Truyền thông góp phần nâng cao nhận thức về DS – KHHGĐ
HGĐT- Truyền thông giáo dục sức khỏe là quá trình trao đổi, chia sẻ thông tin giúp con người thay đổi những hành vi từ có hại thành những hành vi có lợi cho sức khỏe thông qua nhiều kênh truyền thông như: Báo chí, đài phát thanh - truyền hình, hội thảo, hội thi, tư vấn trực tiếp hoặc thông qua các tài liệu truyền thông...
Truyền thông giáo dục sức khỏe còn có vai trò tạo sự ủng hộ của dư luận xã hội, từ đó giúp mọi thành viên trong xã hội có nhận thức đúng đắn về vấn đề mình quan tâm và có sự chuyển đổi về hành vi. Nhờ đó, trong nhiều năm qua, truyền thông đã trở thành một giải pháp không thể thiếu trong công tác Dân số, kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGĐ).
Từ khi triển khai chiến lược DS - KHHGĐ (giai đoạn 2009 đến nay), công tác truyền thông chuyển đổi hành vi về DS-KHHGĐ được ngành chức năng chú trọng và được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nhanh chóng nâng cao nhận thức của người dân. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), KHHGĐ nhằm kiềm chế mức tăng sinh, đồng thời là một biện pháp tích cực để cải thiện sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Chiến dịch này đã được ưu tiên triển khai ở các vùng khó khăn, vùng đông dân số, vùng có mức sinh cao. Trong các hoạt động này có sự vào cuộc mạnh mẽ của các ban, ngành đoàn thể địa phương từ tỉnh đến cơ sở, có nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn. Hội Liên hiệp phụ nữ có phong trào “Phụ nữ không sinh con thứ 3 giúp nhau làm kinh tế”; “Câu lạc bộ phát triển bền vững thông qua hoạt động lồng ghép tín dụng tiết kiệm”. Đoàn Thanh niên có các câu lạc bộ “Tiền hôn nhân” và “Gia đình trẻ”. Hội Nông dân có câu lạc bộ “
Tại buổi Hội thảo “Nâng cao chất lượng truyền thông về DS - KHHGĐ tại cơ sở” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Y tế tổ chức vào hồi tháng 9/2012 đã phác họa khá rõ nét những khó khăn, thách thức trong công tác truyền thông tại cơ sở hiện nay. Với nỗ lực, tâm huyết, những người làm công tác DS - KHHGĐ các cấp đã thực hiện khá hiệu quả công tác truyền thông, chuyển đổi hành vi về DS - KHHGĐ và cả CSSKSS vị thành niên, thanh niên. Trên cơ sở cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác với các nội dung, hình thức phù hợp từng khu vực, từng vùng và từng nhóm đối tượng, ngành chức năng đã tập trung vào các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cơ sở. Công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể luôn được chú trọng nhằm phát huy tối đa khả năng tuyên truyền và tinh thần cộng đồng trách nhiệm của các đơn vị đã đem lại những kết quả tích cực, tác động trực tiếp đến đời sống người dân tại các địa phương được triển khai. Nhờ vậy mà tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng từ 68% (năm 2009) lên 70% (năm 2012); tỷ lệ sinh con thứ 3 năm 2009 là 15,47% xuống còn 14,9% năm 2011; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 1,45% (năm 2009) xuống còn 1,4% (năm 2011)... Có thể nói, công tác truyền thông về DS - KHHGĐ được triển khai đồng bộ, thường xuyên ở cả 3 tuyến: tỉnh, huyện và xã. Các kênh truyền thông được vận dụng phong phú, hiệu quả; các hình thức tư vấn trực tiếp được chú trọng với lực lượng là những tuyên truyền viên, cộng tác viên dân số cơ sở.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn đó nhiều khó khăn, thách thức trong việc thực hiện chính sách DS - KHHGĐ, đó là ý thức chấp hành của một bộ phận người dân chưa cao với lý lẽ như cần có nguồn nhân lực để lao động, gia đình có điều kiện nên muốn sinh thêm con hoặc đổ lỗi cho lý do “vỡ kế hoạch”, tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, “có con trai để nối dõi tông đường”... ở một số địa phương. Tại một số vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; còn nhiều phụ nữ chuẩn bị kết hôn hoặc trước khi sinh chưa được tư vấn và khám sức khoẻ để ngăn ngừa những yếu tố có nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến sự mang thai và chất lượng thai nhi. Trẻ sơ sinh chưa được phát hiện và can thiệp điều trị sớm các bệnh chuyển hóa, di truyền...
Trong giai đoạn 2013 - 2015, công tác dân số xác định chuyển trọng tâm từ các hoạt động nhằm giảm mức sinh sang ưu tiên các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dân số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Để thực hiện được nhiệm vụ này cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng và đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội cùng tham gia vào công tác truyền thông, làm thay đổi nhận thức của người dân thực hiện tốt công tác DS – KHHGĐ.
Ý kiến bạn đọc