Cố gắng trong công tác chăm sóc SKSS ở Du Tiến
HGĐT- Xã Du Tiến (Yên Minh) có 647 hộ, 3.801 nhân khẩu đang sinh sống ở 15 thôn bản. Do điều kiện tự nhiên, điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, trình độ dân trí thấp nên xã còn gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, xã hội, xoá đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản (SKSS) ở xã trong những năm vừa qua lại có sự chuyển biến hết sức tích cực. Những chuyển biến đó bắt nguồn từ sự quan tâm chỉ đạo, thực hiện của Đảng bộ, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong toàn xã.
Đồng chí Phạm Tiến Tình, Bí thư Đảng ủy xã Du Tiến cho biết: “Du Tiến là xã vùng sâu của huyện, nhận thức của người dân về công tác chăm sóc SKSS vẫn còn nhiều hạn chế, điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của mỗi người dân và nó cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quyết tâm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân mà Đảng bộ, chính quyền xã đang quyết tâm thực hiện. Xác định rõ điều đó nên trong những năm qua, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, Đảng bộ, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong toàn xã luôn quan tâm, triển khai thực hiện công tác chăm sóc SKSS”. Sự quan tâm đó thể hiện qua công tác tuyên truyền, hầu hết các buổi họp Chi bộ, họp thôn, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân đều được lồng ghép nội dung tuyên truyền về chăm sóc SKSS. Đặc biệt, xã luôn quan tâm, phát huy vai trò hoạt động của đội ngũ cán bộ y tế thôn bản bởi đội ngũ này sinh sống cùng cộng đồng dân cư, cùng hiểu tập quán, cùng nói ngôn ngữ nên dễ vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu và làm theo. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền nên nhận thức của người dân về chăm sóc SKSS cho bản thân và cho gia đình ngày một nâng cao. Anh Trần Văn Lương, Trạm trưởng Trạm Y tế xã cho biết: “Do tập quán lạc hậu, bà con lại ngại tiếp xúc với cán bộ y tế nên trước kia công tác chăm sóc SKSS gặp nhiều khó khăn. Điều đó dẫn đến tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đi khám phụ khoa thấp; đa số chị em mang thai đều không đi khám thai định kỳ và rất ít trường hợp đến sinh nở tại Trạm Y tế, chỉ những trường hợp đẻ khó người dân mới đến Trạm. Tuy nhiên, nhờ thực hiện tốt công tác truyền thông nên nhận thức của bà con đã thay đổi tích cực. Trong mấy năm gần đây, tỷ lệ chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đi khám phụ khoa luôn đạt từ 80 đến 90%. Đối với công tác khám thai định kỳ, ở những thôn gần trung tâm xã, cán bộ y tế vận động chị em đến Trạm Y tế để khám thai định kỳ, với những ca ở xa trung tâm xã hoặc ngại đến Trạm Y tế khám thì cán bộ nữ hộ sinh đến tận nhà để khám cho bà con. Do đó trong những năm gần đây, tỷ lệ chị em phụ nữ mang thai được khám thai định kỳ luôn đạt 100%. Số ca đẻ có cán bộ y tế đỡ đẻ đạt 60%, trong đó có 40% ca đến Trạm Y tế. Đó là tỷ lệ hết sức ấn tượng đối với một xã vùng sâu”.
Anh Trần Văn Lương cho biết thêm: “Để đạt được những chuyển biến tích cực trong công tác chăm sóc SKSS, ngoài sự quan tâm chỉ đạo thực hiện của Đảng bộ, chính quyền và các ngành, đoàn thể còn có sự đóng góp tích cực của Dự án Chăm sóc SKSS. Dự án đã tạo điều kiện hỗ trợ cho Trạm các thiết bị y tế, tài liệu cần thiết cho một phòng đẻ, một phòng khám phụ khoa và phòng truyền thông. Các thiết bị y tế, tài liệu truyền thông đã và đang được Trạm khai thác hiệu quả. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ làm công tác này như: Nữ hộ sinh, cán bộ y tế thôn, cán bộ các tổ chức Hội, đoàn thể, bà mụ vườn cũng được tham gia nhiều lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng truyền thông... Sự đầu tư, hỗ trợ của Dự án đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng chăm sóc SKSS, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn”.
Ý kiến bạn đọc