Hỗ trợ các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi về SKSS tại cộng đồng
HGĐT- Trong những năm qua, nhằm thay đổi hành vi về chăm sóc SKSS cho người dân vùng cao, Dự án Nâng cao chất lượng và sử dụng dịch vụ SKSS Hà Giang (VNM7PG0001) đã tập trung vào công tác tuyên truyền ở 3 huyện triển khai dự án là Yên Minh, Xín Mần, Đồng Văn.
Cô đỡ thôn bản ở thôn Chúng Pải A, xã Phố Cáo (Đồng Văn) tuyên truyền về chăm sóc SKSS cho phụ nữ có thai. |
Công tác tuyên truyền được thực hiện sâu rộng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng với sự tham gia của nhiều ngành, nhiều cấp nên đạt được kết quả cao, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người dân đối với vấn đề chăm sóc SKSS cho bản thân và cộng đồng xã hội.
Trong công tác truyền thông do Dự án triển khai thì hiệu quả nhất vẫn là các hoạt động do các tổ chức hội, đoàn thể phối hợp tổ chức thực hiện, bao gồm Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Mặt trận Tổ quốc. Nguyên nhân các tổ chức hội, đoàn thể thực hiện đạt hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền là do các đơn vị này có đông hội viên và đều thuộc mục tiêu tuyên truyền của dự án. Mặt khác, các tổ chức hội đều có cấp hội cơ sở nên hoạt động truyền thông được tổ chức thường xuyên, liên tục. Về hình thức tuyên truyền, các tổ chức hội thực hiện lồng ghép vào các buổi sinh hoạt tổ, hội hoặc lồng ghép vào hoạt động của các Nhóm SKSS/TDTK. Để công tác tuyên truyền được thực hiện đạt hiệu quả cao, các tổ chức hội đều lựa chọn người tuyên truyền là nhóm trưởng, cán bộ hội ở cơ sở. Khi được lựa chọn, đội ngũ này sẽ được tham gia các lớp tập huấn kiến thức chăm sóc SKSS cũng như kỹ năng tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân. Nhờ được tập huấn, lại biết tuyên truyền bằng tiếng địa phương nên công tác tuyên truyền thông qua đội ngũ này phát huy được hiệu quả. Chính vì vậy, từ khi triển khai cho đến nay, năm nào dự án cũng xây dựng kế hoạch và cấp kinh phí cho các tổ chức hội, đoàn thể thực hiện công tác truyền thông, đồng thời cung cấp cả phương tiện truyền thông như tài liệu, sách, băng đĩa và loa đài. Chỉ tính riêng trong năm 2010, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức được 160 buổi truyền thông tại 15 xã cho gần 5.000 người tham gia; Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức được 237 buổi truyền thông nhóm nhỏ; Hội Nông dân tổ chức được 370 buổi. Ngoài 3 tổ chức hội, đoàn thể thực hiện công tác truyền thông thường xuyên, dự án cũng đã triển khai hoạt động này thông qua hoạt động phối hợp với các đơn vị khác, Báo Hà Giang; Đài PT- TH tỉnh; Chi cục DS/KHHGĐ; Sở Giáo dục- Đào tạo. Trong đó Báo Hà Giang và Đài PT- TH tỉnh đã thực hiện nhiều chuyên mục, chương trình PT- TH đề cập đến những vấn đề về công tác chăm sóc SKSS ở cơ sở. Hàng năm, Báo Hà Giang đã cắt cử phóng viên về cơ sở thu thập tài liệu, đăng tải gần 20 chuyên mục về hiệu quả hoạt động của dự án, những mô hình do dự án đầu từ phát huy hiệu quả ở cơ sở. Với Đài PT- TH, ngoài việc xây dựng và thực hiện các chuyên mục phát sóng về đề tài này thường xuyên còn liên tục cho pháttập kịch (Khát vọng sống) có nội dung về cung cấp kiến thức trong chăm sóc SKSS/DS và phát triển cho lứa tuổi vị thành niên. Chi cục DS/KHHGĐ, Sở Giáo dục- Đào tạo cũng đã tổ chức hàng trăm buổi truyền thông do đội ngũ cộng tác viên dân số và giáo viên cắm bản thực hiện. Cùng với đó, hoạt động truyền thông do Trung tâm Văn hoá Thông tin- Thể thao các huyện Yên Minh, Xín Mần, Đồng Văn thực hiện cũng đạt được kết quả to lớn. Công tác truyền thống được thực hiện thông qua 3 đội thông tin lưu động và được tổ chức tại các phiên chợ. Việc truyền thống tại các phiên chợ được tổ chức theo hình thức vừa tổ chức biểu diễn văn nghệ, vừa tuyên truyền nên thu hút được rất đông người đến xem. Nội dung tuyên truyền được thể hiện bằng tiếng Kinh và tiếng dân tộc nên người đến xem dù không biết tiếng phổ thông vẫn có thể tiếp thu. Tuyên truyền ở chợ nên đối tượng được nghe rất phong phú, có người già, trẻ nhỏ, có nam, có nữ. Trong năm 2010, các Đội thông tin lưu động của 3 huyện đã tổ chức được 131 buổi truyền thông chăm sóc SKSS và có trên 120.000 lượt người đến nghe.
Có thể khẳng định, việc hỗ trợ cho các hoạt đông truyền thông của Dự án trong những năm qua đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi nhận thức, hành vi của người dân về chăm sóc SKSS.
Ý kiến bạn đọc