Đẩy mạnh công tác truyền thông chống SDD cho trẻ em ở Yên Minh
HGĐT- Những bữa ăn dinh dưỡng được cán bộ Trung tâm Y tế huyện Yên Minh tổ chức, hướng dẫn cho bà con tại các thôn bản đã thực sự mang lại hiệu quả. Tỷ lệ trẻ em bị SDD hàng năm giảm rõ nét, ý thức của phụ huynh trong việc đảm bảo chế độ ăn có chất dinh dưỡng cho con em được nâng lên... Đó là những thành quả bước đầu trong chiến dịch truyền thông y tế ở Yên Minh.
Là huyện vùng cao núi đá với địa hình phức tạp, đời sống của phần lớn đồng bào nơi đây còn gặp nhiều khó khăn vì vậy việc đảm bảo bữa ăn có chất dinh dưỡng cho con em họ là điều không dễ dàng. Những năm trước đây, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Yên Minh luôn ở mức cao, các bậc phụ huynh và xã hội còn rất thờ ơ và đứng ngoài cuộc.
Xác định phòng chống SDD ở trẻ em là dự án thuộc Chương trình Mục tiêu y tế quốc gia, nên những năm qua, tập thể và cán bộ nhân viên TTYT huyện Yên Minh đã nỗ lực hết mình nhằm hạn chế tối đa tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em trên địa bàn. Ngoài các công việc được triển khai hàng năm như: Cho trẻ uống Vitamin A, tẩy giun 2 đợt/năm, cấp bánh quy dinh dưỡng, bột cóc, theo dõi, cân định kỳ... thì công việc truyền thông luôn được ngành y tế huyện quan tâm, đẩy mạnh. Mặc dù nguồn kinh phí phục vụ cho công tác truyền thông còn rất hạn chế, nhưng ngành y tế Yên Minh đã lồng ghép các thông tin về chống suy dinh dưỡng trẻ em vào các chương trình của thôn, bản, phối hợp với hội phụ nữ cơ sở để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ huynh trong việc đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng cho con em mình.
Hiện tại trên địa bàn Yên Minh có 23.709 trẻ em dưới 15 tuổi, trong đó có 9.432 trẻ em dưới 5 tuổi. Tỷ lệ SDD ở trẻ dưới 5 tuổi theo cân nặng là 21,2%. Chị Lê Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Yên Minh chia sẻ: “Cái khó của chúng tôihiện nay là cán bộ của trung tâm không thành thạo nhiều tiếng dân tộc, mà phần lớn phụ nữ dân tộc lại không biết tiếng kinh nên mỗi khi có chiến lược truyền thông đến thôn bản là chúng tôi phải trông cậy vào lực lượng y tế thôn bản, nhưng lực lượng này đang yếu về trình độ chuyên môn nên không thể đạt được hiệu quả tuyên truyền như mong muốn. Cán bộ trung tâm phải xuống tận thôn bản để tổ chức các bữa ăn dinh dưỡng, hướng dẫn cụ thể về cách chọn nguyên liệu và chế biến món ăn cho người dân được tận mắt nhìn và học hỏi, làm theo để có những bữa ăn có chất dinh dưỡng cho con mình. Nhưng kinh phí ít quá, chúng tôi còn phải “san sẻ” cho nhiều chương trình mục tiêu y tế khác nữa...”.
Trong năm qua, TTYT huyệnđã tổ chức được nhiều bữa ăn dinh dưỡng tại nhiều thôn bản và thu hút hàng trăm phụ nữ đến tham gia. Nguyên liệu để chế biến các món ăn dinh dưỡng được giới thiệu là các loại rau, quả, trứng, thịt do đồng bào tự sản xuất và chăn nuôi được nhưng cần biết cách chế biến để tạo thành món ăn có chất dinh dưỡng cho trẻ. Sau mỗi bữa ăn dinh dưỡng, nhiều phụ nữ đã biết chế biến và thực hiện thường xuyên, khiến tỷ lệ trẻ em bị SDD trên địa bàn giảm xuống đáng kể.
“Trong thời gian tiếp theo, chúng tôi vẫn tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, tập huấn cho y tế thôn bản và triển khai thêm nhiều bữa ăn dinh dưỡng. Điều quan trọng là tuyên truyền để giúp người dân hiểu được tầm quan trọng trong việc phòng chống SDD trẻ em, tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ và việc đẩy lùi SDD ở trẻ em phải được thực hiện từnhững bữa ăn hàng ngày trong gia đình”, chị Hoa cho biết thêm.
Ý kiến bạn đọc