Cảnh giác: Dịch chồng lên dịch!
Hiện nay, ở một số địa phương, bệnh tay chân miệng cùng với bệnh sốt xuất huyết đang cùng song hành. Áp lực lại đè nặng vai ngành y tế. Nhiều cán bộ y tế cơ sở cảnh báo, nếu không có sự hỗ trợ và vào cuộc của các cấp chính quyền, sẽ lại có dịch chồng lên dịch!
Gần 11 giờ trưa, tại Khu khám Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau vẫn còn trên dưới 30 người ngồi chen chúc nhau chờ gọi đến lượt vào khám. Nhiều người mệt mỏi tranh thủ ngả lưng ở bất kỳ chỗ trống nào tìm được. Đây là cảnh tượng diễn ra hơn một tuần nay khi lượng người đến khám tại bệnh viện tăng đột biến. Tính từ đầu năm đến nay, riêng tại Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau tiếp nhận và điều trị 674 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tử vong 3 trường hợp; Bệnh tay chân miệng có 186 ca. Đánh giá về tình hình dịch bệnh, BS. Phạm Minh Pha, Phó giám đốc Bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau, cho rằng năm nay, dịch bệnh, nhất là SXH diễn biến rất phức tạp, tỷ lệ ca nặng rất cao và có nhiều trường hợp bị tổn thương đa cơ quan. Hiện, mỗi ngày trung bình Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau tiếp nhận 400 bệnh nhân đến khám, điều trị. Trong đó, riêng bệnh nhi chiếm khoảng 230 ca. Các bệnh tăng cao chủ yếu là SXH và tay chân miệng. Sự gia tăng đột biến lượng bệnh nhân đã dẫn đến quá tải, 150 giường của bệnh viện không còn chỗ trống, buộc phải kê thêm.
“Trong thời gian tới, dự báo bệnh sẽ còn tăng nhanh. Như mọi năm thì phải từ tháng 9 bệnh mới bùng phát mạnh, nhưng năm nay, ngay từ bây giờ, bệnh đã tăng đột biến và diễn biến phức tạp dần lên”, BS. Pha nhận định.
Dịch bệnh tay - chân - miệng ở Quảng Ngãi gia tăng khiến cho Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi trở nên quá tải. Ảnh: Trí Tín
|
Còn ở Quảng Ngãi, một “điểm nóng” bệnh tay chân miệng ở khu vực miền Trung, theo thống kê của Sở Y tế tỉnh này, đã có gần 2.900 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Bệnh tập trung chủ yếu ở nhóm từ 0 - 3 tuổi, chiếm tỷ lệ khoảng 70%. Bệnh xuất hiện tại 14/14 huyện thành, 100% xã của các huyện đồng bằng đều có bệnh nhân tay chân miệng.Trước tình hình này, ngành y tế Quảng Ngãi đang đứng trước nỗi lo dịch bệnh chồng lên dịch bệnh khi cùng lúc hai dịch bệnh đang hoành hành là tay chân miệng và SXH. Tình trạng này gây nhiều khó khăn cho công tác phòng chống dịch. Hiện Quảng Ngãi cũng phát hiện hơn 200 trường hợp mắc bệnh SXH và có dấu hiệu đang tăng lên. Theo ông Viên Quang Mai, Phó giám đốc Viện Pasteur Nha Trang: “Các bệnh truyền nhiễm diễn ra với mức độ ngày càng gia tăng, tốc độ lây lan ngày càng nhanh. Do vậy, Quảng Ngãi cần mở thêm phòng điều trị dã chiến cho khoa truyền nhiễm hoặc nếu có điều kiện trong tương lai cần xây dựng bệnh viện truyền nhiễm riêng. Có như vậy mới mong sớm chặn đứng dịch bệnh”.
Ở Đồng Nai, bệnh tay chân miệng lan nhanh với số lượng trẻ mắc bệnh tăng lên mỗi ngày. Toàn tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận 2.681 ca mắc bệnh, trong đó 14 ca tử vong. Bên cạnh đó, theo tin từ Trung tâm YTDP tỉnh Đồng Nai, đến nay, toàn tỉnh đã có gần 1.800 ca mắc bệnh SXH, trong đó có 5 ca tử vong.
Bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết áp lực lên y tế cơ sở.
|
Khó khăn chồng chất khó khăn
Áp lực từ phòng chống dịch và ca mắc ngày càng tăng khiến cán bộ y tế cơ sở vô cùng vất vả. BS. Bùi Đức Văn, Giám đốc Bệnh viện ĐKKV Cái Nước, tỉnh Cà Mau, bức xúc: “Bệnh viện chúng tôi đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn: Khó khăn về nguồn nhân lực, về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động. Bệnh viện có 65 bác sĩ, hiện đang đi học 13, chỉ còn 52 bác sĩ làm việc tại bệnh viện. Với số lượng thường trực trên 400 bệnh nhân và tiếp nhận khám mỗi ngày trên 1.000 lượt bệnh tại phòng khám quả là không thể tưởng tượng. Đội ngũ y, bác sĩ phải làm việc tăng ca, tăng buổi nhưng vẫn không xuể. Nếu bệnh nhân luôn nằm trong tình trạng quá tải kéo dài như thế này thì thật là gay go”.
Trong bệnh viện, áp lực của thầy thuốc ngày càng lớn thì tại các khu dân cư, người dân lại phó mặc sức khỏe cho số phận! Theo nhiều chuyên gia dịch tễ, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến SXH tăng cao là do ý thức phòng bệnh của người dân còn hạn chế, nhất là khâu diệt lăng quăng, diệt muỗi chưa tốt. Nhiều hộ dân còn trông chờ vào biện pháp phun hóa chất của ngành y tế. Bên cạnh đó, tại một số địa phương, việc phòng chống dịch hiện nay đều phó mặc cho ngành y tế. Công tác chống dịch mới chỉ có “phát” nhưng “động” chưa được bao nhiêu. Chính vì thế, sự thờ ơ của người dân là điều có thể hiểu!
Ý kiến bạn đọc