Nâng cao năng lực chăm sóc SKSS/TSS cho các bệnh viện vùng Dự án

17:10, 22/06/2011

HGĐT- Dự án Nâng cao chất lượng và sử dụng dịch vụ sức khoẻ sinh sản (SKSS) có chất lượng tại Hà Giang (VNM7PG0001) triển khai các hoạt động trên địa bàn tỉnh đến nay được gần 6 năm. Một trong những hoạt động đạt hiệu quả cao, có ý nghĩa thiết thực đó là hỗ trợ thiết bị y tế, đào tạo con người nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc SKSS/TSS cho Bệnh viện các huyện Yên Minh, Đồng Văn, Xín Mần.


 

 Chăm sóc phụ nữ có thai tại Bệnh viện huyện Đồng Văn.


Trước kia, Trung tâm Y tế (nay được tách ra là Bệnh viện) các huyện Đồng Văn, Yên Minh, Xín Mần gặp rất nhiều khó khăn trong công tác chăm sóc SKSS/TSS. Khó khăn là do các đơn vị thiếu thốn về cơ sở vật chất, thiết bị y tế. Cơ sở y tế tuyến huyện của 3 huyện dù đã thành lập đầy đủ các khoa, phòng chuyên môn phục vụ công tác chăm sóc SKSS/TSS nhưng do khó khăn về kinh phí nên thiết bị y tế lại chưa được đầu tư đồng bộ. Điều đó dẫn đến những hạn chế trong công tác chuyên môn cũng như chưa nâng cao được chất lượng phục vụ người dân. Mặc khác, đội ngũ bác sỹ sản khoa, nữ hộ sinh dù đã được đào tạo bài bản về trình độ trên ghế nhà trường nhưng do thiếu kinh nghiệm lại không thường xuyên tham gia tập huấn chuyên sâu, cập nhật kiến thức mới nên vẫn còn yếu trong việc xử trí các tình huống thực tế. Nhằm khắc phục những điểm yếu trên, Dự án tập trung vào 2 hoạt động chính đó là hỗ trợ thiết bị y tế và đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ bác sỹ sản khoa, nữ hộ sinh…Trong công tác đào tạo, tập huấn, tính từ khi triển khai Dự án cho đến nay, 100% cán bộ phục vụ công tác chăm sóc SKSS/TSS ở các Bệnh viện đều được tham gia các lớp tập huấn do Dự án tổ chức hàng năm tại tuyến tỉnh cũng như T.Ư. Nội dung các lớp tập huấn tập trung về những vấn đề như: Phương pháp xử lý tai biến sản khoa; nâng cao trình độ khám thai; quản lý thai nghén; cấp cứu sản khoa. Với cán bộ thuộc đơn nguyên sơ sinh tham gia các lớp chăm sóc trẻ sinh non, thiếu cân, cấp cứu sơ sinh...Các lớp tập huấn được tổ chức theo hình thức vừa học lý thuyết vừa thực hành tại Bệnh viện tuyến trên nên không chỉ giúp đội ngũ cán bộ y, bác sỹ nâng cao được kinh nghiệm mà còn tiếp thu được những kỹ thuật mới trong y học để về áp dụng vào thực tế công việc. Anh Trần Việt Cường, Giám đốc Bệnh viện huyện Đồng Văn cho biết: “Trước kia, khi chưa tham gia các lớp tập huấn do Dự án tổ chức, nhiều cán bộ không biết xử trí tình huống theo phương pháp mới dẫn đến hiệu quả chăm sóc, khám chữa bệnh còn hạn chế. Được tham gia các lớp tập huấn, đội ngũ bác sỹ sản khoa, nữ hộ sinh trong Bệnh viện biết áp dụng được nhiều kỹ thuật mới như phương pháp xử trí tích cực giai đoạn 3 của cuộc chuyển dạ; phương pháp theo dõi chuyển dạ bằng máy; kỹ năng nuôi dưỡng trẻ sơ sinh non tháng…Có thể khẳng định, việc tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn của Dự án có ý nghĩa rất lớn giúp bệnh viện thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc SKSS/TSS”.


Bệnh viện 3 huyện cũng nhận được nhiều thiết bị y tế quan trọng phục vụ công tác chăm sóc SKSS/TSS cho người dân. Các thiết bị mà Dự án đã đầu tư cho các Bện viện cơ bản đáp ứng được yêu cầu cho các phòng chuyên môn như: Máy theo dõi sản khoa; bàn mổ; đèn mổ; máy tạo Ô xi; nồi hấp; đèn chiếu vàng da; bộ ủ ấm; bộ hồi sức sơ sinh; bộ dụng cụ phẫu thuật phụ khoa; máy hút nhớt; hệ thống rửa tay; máy sinh hoá cùng rất nhiều trang, thiết bị y tế khác. Tổng thiết bị y tế mà mỗi Bệnh viện nhận được được có giá trị lên đến hàng tỷ đồng. Ngoài ra, các Bệnh viện còn được đầu tư xe ô tô cứu thương, tạo điều kiện cho việc đưa đón bệnh nhân nặng cần chuyển tuyến trên. Có thể khẳng định, trong điều kiện một tỉnh nghèo, việc Dự án đầu tư các thiết bị y tế có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác chăm sóc SKSS/TSS cho người dân vùng cao. Khi có sự đầy đủ về thiết bị, các Bệnh viện đã chủ động thực hiện được những ca bệnh khó mà trước kia phải chuyển lên Bệnh viện tuyến trên…Lãnh đạo Bệnh viện huyện Xín Mần cho biết: “Các trang thiết bị mà UNFPA tài trợ cho Bệnh viện có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác chăm sóc SKSS/TSS. Trong đó nhiều thiết bị giúp Bệnh viện chủ động thực hiện được những ca bệnh khó mà trước kia khi chưa có các thiết bị y tế phải chuyển lên Bệnh viện tuyến trên, ví dụ như chữa bệnh vàng da trẻ sơ sinh; trẻ đẻ non yếu; trẻ sơ sinh bị ngạt; mổ ngoài dạ con; truyền máu; phẫu thuật u nang, u sơ tử cung; điều trị một số bệnh sản khoa thông thường…Cùng với đó, nhiều trường hợp trước kia do các thiết bị thô sơ các y, bác sỹ chỉ thực hiện khám lâm sàng, tức là khám bằng tay rồi đoán bệnh, nay có thiết bị tiên tiến bệnh nhân được khám bằng các thiết bị y tế tiên tiến nên việc chẩn đoán, khám bệnh được thực hiện tốt hơn nhiều”.

Có thể khẳng định, hoạt động của Dự án VNM7PG0001 đã triển khai giúp các Bệnh viện Yên Minh, Đồng Văn, Xín Mần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.


KHÁNH TOÀN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chuyển biến trong công tác chăm sóc SKSS/TSS ở Phố Cáo
HGĐT- Xã Phố Cáo (Đồng Văn) có 1.021 hộ,5.125 nhân khẩu đang sinh sống ở 18 thôn, bản. Trước kia, do điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp nên công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản và trẻ sơ sinh (SKSS/TSS) ở xã gặp rất nhiều khó khăn.
30/05/2011
Chuyển biến trong công tác chăm sóc SKSS/TSS ở Phố Cáo
HGĐT- Xã Phố Cáo (Đồng Văn) có 1.021 hộ,5.125 nhân khẩu đang sinh sống ở 18 thôn, bản. Trước kia, do điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp nên công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản và trẻ sơ sinh (SKSS/TSS) ở xã gặp rất nhiều khó khăn.
30/05/2011
Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện thành công ca mổ u màng não
HGĐT- Ca mổ được Thầy thuốc Ưu tú, Bác sỹ Chuyên khoa II Trương Việt Anh thực hiện cho bà Nguyễn Thị Xuân, 48 tuổi, một bệnh nhân nghèo trú tại thôn Tân Tiến, xã Phương Độ (TPHG).
27/05/2011
Tiếp nhận và triển khai Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS
HGĐT- Năm 2011 Hà Giang đã tiếp nhận và triển khai Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS.
27/05/2011