Chủ động xây dựng Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đạt chuẩn Quốc gia

17:12, 29/07/2011

HGĐT- Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Giang là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế, có chức năng tham mưu cho Sở tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh; có nhiệm vụ và quyền hạn là xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật về phòng, chống dịch bệnh, dinh dưỡng cộng đồng, an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khỏe môi trường, sức khỏe trường học, sức khỏe nghề nghiệp, phòng, chống tai nạn thương tích và xây dựng cộng đồng an toàn... trên cơ sở định hướng chiến lược của Bộ Y tế gắn với tình hình thực tiễn của tỉnh.


Trong những năm qua, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh luôn thực hiện đầy đủ chức năng và nhiệm vụ của đơn vị. Đặc biệt chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng, góp phần hoàn thành một số hoạt động như phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng cộng đồng, kiểm dịch y tế, sức khỏe môi trường, sức khỏe trường học, sức khỏe nghề nghiệp, phòng, chống tai nạn thương tích và xây dựng cộng đồng an toàn, phòng, chống các rối loạn do thiếu hụt I ốt; quản lý và triển khai thực hiện các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia như tiêm chủng mở rộng, phòng, chống sốt xuất huyết, phòng, chống đái tháo đường... Tuy nhiên cơ sở vật chất của Trung tâm sau nhiều năm sử dụng hiện đã xuống cấp nặng nề, các phòng xét nghiệm chưa đạt tiêu chuẩn thiết kế nên không đảm bảo yêu cầu an toàn sinh học cấp II và an toàn về hóa học. Trang thiết bị thiết yếu và trang thiết bị chuyên dụng của trung tâm hiện còn thiếu thốn khá nhiều, quan trọng hơn cả là nhân lực của Trung tâm vừa thiếu về số lượng, vừa chưa phù hợp về cơ cấu trình độ cán bộ nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xét nghiệm, khám sức khỏe và khám bệnh. Với những khó khăn và bất cập nêu trên của Trung tâm nên hiện nay nhiều chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm được triển khai thực hiện rất khó khăn hoặc chưa triển khai thực hiện được. Cụ thể là việc xét nghiệm chẩn đoán một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm chưa được thực hiện tại chỗ, phải gửi mẫu về Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương nên mất thời gian và tốn kém, nhiều kỹ thuật kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm như hóa chất bảo vệ thực vật, chất độc, phụ gia thực phẩm... chưa thực hiện được. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến một số chương trình y tế triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt kết quả thấp và đặc biệt là Trung tâm chưa thể sẵn sàng đáp ứng tốt với các bệnh dịch do biến đổi môi trường và khí hậu, mà theo dự báo trong một vài năm tới sẽ diễn biến hết sức phức tạp.


Theo các nghiên cứu, trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, một số bệnh không nhiễm trùng, bệnh xã hội có xu hướng gia tăng cả về tỷ lệ mắc bệnh cũng như tỷ lệ chết. Cụ thể là các bệnh tim mạch, ung thư, sức khỏe tâm thần, nhóm các bệnh ngộ độc, chấn thương, tai nạn thương tích... Các bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm có xu hướng diễn biến phức tạp, cùng với một số bệnh có tỷ lệ mắc cao như cúm, lỵ trực khuẩn, sốt rét, sốt xuất huyết và bệnh có tỷ lệ chết cao như viêm não vi rút. Ngoài ra, còn nhiều loại bệnh dịch lưu hành địa phương có xu hướng quay trở lại phát triển thành dịch lớn; sự xuất hiện của một số bệnh mới nguy hiểm như SASR, cúm A (H5N1), cúm A (H1N1) đang là mối nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng. Cùng với sự tăng nhanh về dân số, vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm thực phẩm, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt cùng các biến đổi phức tạp của dịch bệnh càng cho thấy vai trò quan trọng của công tác y tế dự phòng. Chính vì thế việc củng cố, hoàn thiện và quy hoạch thống nhất để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao cho, trong đó Y tế dự phòng tuyến tỉnh có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc tổ chức quản lý và phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.


Trước thực trạng nêu trên, để thực hiện tốt quan điểm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và ngành Y tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc, tỉnh ta đã chủ động xây dựng Đề án Chuẩn quốc gia Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh giai đoạn 2011 - 2015, nhằm từng bước cụ thể hóa các nội dung phát triển hệ thống y tế dự phòng tuyến tỉnh, cùng với việc xây dựng và nâng cấp hệ thống y tế dự phòng tuyến huyện, góp phần củng cố và hoàn thiện, đảm bảo thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của Trung tâm Y tế dự phòng tuyến tỉnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong giai đoạn mới. Việc xây dựng Trung tâm Y tế dự phòng tuyến tỉnh đạt chuẩn quốc gia sẽ tạo điều kiện tích cựcvà chủ động trong triển khai công tác y tế dự phòng tại địa phương, đảm bảo năng lực và khả năng kiểm soát các bệnh truyền nhiễm gây dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát bệnh không lây nhiễm... Đặc biệt, tỉnh ta sẽ hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm, góp phần chẩn đoán nhanh tác nhân gây nên các vụ dịch, các vụ ngộ độc thực phẩm để có biện pháp xử lý nhanh chóng, kịp thời hạn chế tình trạng mắc và tử vong do dịch bệnh. Việc ứng dụng các kỹ thuật xét nghiệm được thực hiện tại Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, sẽ không phải chi phí cho việc vận chuyển mẫu bệnh phẩm về các Viện ở Trung ương, từ đó giảm chi phí đi lại, bảo quản và các chi phí khác một cách hữu hiệu; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân.


LAN HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Làng “tăng dân số” ngày ấy - bây giờ
HGĐT- Ngày ấy... có lẽ đã gần chục năm trôi qua, nhưng chuyến công tác đến thôn Đầu Cầu Hai, thuộc xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, một xóm có 100% đồng bào Mông sinh sống bên dòng sông Tráng Kìm đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng khó quên.
29/06/2011
Cảnh giác: Dịch chồng lên dịch!
Hiện nay, ở một số địa phương, bệnh tay chân miệng cùng với bệnh sốt xuất huyết đang cùng song hành. Áp lực lại đè nặng vai ngành y tế. Nhiều cán bộ y tế cơ sở cảnh báo, nếu không có sự hỗ trợ và vào cuộc của các cấp chính quyền, sẽ lại có dịch chồng lên dịch!
28/07/2011
Bệnh tay chân miệng do entero virus 71 gây ra rất nguy hiểm
Bệnh tay chân miệng (TCM) đang gia tăng ở mức độ báo động. Những năm trước đây, bệnh TCM người ta chỉ gặp ở các tỉnh phía nam nước ta, nhưng năm nay bệnh này có xu hướng “tiến” ra phía Bắc.
27/07/2011
319.864 lượt bệnh nhân được điều trị nội trú
HGĐT- 6 tháng đầu năm, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã tổ chức khám và chữa bệnh cho 419.020 lượt bệnh nhân, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khám tại bệnh viện và phòng khám đa khoa khu vực là 177.790 lượt người, khám tại xã là 241.230 lượt người.
27/06/2011