Mối nguy hiểm của thực phẩm không an toàn
HGĐT - Thực phẩm không chỉ là nguồn cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng cho con người phát trỉên, duy trì sự sống và lao động, mà còn có thể là nguồn tạo ra ngộ độc cho con người nếu như ta không tuân thủ những biện pháp vệ sinh thực phẩm hữu hiệu.
Ngộ độc thực phẩm (NĐTP) dùng để chỉ tất cả các bệnh gây ra bởi mầm bệnh có trong thực phẩm. NĐTP là các biểu hiện bệnh lý xuất hiện sau khi ăn uống. Các nguyên nhân có thể được chia thành 3 nhóm: Thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật và các sản phẩm của vi sinh vật; Thực phẩm nhiễm các hoá chất; Bản thân thực phẩm có chứa các chất độc.
Biểu hiện NĐTP chia làm 2 loại: Cấp tính và mãn tính. Loại cấp tính thường xảy ra sau khi ăn vài phút đến vài giờ, với các triệu chứng như: Buồn nôn, ối mửa, hay đau bụng, tiêu chảy, triệu chứng chính này có kèm theo triệu chứng phụ hoặc không như nhức đầu, chóng mặt, hoặc nặng hơn như khó nuốt, khó thở, choáng, hôn mê. Triệu chứng NĐTP mãn tính thường do chất độc tích tụ dần trong cơ thể trong vài năm như tổn thương hệ thần kinh, ung thư cơ quan nội tạng, hoặc là sỏi thận.
Bộ Y tế quy định 10 nhóm hàng thực phẩm có nguy cơ cao, gồm: Thực phẩm đông lạnh; các loại kem, nước đá, nước khoáng thiên nhiên; các loại rau quả tươi sống; thủy sản tươi sống và chế biến; phụ gia thực phẩm; sữa và các sản phẩm từ sữa; sữa đậu nành và sản phẩm chế biến từ đậu nành; thực phẩm chức năng,thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; thực phẩm bổ sung, phụ gia thực phẩm; thức ăn, đồ uống chế biến để ăn ngay.
Ngày nay khi thức ăn ngày càng phong phú, và tác nhân gây độc nằm trong thức ăn cũng càng phong phú hơn, vì vậy chẩn đoán ngộ độc thực phẩm trở nên khó khăn phức tạp nhất là trong việc chẩn đoán tác nhân gây ngộ độc. Việc xét nghiệm để xác định tác nhân gây độc thường rất tốn kém và khó khăn, chưa kể có những xét nghiệm phải nhờ đến các phòng xét nghiệm hiện đại của nước ngoài. Trong khi chẩn đoán và điều trị ngộ độc không những cần chính xác mà lại đòi hỏi nhanh chóng khẩn trương để kịp thời áp dụng các biện pháp cứu chữa.
Xác định được mối nguy hiểm đó, “Tháng hành động vì chất lượng, VSATTP năm 2011” với chủ đề “Sản xuất-Kinh doanh-Sử dụng thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm” diễn ra từ 15. 4 đến 15. 5 trên phạm vi cả nước, nhằm huy động toàn thể nhân dân, các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý tham gia vào việc phổ biến, tuyên truyền Luật An toàn thực phẩm; các văn bản quy phạm pháp luật về VSATTP của Chính phủ, Bộ Y tế, các Bộ, ngành và UBND các cấp; cung cấp các kiến thức khoa học trong việc sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn.
Ý kiến bạn đọc