Tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS kết quả đạt được và những khó khăn, thách thức

07:30, 17/09/2011

HGĐT- Theo thống kê của ngành Y tế Hà Giang, tính đến 31.7.2011 trên địa bàn tỉnh đã phát hiện khoảng 1.543 người nhiễm HIV. Trong đó, 687 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS và có đến 278 người đã tử vong do AIDS.


 

 Nhiều hoạt động xã hội giúp những người có HIV hòa nhập cộng đồng.


Hiện nay, 11/11 huyện, thành phố với khoảng 95/195 xã, phường, thị trấn đã phát hiện có người nhiễm HIV. Qua điều tra cũng cho thấy, số người nhiễm HIV liên quan đến nghiện, chích ma túy chiếm gần 59%; tỷ lệ nam giới bị nhiễm chiếm trên 73% tỷ lệ người nhiễm, tỷ lệ nữ bị nhiễm HIV ngày càng tăng. Tác động của dịch bệnh này đối với xã hội ngày càng được thể hiện rõ, có những gia đình có 3 - 4, thậm chí là 5 người bị nhiễm HIV. Bên cạnh đó, không ít trường hợp bị nhiễm HIV mà chưa biết mình nhiễm bệnh. Do đó, HIV/AIDS hiện đang là mối hiểm họa, có thể gõ cửa bất cứ gia đình nào...


Trước sự gia tăng không ngừng của HIV/AIDS, những năm qua Ngành Y tế Hà Giang đã tích cực tham mưu cho tỉnh, đồng thời phối hợp với các ngành, các cấp triển khai nhiều chương trình hành động nhằm phòng, chống HIV/AIDS. Qua đó, có rất nhiều chương trình đã và đang được triển khai như: Chương trình thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi; chương trình can thiệp giảm tác hại; chăm sóc hỗ trợ người nhiễm; giám sát HIV, theo dõi, đánh giá chương trình; tiếp cận điều trị HIV/AIDS; dự phòng lây truyền từ mẹ sang con; an toàn truyền máu... Đồng chí Đinh Thế Huynh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, việc triển khai các chương trình hành động phòng chống HIV/AIDS trong những năm qua đã mang lại những hiệu quả tích cực. Với sự quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin, phòng chống, chúng ta đã đạt được mục tiêu tỷ lệ người mắc chiếm dưới 0,3% dân số. Đặc biệt là nhận thức của các cấp, ngành và người dân về nguy cơ của bệnh HIV ngày càng được nâng cao. Tại một số địa phương trọng điểm như thành phố Hà Giang, Bắc Quang, chương trình can thiệp giảm tác hại trong nhóm nghiện chích ma túy đã cơ bản khống chế được tốc độ gia tăng của dịch. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy đã giảm từ 51% năm 2003 xuống còn 15% năm 2009. Chương trình dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con đã giảm tỷ lệ lây nhiễm xuống dưới 10%...


Với sự hỗ trợ của các chương trình hành động, cùng với nhận thức ngày càng được nâng cao trong cộng đồng cũng như người nhiễm HIV/AIDS. Tại một số địa bàn đã thành lập được nhóm, câu lạc bộ sinh hoạt của những người bị nhiễm HIV như ở thành phố Hà Giang, Vị Xuyên... Hoạt động của các nhóm này không chỉ là chỗ dựa tinh thần cho những người có HIV, mà là địa chỉ tích cực trong các hoạt động tuyên truyền phòng, tránh lây truyền dịch, khẳng định với cộng đồng về sự hòa nhập tích cực của những người có HIV. Nguyễn T.Ng, một cô gái rất đẹp những bị nhiễm HIV gần 4 năm qua cho biết, khi biết mình bị HIV, chồng cũng mất do căn bệnh quái ác này, tất cả như đổ sụp với em. Em dường như không còn ý nghĩ về cuộc sống trước mắt. Thế nhưng, với sự giúp đỡ của Trung tâm phòng, chống HIV tỉnh trong việc áp dụng phòng chống lây truyền từ mẹ sang con, sự động viên rất lớn của chị Hiền, Giám đốc Trung tâm, đứa con em sinh ra đã may mắn không bị nhiễm bệnh của cha mẹ. Tiếp đó, em được sinh hoạt trong một tổ chức của những người có cùng hoàn cảnh, được hướng dẫn sử dụng thuốc để duy trì sức khỏe. Qua đó, đã giúp em và rất nhiều chị em khác nhận thấy rằng, mình chỉ là nạn nhân của căn bệnh và cần phải có mục tiêu sống, ý chí vươn lên như những người bình thường khác.


Với những kết quả đạt được, chúng ta đang khẳng định rõ quyết tâm ngăn chặn dịch HIV/AIDS. Tuy nhiên, để có thể ngăn chặn hiệu quả căn bệnh này lây lan ra cộng đồng, có rất nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra cho các cấp, các ngành và các địa phương. Có thể nói, chúng ta đang là một trong những tỉnh nghèo nhất của cả nước, trình độ dân trí không đồng đều, các yếu tố về địa hình phức tạp, nhiều ngôn ngữ, phương tiện thông tin đại chúng ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn... là những rào cản để triển khai các chương trình y tế đến các thôn, bản vùng khó khăn. Từ đó, nhận thức về dịch bệnh HIV/AIDS và cách phòng, chống ở không ít nơi còn rất hạn chế. Các phương tiện phòng, chống cũng là vấn đề đáng được quan tâm khi mà vẫn có những nơi, việc tiếp cận không dễ dàng. Vì thế, dẫn đến những câu chuyện của không ít cô giáo, cán bộ ở vùng đặc biệt khó khăn, đã nhiễm phải HIV trong một mối tình với những người lái xe tải qua đường. Bên cạnh đó, sự phối hợp của các cấp, ngành, đoàn thể, của các cơ quan phòng, chống ma túy, mại dâm với ngành y tế còn chưa thường xuyên, chặt chẽ. Do đó, trách nhiệm về phòng, chống HIV/AIDS thường được hiểu một cách thiển cận là thuộc về ngành Y tế. Qua trao đổi với rất nhiều cán bộ đang làm công tác phòng, chống HIV/AIDS, những người bệnh cũng như người dân hiện nay, chúng tôi nhận thấy nhận thức của cộng đồng về HIV/AIDS là chưa đồng đều. Thái độ phân biệt, đối xử và xa lánh với người nhiễm HIV giường như vẫn còn phổ biến trong xã hội...


Để kết thúc bài viết này, chúng tôi cũng xin nêu lên một thách thức không nhỏ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS hiện nay đó là sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân, đặc biệt là lớp trẻ. Từ đó, dẫn đến không ít người, trong đó có cả một bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, xa đọa vào các hành vi dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV. Để ngăn chặn nguy cơ này, trách nhiệm không nhỏ thuộc về các gia đình, nơi phải thể hiện được sự quan tâm giáo dục con cái về giá trị truyền thống, về tình cảm gia đình; các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng cần có sự quan tâm hơn nữa trong việc quản lí, tuyên truyền để giúp cho mọi người tránh khỏi những nguy cơ lây nhiễm.


HUY BA

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội thảo “Đồng thuận tuyến tỉnh ủng hộ chương trình bơm kim tiêm cho người nghiện chích ma túy”
HGĐT- Ngày 31.8, Ban quản lý Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hà Giang tổ chức Hội thảo “Đồng thuận tuyến tỉnh ủng hộ chương trình bơm kim tiêm cho người nghiện chích ma túy”.
31/08/2011
Triển khai Chiến dịch uống văcxin phòng bại liệt
HGĐT- Ngày 29.8, tại Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch bệnh ở người của tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch chiến dịch uống văcxin phòng bại liệt bổ sung cho trẻ dưới 5 tuổi tại các huyện có nguy cơ cao.
29/08/2011
Cố gắng trong công tác chăm sóc SKSS ở Du Tiến
HGĐT- Xã Du Tiến (Yên Minh) có 647 hộ, 3.801 nhân khẩu đang sinh sống ở 15 thôn bản. Do điều kiện tự nhiên, điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, trình độ dân trí thấp nên xã còn gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, xã hội, xoá đói giảm nghèo.
26/08/2011
Tích cực tuyên truyền giáo dục kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm
HGĐT- Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, trong gần 8 tháng qua, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã tích cực thực hiện công tác chuyên môn, nhất là giám sát và đôn đốc hoạt động tuyên truyền giáo dục kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại các huyện, thành phố.
24/08/2011