Chuyển biến trong công tác chăm sóc SKSS/TSS ở Phố Cáo
HGĐT- Xã Phố Cáo (Đồng Văn) có 1.021 hộ,5.125 nhân khẩu đang sinh sống ở 18 thôn, bản. Trước kia, do điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp nên công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản và trẻ sơ sinh (SKSS/TSS) ở xã gặp rất nhiều khó khăn.
Cán bộ Trạm Y tế xã khám sức khoẻ cho trẻ em. |
Tuy nhiên, những năm gần đây, công tác chăm sóc SKSS/TSS của xã đã có sự chuyển biến tích cực nhờ sự can thiệp có hiệu quả từ Dự án Nâng cao chất lượng và sử dụng các dịch vụ SKSS (VNM7PG0001).
Là xã biên giới với 100% số hộ là đồng bào dân tộc Mông, do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đời sống kinh tế khó khăn, nhận thức của người dân hạn chế và vẫn còn tồn tại một số hủ tục, nên những năm trước việc triển khai các hoạt động chăm sóc SKSS/TSS đến người dân rất hạn chế. Điều đó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân: Nhiều chị em trong độ tuổi sinh đẻ không đi khám phụ khoa nên mắc một số bệnh truyền nhiễn; phụ nữ mang thai không đi khám thai định kỳ, khi sinh nở không đến Trạm Y tế nên thiếu thông tin, kiến thức cần thiết trong việc chăm sóc thai nhi, chăm sóc trẻ sơ sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ cả mẹ và con... Xác định được những khó khăn trong công tác chăm sóc SKSS/TSS ở các xã vùng cao nói chung và Phố Cáo nói riêng, Dự án đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác chăm sóc SKSS, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Các hoạt động chính đó là: Truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc SKSS; hỗ trợ các thiết bị y tế cần thiết cho Tram Y tế xã; tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ y tế...
Công tác truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc SKSS được thực hiện một cách mạnh mẽ. Hoạt động này có sự tham gia của nhiều tổ chức như: Trạm Y tế xã; cộng tác viên dân số; cán bộ Hội Phụ nữ, Hội Nông dân...Đội ngũ này được tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ nhận thức, kỹ năng về chăm sóc SKSS do Dự án tổ chức. Phương pháp truyền thông cũng được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, trong đó hình thức được ưu tiên đó là lồng ghép tuyên truyền về chăm sóc SKSS với các buổi sinh hoạt tổ, hội, thôn bản. Điểm đặc biệt đó là Phố Cáo có chợ phiên, nơi thu hút rất đông người dân đến trao đổi hàng hoá. Bà con trên địa bàn xã khi xuống chợ cũng được tuyên truyền về chăm sóc SKSS thông qua các buổi văn nghệ chợ do Trung tâm Văn hoá huyện tổ chức. Nhờ đẩy mạnh công tác truyền thông nên người dân trong xã nâng cao được kiến thức về chăm sóc SKSS từ đó thay đổi và tự nguyện sử dụng các gói dịch vụ chăm sóc SKSS do ngành Y tế triển khai. Mấy năm gần đây, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đến Trạm Y tế khám phụ khoa định kỳ nhằm phát hiện, điều trị các bệnh phụ khoa ngày một tăng. Nhiều chị em khi mang thai đã biết đi khám thai định kỳ tại Trạm Y tế xã nên biết cách chăm sóc thai nhi tốt hơn. Tập quán sinh nở tại nhà dần thay đổi, số ca sinh tại Trạm y tế hoặc có cán bộ y tế đỡ đẻ ngày một tăng. Nhiều cặp vợ chồng đã biết áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại...
Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc SKSS/TSS cho xã, Dự án cũng quan tâm đến việc hỗ trợ thiết bị y tế và đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ. Nhờ sự quan tâm đó, hiện nay Trạm Y tế xã đã có đầy đủ các trang, thiết bị y tế cho một phòng đẻ, phòng khám phụ khoa, đặt vòng; phòng tư vấn...Các thiết bị này giúp cho Trạm Y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, góp phần giảm gánh nặng cho tuyến trên. Hàng năm, Dự án cũng quan tâm cung cấp cho Trạm nhiều gói dịch vụ cho công tác chăm sóc SKSS như bao cao su, túi đẻ sạch...Đội ngũ cán bộ y tế xã được tham gia nhiều lớp tập huấn về chăm sóc SKSS/TSS do Dự án tổ chức. Từ năm 2006 đến nay, 100% cán bộ y tế xã được tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ về chăm sóc SKSS/TSS. Thông qua các lớp tập huấn, mỗi cán bộ y tế tiếp thu được nhiều kiến thức mới, nâng cao được kỹ năng chuyên môn để áp dụng vào thực tế công việc của mình. Chị Phan Thị Huyền, Nữ hộ sinh Trạm Y tế xã cho biết: “Tôi được tham gia một số lớp tập huấn về nghiệp vụ quản lý thai nghén, chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh do Dự án tổ chức. Được những y, bác sỹ ở tuyến trên hướng dẫn lại được tham gia thực tế đã giúp tôi nắm bắt được nhiều kiến thức mới và kỹ năng thực tế hơn. Qua đó giúp tôi thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn của mình...”. Cùng với đó, Dự án cũng tổ chưc đào tạo nghiệp vụ cho các bà đỡ vườn bởi do tập quán của người dân nên tỷ lệ phụ nữ sinh đẻ tại nhà vẫn còn cao. Một trong những điểm nhấn đó là xã có 4 cô đỡ thôn bản được cử đi học lớp đào tạo cô đỡ thôn bản 1 năm do tỉnh tổ chức và đã tốt nghiệp năm 2009, hiện nay đang có 2 cô đỡ đang được tham gia lớp đào tạo cô đỡ khoá 2. Có thể khẳng định, đội ngũ cô đỡ thôn, bản ở xã sau khi tham gia lớp đào tạo trở về xã thực sự phát huy được hiệu quả công việc. Chị Mai Thị Loan, cán bộ quản lý Trạm Y tế xã cho biết: “Trên địa bàn xã 100% số hộ là đồng bào dân tộc, trình độ nhận thức thấp nên việc tuyên truyền, vận động chị em chăm sóc SKSS/TSS gặp nhiều khó khăn, khó khăn hơn nữa là số cán bộ Trạm Y tế đều không biết tiếng địa phương nên công tác tuyên truyền không đạt hiệu quả. Do đó, việc Dự án đào tạo và duy trì hoạt động của cô đỡ thôn bản có ý nghĩa rất lớn bởi đội ngũ này là người địa phương, gần gũi với bà con nên dễ dàng tiếp cận và thực hiện các kỹ năng chăm sóc SKSS/TSS...”.
Có thể khẳng định, công tác chăm sóc SKSS/TSS ở Phố Cáo trong những năm gần đây có sự chuyển biến tích cực, sự chuyển biến đó có sự tác động không nhỏ từ các hoạt động do Dự án Chăm sóc SKSS triển khai, thực hiện.
Ý kiến bạn đọc