Cảnh báo học sinh dùng “thần dược” Recotus
07:46, 23/10/2012
Vào lúc 11h30 ngày 4/10/2012, gần như toàn bộ nhân lực tại Bệnh viện quận 2, TP.HCM được huy động đến trường THCS Bình An để cấp cứu cho 20 học sinh sử dụng loại thuốc ho Rhecotus có chất gây nghiện.
Không phải đến khi vụ việc 20 học sinh tại trường THCS Bình An, quận 2, TP.HCM cùng sử dụng loại thuốc ho có chất gây nghiện, trong đó 4 em phải nhập viện, thì mối lo về tình trạng này mới dấy lên. Bởi từ năm 2011, cũng tại TP.HCM, có không ít trường hợp học sinh đã sử dụng loại thuốc này để trốn giờ học. Tuy nhiên, giải pháp để bảo vệ chính các em trước những tác hại trước mắt và lâu dài khi tự ý sử dụng thuốc có chất gây nghiện dường như vẫn đang ở mức “khắc phục hậu quả” mỗi khi có sự cố xảy ra.
Bác sĩ Kiều Ngọc Minh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện quận 2, TP.HCM kể lại: “Chúng tôi chỉ biết là tự tử hàng loạt thôi chứ không biết gì hơn, nhưng khi đến trường thì đã thấy nhà trường đưa các em vào phòng cách ly, khoảng 20 em đều có dấu hiệu bị kích thích”.
Bốn học sinh có triệu chứng nặng do đã uống nhiều thuốc nhất đã được đưa về Bệnh viện quận 2 để theo dõi, bệnh án tại bệnh viện ghi rõ: Mạch đập nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực, chóng mặt, muốn ói… điển hình của ngộ độc thuốc. Và thủ phạm cũng nhanh chóng được chỉ ra, đó là những viên thuốc ho Recotus, loại thuốc không kê đơn, được bán rất phổ biến ở các nhà thuốc. Loại thuốc này cũng đã từng gây ra các vụ việc tương tự với 30 học sinh ở trường THCS Khánh Hội A, quận 4, TP.HCM và một số trường THCS khác.
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Nguyễn Duy Tài, PGĐ Bệnh viện quận 2, TP.HCM thật sự bức xúc trước thực trạng khó có thể chấp nhận này: “Mặc dù có nhiều thông tư, nghị định, nhiều khuyến cáo của các cơ quan chức năng, nhưng bản thân người sử dụng, cung cấp các dịch vụ y tế (người bán thuốc, nhà thuốc, thậm chí các phòng khám đa khoa tư nhân) cũng chưa nắm, thậm chí chưa chắc đã biết được những tác hại trước mắt và lâu dài của thuốc”.
Học sinh ở bậc THCS ở vào độ tuổi chịu sự tác động lớn của môi trường xung quanh. Thuốc mua dễ dàng, thông tin truyền miệng về tác dụng có thể trốn học của thuốc lan truyền nhanh chóng. Điều này lý giải vì sao dù Sở Y tế và Sở Giáo dục đào tạo TP.HCM đều đã có những khuyến cáo, quy định đến các cơ sở thuộc phạm vi quản lý của mình để bảo vệ chính các em, nhưng dường như chưa thể chấm dứt tình trạng này. Nguy hiểm hơn nữa khi thống kê mới nhất cho thấy, trên thị trường có đến gần 270 loại thuốc có chất gây nghiện giống như Recotus. Vì vậy, mối lo bảo vệ con em mình sẽ còn chồng chất hơn nữa với phụ huynh và cả cộng đồng.
Ý kiến bạn đọc