Làng “tăng dân số” ngày ấy - bây giờ
HGĐT- Ngày ấy... có lẽ đã gần chục năm trôi qua, nhưng chuyến công tác đến thôn Đầu Cầu Hai, thuộc xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, một xóm có 100% đồng bào Mông sinh sống bên dòng sông Tráng Kìm đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng khó quên.
Một xóm với 190 nóc nhà và 919 nhân khẩu, nhưng ngôi nhà nào cũng xập xệ và nhỏ con con và cùng lắm cũng chỉ đủ chỗ cho toàn bộ gia chủ nằm ngủ là cùng. Bởi nhà nào cũng rất đông người, đông đến nỗi ra vào gần như phải “dè chừng”, nếu không sẽ “tắc đường”. Rồi cũng như một thói quen, ngoài lúc ăn, lúc ngủ, mọi sinh hoạt đều ở ngoài sân, đầu nhà hay ngoài vườn, nếu trời nắng hoặc dâm thì khá hơn, còn nếu gặp hôm trời mưa thì chỉ có mỗi một việc ngồi thu lu bên bếp lửa. Có lẽ chỉ có mùa đông giá buốt, những ngôi nhà ở đây cảm thấy rộng rãi một chút. Ông trưởng thôn bảo tôi: “Này nhà báo, xóm Mông này hay lắm nhé, nghèo thế mà vẫn đẻ hăng, nhà mình là ít nhất cũng có bảy đứa con. Cũng tại đông con, cũng tại nghèo, chỉ có hai đứa nhỡ nhỡ là được đi học, những đứa lớn thì nghỉ học giúp mình làm nương, lấy cỏ dê, cỏ bò, còn hai đứa nhỏ nhất thì “tha nhau” đỡ cho mẹ nó.
Ngày ấy tôi nghe chuyện mà cũng khó tin, có lẽ chỉ có ở cái thôn Đầu Cầu Hai này, có nhà đẻ tới 17 đứa con, đứa lớn nhất 19 tuổi mà đã đi lấy chồng và có hai đứa con, đứa út mới được 5 tháng. Nhưng gia đình ấy cũng còn may, đã có 3 đứa “xuất chuồng”, vậy là nhà còn 14 đứa con cùng hai ông bà già là 16, hai vợ chồng là... 18. Một tối mùa đông không ngủ được ông bố mò dậy thắp đóm đếm mãi vẫn thấy thiếu hai đứa, mới hô hào cả nhà, rồi cả xóm đi tìm. Tìm mãi chả thấy đâu, cuối cùng thì chúng nằm vùi đầu trong đống cây ngô ở đầu nhà mà ngủ li bì. Cũng tại lúc chiều hai đứa đói quá, nằm ngủ quên luôn cho đến nửa đêm. Cũng bởi ăn mèn mén với canh rau cải hay canh tẩu chúa thì cần gì mâm, nên cứ mỗi người một bát, múc canh vào bê đâu ăn cũng được nên hai đứa không ăn và nhà quá đông người nên chẳng ai nhớ tới chúng. Thế là từ hôm ấy, nhà nào trong xóm cũng đếm người khi ăn, khi đi ngủ...
Chuyện về xóm “siêu đẻ” ngày ấy thì còn nhiều chuyện... nhưng hôm nay tôi trở lại thì khác rồi. Anh Phạm Ngọc Pha, Bí thư Đảng ủy xã đưa tôi sang thôn Đầu Cầu Hai, một cái thôn theo anh nói là “đang vươn lên mạnh mẽ”, tuy nhiên người sinh con thứ 3 thì vẫn còn, nhưng chỉ là cá biệt. Cũng chỉ cách đây khoảng 5- 6 năm, nạn tảo hôn ở thôn Đầu Cầu Hai này chiếm tới bảy tám mươi phần trăm, nhưng bây giờ đã hoàn toàn bị “xóa sổ”. Mà theo anh Pha thì đó là thành công nhất trong việc xóa nghèo bền vững.
Trong dịp cuối tháng 4. 2011, tôi đi cùng đoàn NXB Kim Đồng lên Quản Bạ, được ông Hạng Mí Xá, Trưởng thôn Đầu Cầu Hai cho biết: “Trước đây đến mình cũng không “phanh” được. Còn bây giờ thì khác rồi, nhờ có Chi bộ Đảng, có các đoàn thể, nhất là thanh niên chúng nó hăng hái lắm, không còn như trước nữa. Được cán bộ xuống tận nhà chỉ bảo, được Đảng và Nhà nước cho cái nhà, cho con bò, cho vay tiền, cho bể nước... Nhà nào cũng có cái đài nghe, cái ti vi xem, cái điện thắp sáng, trẻ con đi học gần hết nên ai cũng biết cần tránh thai thế nào, đẻ nhiều sẽ đói, sẽ không cho được con cháu đi học mà...”.
Ông Xá nói nhiều lắm, tôi hiểu đấy là niềm vui của xóm “siêu đẻ” này. Không riêng gì ông trưởng thôn mà cả xã, cả huyện, rồi cả tỉnh, nhất là cánh nhà báo chúng tôi, đã viết nhiều về dân số, đã nói nhiều về nghèo đói và cũng không ít bài báo nói về công tác dân số ở thôn Đầu Cầu Hai. Thành công từ tuyên truyền, vận động mang lại, dẫu sao cũng vui lắm chứ, một thành quả nhìn rõ nét nhất trong công tác lãnh đạo của cấp ủy và chi bộ Đảng cơ sở là cử đảng viên phụ trách từng gia đình, tuyên truyền, vận động nhân dân mà chính những cán bộ, đảng viên đó phải gương mẫu thực hiện. Rồi thành lập câu lạc bộ thanh niên không tảo hôn, không sinh con thứ ba. Nhất là việc đưa việc kế hoạch hóa gia đình, nạn tảo hôn ra bàn trong các cuộc họp thôn và coi đó là tiêu chí của gia đình văn hóa. Hiện tại thôn Đầu Cầu Hai tăng dân số tự nhiên là 2,2% con số đã được giảm xuống 15 lần so với năm 2002. Đặc biệt từ chỗ nghèo đói nhất xã, thôn Đầu Cầu Hai đã vươn lên đứng đầu về phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội. Hiện tại thôn Đầu Cầu Hai chỉ còn 4 nhà tạm nằm trong kế hoạch XNT trong năm nay và cũng là thôn có tỷ lệ nghèo thấp nhất xã là 69%/73% của toàn xã theo tiêu chí mới. Biết rằng xã Cán Tỷ có 8 thôn với 810 hộ và 4.270 nhân khẩu, 100% là dân tộc Mông.
Anh Pha, Bí thư Đảng ủy xã tâm sự: Là một xã vùng cao cũng còn nhiều khó khăn, nhất là tập tục, tập quán canh tác. Nhận thức của đồng bào đang dần dần được nâng lên, cũng mong cái tên “làng siêu đẻ” không còn nữa. Đảng bộ có những giải pháp cụ thể để xóa nghèo bền vững, đưa 30A vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất, như tăng diện tích canh tác lúa nước từ 22ha lên 35ha, đưa cây ngô giống mới, cây lúa có năng suất cao vào sản xuất, hướng dẫn bà con nuôi gà thả vườn, nuôi bò nhốt chuồng, trồng cỏ chăn nuôi... Những năm qua, Chi bộ Đảng của thôn Đầu Cầu Hai luôn được đánh giá là Chi bộ trong sạch, vững mạnh. Ban Chấp hành Đảng bộ đã có Nghị quyết xây dựng thôn thành điển hình để nhân rộng ra cho các thôn trong xã học tập. Điều đáng ghi nhận hơn cả là bốn năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” không riêng gì cán bộ, đảng viên mà đồng bào trong thôn đã có nhiều cuộc họp, nhiều cách làm để học tập Bác, như việc đưa con cháu tới trường, tích cực tham gia lao động sản xuất, bỏ một số hủ tục, phát huy nghề truyền thống như dệt thổ cẩm... Từ cách làm, cho tới cách sinh hoạt, bảo đảm an ninh trật tự, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, các đoàn thể một cách đều khắp...
Khoảng cách gần 10 năm, một thời gian không dài nhưng “làng siêu đẻ” ngày ấy và thôn Đầu Cầu Hai bây giờ đang trở thành nhân tố “đứng đầu hàng xã”.
Ý kiến bạn đọc