2.067 thôn bản và 22 dân tộc anh em cùng chung sống. Với điều kiện địa lý phức tạp, giao thông đi lại rất khó khăn, đặc biệt trong mùa mưa vì thế ảnh hưởng không nhỏ đến công tác y tế nói chung, tiêm chủng mở rộng (TCMR) nói riêng.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quang Bình thăm khám bệnh nhân nhi trước khi tiêm chủng.
Nhưng trong những năm qua được sự quan tâm của tỉnh, sự cố gắng khắc phục khó khăn của cán bộ ngành Y tế, sự nghiệp y tế nói chung, công tác TCMR nói riêng đã đạt được những thành quả đáng phấn khởi.
Trước năm 1985, Hà Giang (khi đó là tỉnh Hà Tuyên) vẫn luôn được xác định là địa bàn rất khó khăn trong triển khai hoạt động y tế, trong đó có công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm gây dịch. Trong những năm đầu của thập kỷ 80 tại Việt
Cùng với các bệnh truyền nhiễm thuộc tiêm chủng mở rộng, một số bệnh truyền nhiễm khác cũng gây nên những vụ dịch lớn, điển hình là dịch viêm màng não do não mô cầu tại huyện Đồng Văn và Mèo Vạc năm 1992 – 1993 với tổng số 1.820 người mắc, trong đó 161 người chết (trong đó có 1 cán bộ y tế). Mùa Đông – xuân năm 2005, dịch tái bùng phát tại 7 xã thuộc 2 huyện Đồng Văn và Yên Minh với 56 ca mắc, 9 ca tử vong. Bệnh quai bị hàng năm cũng có số mắc rất cao trong những năm 2001 – 2005 (161,7/100.000 dân), nhất là đã gây dịch tại huyện Yên Minh gồm các xã Bạch Đích, Na Khê, Sủng Cháng,... với 2.199 ca mắc. Ngoài ra, bệnh dại cũng luôn là nguy cơ gây tử vong hàng đầu với trung bình 5 ca/năm tại Hà Giang (1996 – 2000) với các ổ dịch trên động vật tại Bắc Quang, Vị Xuyên. Gần đây, từ năm 2005 và nhất là trong năm 2011, rubella đã gây bệnh cho 409 trường hợp tại 7/11 huyện, thành phố (không có trường hợp nào mắc sởi).
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, trong đó có việc triển khai các chương trình mục tiêu y tế Quốc gia, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, nhất là ngành Y tế thành lập và thường xuyên kiện toàn Ban chăm sóc sức khỏe nhân dân các tuyến, tổ chức chỉ đạo các hoạt động y tế tại cơ sở, trong đó có tổ chức triển khai hoạt động dự án chương trình mục tiêu y tế Quốc gia Tiêm chủng mở rộng. Thành lập Ban chỉ đạo các chiến dịch tiêm chủng từ tuyến tỉnh đến tuyến xã như: Chiến dịch “Những ngày tiêm chủng toàn quốc” các năm từ 1993 - 2000; “Chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi” các năm 2007 và 2010; “Chiến dịch uống vắc xin phòng bệnh bại liệt bổ sung năm 2011”... đồng thời triển khai dự án kết hợp Quân dân y bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và phục vụ an ninh quốc phòng giai đoạn 2001 – 2005. Thực hiện xây dựng xã chuẩn Quốc gia về y tế; thực hiện Nghị quyết XIII, XIV và XV của Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội IV, V, VI và VII của Đảng bộ Sở Y tế về các hoạt động liên quan đến Chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Cùng với quá trình kiện toàn bộ máy tổ chức của ngành Y tế, trong những năm qua, hệ thống tổ chức triển khai TCMR được thiết lập và ngày càng được tăng cường bằng mạng lưới cán bộ chuyên trách các tuyến. Tại tuyến tỉnh có 2 cán bộ chuyên trách và 1 cán bộ phụ trách hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin thuộc Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Tại tuyến huyện, mỗi đội Vệ sinh phòng dịch (nay là Trung tâm Y tế các huyện) có 1 cán bộ chuyên trách TCMR. Tại tuyến xã, từ năm 1999 đến nay, 100% Trạm Y tế xã đều có 1 cán bộ chuyên trách tiêm chủng. Tuy phân công cán bộ chuyên trách tại các tuyến, song trong triển khai tiêm chủng thường xuyên tại cơ sở đã huy động hầu hết các cán bộ Trạm Y tế xã và Khoa Kiểm soát dịch bệnh tuyến huyện tham gia. Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ rất lớn từ các Trưởng thôn bản và nhân viên y tế thôn bản tại các địa phương. Đặc biệt trong các chiến dịch tiêm chủng đã huy động được mọi lực lượng xã hội như chính quyền và các ban ngành đoàn thể, giáo viên các trường Mẫu giáo, Mầm non, Tiểu học, Quân y các đồn biên phòng... tại địa phương tham gia tiêm chủng. Riêng chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi năm 2007, toàn tỉnh đã huy động 10.613 lượt người (tương đương với 31.839 ngày công), trong đó cán bộ ngành Y tế tuyến huyện, thị là 1.729 lượt, y tế thôn bản 1.861 lượt, quân y các đồn biên phòng, các đơn vị quân đội đóng quân tại địa phương 151 lượt và đặc biệt có 2.310 lượt giáo viên hỗ trợ chiến dịch, 4.549 lượt cán bộ chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tuyến huyện, xã và thôn bản tham gia. Chiến dịch tiêm vắc xin sởi năm 2010 huy động 7.629 lượt người (trong đó cán bộ y tếtrong ngành và ngành Giáo dục, Biên phòng là 3.820 lượt, người tình nguyện 3.809 lượt). Chiến dịch uống vắc xin phòng bệnh bại liệt bổ sung năm 2011, mặc dù chỉ triển khai tại 7 huyện nguy cơ cao cũng đã huy động tới 7.187 lượt người tham gia.
Như vậy trong 25 năm qua, hệ thống tổ chức chỉ đạo và triển khai hoạt động tiêm chủng ở cơ sở đã không ngừng được củng cố, kiện toàn và đã huy động được một lực lượng lớn nguồn nhân lực tại địa phương tham gia, nhất là sự vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp. Điều đó đã thể hiện sự xã hội hóa ngày càng cao trong tổ chức triển khai công tác TCMR. Đặc biệt, công tác TCMR đã đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra, đó là tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở trẻ dưới 1 tuổi được duy trì ở mức cao. Thực hiện thành công việc thanh toán và bảo vệ vững chắc thành quả của thanh toán bệnh bại liệt, thực hiện loại trừ bệnh UVSS theo đơn vị huyện và bảo vệ thành quả của loại trừ UVSS, khống chế được bệnh sởi, giảm mắc các bệnh truyền nhiễm như bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản rõ rệt, tiến hành triển khai tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh với kết quả khả quan. Chất lượng và hiệu quả công tác tiêm chủng được nâng lên rõ rệt... Mặt khác, công tác truyền thông về TCMR được thực hiện thường xuyên, liên tục, đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch đề ra hàng năm bằng hoạt động truyền thông qua hệ thống thông tin đại chúng tại địa phương. Trong các chiến dịch tiêm chủng như Chiến dịch “Những ngày tiêm chủng toàn quốc”, chiến dịch “Tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi”, chiến dịch uống vắc xin phòng bệnh bại liệt bổ sung năm 2011... đã huy động toàn bộ hệ thống thông tin đại chúng từ tuyến tỉnh đến tuyến xã tập trung truyền thông cho hoạt động tiêm chủng trong suốt thời gian trước và trong những ngày chiến dịch tại các địa phương. Ngoài truyền thông trên, hệ thống thông tin đại chúng, việc sử dụng các sản phẩm truyền thông khác như băng zôn, tờ rơi, áp phích cũng được sử dụng thường xuyên và nhất là trong các chiến dịch tiêm chủng...
Với những thành tích đạt được trong suốt 25 năm qua, nhiều tập thể, cá nhân đã được các cấp, các ngành tặng Bằng khen, Giấy khen vì đã có thành tích suất sắc trong công tác TCMR. Trong hội nghị tổng kết 20 năm TCMR năm 2005 đã có 3 tập thể, 3 cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ Y tế. Chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi 2007, UBND tỉnh đã tặng 71 Bằng khen cho 33 tập thể và 38 cá nhân, 12 Giấy khen của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; UBND các huyện, thành phố tặng 1.045 Giấy khen cho 423 tập thể và 622 cá nhân. Chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi năm 2010, UBND tỉnh tặng 42 Bằng khen cho 14 tập thể và 28 cá nhân, UBND huyện tặng 276 Giấy khen cho 89 tập thể và 187 cá nhân. Tại Hội nghị tổng kết 25 năm TCMR, Thủ tướng Chính phủ đã tặng 2 Bằng khen cho 1 tập thể và 1 cá nhân ; Bộ Y tế tặng 19 Bằng khen cho 12 tập thể và 7 cá nhân vì đã có thành tích trong công tác TCMR...
Ý kiến bạn đọc