Cạnh tranh trên thị trường sữa có mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng?
Nghiên cứu của Tổ chức Thống nhất và Tín thác Bảo vệ người tiêu dùng (CUTS), công bố vào tháng 10/2012 tại Hà Nội về tình hình cạnh tranh trên thị trường sữa công thức dành cho trẻ em từ 0 -12 tháng tuổi tại Việt Nam qua các năm 2009-2011 cho thấy, thị trường sữa ở Việt Nam có tính cạnh tranh khá cao và đa dạng về chủng loại. Thế nhưng vấn đề đặt ra là người tiêu dùng có được hưởng lợi từ sự cạnh tranh và đa dạng đó?
Thị trường sữa Việt Nam đa dạng và cạnh tranh
Thị trường sữa dành cho trẻ em ở Việt Nam rất phong phú, đa dạng.
|
Trái với sự quan ngại của dư luận rằng các sản phẩm nhập khẩu của nước ngoài chi phối thị trường sữa công thức cho trẻ em, nghiên cứu của CUTS chỉ ra rằng sản phẩm sữa công thức trong nước đang dần chiếm lĩnh thị phần trong những năm gần đây, từ 49,3% trong năm 2009 lên 56,3% trong năm 2011 (xét theo sản lượng). Báo cáo này cũng cho thấy giá sữa công thức cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi được quyết định bởi nhiều yếu tố, đặc biệt là hàm lượng đầu tư vào nghiên cứu phát triển công nghệ. Giá sản phẩm sữa công thức cho trẻ nhỏ ở Việt Nam hiện ở tầm trung so với giá các nhãn hàng cùng loại trong khu vực.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: Điều quan trọng nhất là Nhà nước phải tập trung vào việc quản lý chất lượng sữa trên thị trường. Ngoài ra, bên cạnh việc đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, hướng dẫn cho người tiêu dùng về giá cả, cách chọn lựa sữa… cũng cần phải từng bước nâng vị thế của người tiêu dùng lên. Điều này có thể thực hiện bằng cách thường xuyên tập hợp số lượng khiếu nại, nội dung khiếu nại của người tiêu dùng về sữa bột trên thị trường, hàng tháng thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Việc làm này sẽ tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp kinh doanh sữa, tăng thêm tính cạnh tranh và cũng là tăng quyền lợi thiết thực cho người tiêu dùng. |
Các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh không chỉ về giá mà còn về cả chất lượng sữa
Môi trường cạnh tranh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đã buộc các doanh nghiệp phải cải tiến chất lượng để tồn tại và vươn lên nắm thị phần. Phần lớn người tiêu dùng hiện nay đều là những “người tiêu dùng thông minh” nên họ có nhiều yêu cầu cao hơn đối với những sản phẩm dinh dưỡng dành cho con em họ.
Người tiêu dùng hiện nay thường dành nhiều thời gian để nghiên cứu nhiều hơn về các sản phẩm sữa trước khi đưa ra quyết định mua mặt hàng nào. Nắm được tâm lý này của người tiêu dùng, các doanh nghiệp nước ngoài đã luôn quan tâm, chú trọng đầu tư vào nghiên cứu để nâng cao chất lượng và chuyên biệt hóa các sản phẩm sữa của họ nhằm mang tới những sản phẩm tốt và phù hợp hơn với người tiêu dùng.
Do đó, trong 1 thị trường cạnh tranh tự do, các doanh nghiệp nội địa trong ngành công nghiệp chế biến và sản xuất sữa cũng đang tích cực chuyển mình nhằm theo kịp xu hướng và đẩy mạnh sức cạnh tranh.
Mặc dù nghiên cứu của CUTS cũng cho thấy, đa số người tiêu dùng có phần ưu tiên các sản phẩm mang thương hiệu quốc tế hơn là các sản phẩm trong nước bởi họ cho rằng “giá cả phải đi kèm với chất lượng”. Khảo sát trên thực tế qua nhiều bà mẹ có con nhỏ cho thấy, khá nhiều bà mẹ có thu nhập cao ở các khu đô thị lớn sẵn sàng chi nhiều tiền để đảm bảo con mình sẽ được dùng các sản phẩm tối ưu nhất! Họ thường có xu thế chọn các sản phẩm sữa ngoại nhập, ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Hà Lan, Úc, New Zealand… vì tin rằng chất lượng và các tiêu chuẩn vệ sinh của sữa ở các nước này đảm bảo hơn, dù giá cao hơn.
Người tiêu dùng đang tìm hiểu thông tin về chất lượng sữa để lựa chọn sản phẩm sữa phù hợp.
|
Thị trường cạnh tranh lành mạnh là yêu cầu quan trọng để thực hiện quyền được lựa chọn của người tiêu dùng
Thực tế cho thấy, một thị trường cạnh tranh là nơi có nhiều hàng hóa và dịch vụ có chủng loại đa dạng và có thể thay thế được cho nhau, người tiêu dùng có thể luôn luôn thay đổi và chuyển sang mua những hàng hóa/dịch vụ có tính cạnh tranh hơn về giá hoặc về chất lượng. Vì vậy, cạnh tranh là một xu hướng tất yếu giữa các nhà sản xuất có hàng hóa tương tự hoặc liên quan tới nhau, về mặt giá cả, chất lượng, hay các dịch vụ sau khi bán…Với thị trường sữa cũng không có ngoại lệ.
Ý kiến bạn đọc