Tích cực tuyên truyền giáo dục kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm
HGĐT- Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, trong gần 8 tháng qua, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã tích cực thực hiện công tác chuyên môn, nhất là giám sát và đôn đốc hoạt động tuyên truyền giáo dục kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại các huyện, thành phố.
Tổng hợp báo cáo Sở Y tế và BCĐ VSATTP tỉnh kịp thời, đề xuất với Sở Y tế, BCĐ VSATTP tỉnh có các văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp truyền thông trực tiếp đến cụm xã vùng sâu, vùng xa, những nơi có nguy cơ cao xảy ra ngộ độc thực phẩm, tập trung vào những nguyên nhân ngộ độc thực phẩm thường gặp tại tỉnh như ngộ độc nấm, ngộ độc do ăn bánh ngô để lâu ngày tại các huyện vùng núi phía Bắc, tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức về VSATTP và khám sức khoẻ định kỳ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc tỉnh quản lý trên đại bàn thành phố Hà Giang được 178 người. Thường xuyên cử cán bộ giám sát, chỉ đạo các lớp tập huấn tại các huyện, thành phố.
Bên cạnh đó, công tác thanh, kiểm tra cũng được tăng cường, Chi cục đã phối hợp với các ban, ngành chức năng trong toàn tỉnh tham gia các đoàn thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định về VSATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và cơ sở dịch vụ ăn uống, các bếp ăn tập thể. Xử lý nghiêm đối với cơ sở vi phạm pháp luật về đảm bảo VSATTP. Đồng thời đôn đốc các huyện, thành phố tăng cường công tác thanh, kiểm tra liên ngành, xây dựng kế hoạch kiểm tra hàng tháng, hàng quý, tập trung việc thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bànl; chú trọng công tác thanh, kiểm tra các xã vùng sâu, vùng xa.
Kết quả có 4.712 cơ sở được thanh tra, kiểm tra, trong đó có 787 cơ sở vi phạm bị lập biên bản, số cơ sở bị cảnh cáo nhắc nhở là 711, số cơ sở bị phạt tiền là 76, số tiền xử phạt là 43.500.000 đồng nộp vào ngân sách nhà nước, số hàng tiêu huỷ 371,1 kg. Công tác giám sát ngộ độc thực phẩm đều được điều tra, giám sát, xử lý và báo cáo kịp thời. Cùng đó, công tác xét nghiệm thường xuyên được quan tâm, Chi cục phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, Trung y tế huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức lấy mẫu phân tích mối nguy gây nhiễm thực phẩm năm 2011 theo kế hoạch của Ban chỉ đạo VSATTP tỉnh, cùng với Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, Trung tâm Kiểm nghiệm thực hiện tốt công tác kiểm nghiệm, xét nghiệm phục vụ cho công tác thanh kiểm tra VSATTP, quản lý ngộ độc thực phẩm và hoạt động cấp giấy chứng nhận, công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm trong địa bàn toàn tỉnh.
Cùng với các hoạt động trên, công tác cấp chứng nhận đủ điều kiện VSATTP cho các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm được triển khai và duy trì thường xuyên. Số cơ sở được quản lý và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đến thời điểm hiện tại là: 310 cơ sở, đạt 21,8% (310/1.422); trong đó tuyến tỉnh 114, tuyến huyện 196. Đôn đốc và giám sát các huyện, thành phố thực hiện hoàn thiện các bước cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo phân cấp. Mặt khác, hoạt động quản lý công bố tiêu chuẩn sản phẩm được quan tâm, Chi cục thường xuyên cử cán bộ hướng dẫn chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm làm thủ tục cho các cơ sở tự công bố chất lượng các sản phẩm của mình. Số sản phẩm được công bố tiêu chuẩn là 102. Đặc biệt, Chi cục đã tổ chức xây dựng mô hình điểm VSATTP thức ăn đường phố tại 4 xã thuộc huyện Bắc Quang và 3 xã của huyện Vị Xuyên, thực hiện từ năm 2010, hiện nay vẫn đang duy trì với tổng số cơ sở được triển khai là 674. Sau khi triển khai mô hình điểm về VSATTP thức ăn đường phố, trên địa bàn không có vụ ngộ độc lớn xảy ra; vấn đề nước sạch, vệ sinh nơi sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm của các cơ sở chế biến, bảo quản và kinh doanh thực phẩm ngày càng được cải thiện; trình độ, kiến thức của các chủ cơ sở và người trực tiếp làm việc tại các cơ sở trong bảo quản, chế biến, kinh doanh thực phẩm đã hiểu biết rất rõ về tầm quan trọng của VSATTP và có ý thức nhằm đảm bảo chất lượng vệ sinh thực phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Ý thức trách nhiệm của người quản lý cấp xã đã nâng lên rõ rệt, nhất là trong việc quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn mình phụ trách, người sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm đã tự cam kết đảm bảo VSATTP.
Ý kiến bạn đọc