Người dân không nên hoang mang về thực phẩm nhiễm xạ
Theo ông Nguyễn Công Khẩn, từ khi có sự cố ở Nhật Bản, Bộ Y tế, Bộ Khoa học - Công nghệ, và các đơn vị liên quan đều cập nhật thông tin và nhiều lần bàn bạc về các biện pháp sẵn sàng ứng phó, dựa trên cơ sở khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)...
Trao đổi với phóng viên báo SK&ĐS ngày 25/3, ông Nguyễn Công Khẩn –Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế nhấn mạnh: các cơ quan quản lý liên quan đến an toàn thực phẩm ở Việt Nam đang rất tích cực phối hợp với nhau hằng ngày để cập nhật và giải quyết vấn đề này nhằm thông tin kịp thời cho người dân, vì vậy người dân không nên quá lo lắng.
4 phòng thí nghiệm có đủ năng lực kiểm nghiệm và phát hiện thực phẩm nhiễm xạ
Trao đổi với phóng viên báo SK&ÐS chiều ngày 25/3, ông Ngô Ðặng Nhân- Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết, do sự thay đổi của thời tiết, hướng gió và khí tượng nên đám mây phóng xạ chưa vào lãnh thổ Việt Nam. Cục An toàn bức xạ và hạt nhân luôn bám sát thông tin và cập nhật về vấn đề này để kịp thời có hướng xử lý. |
Theo ông Nguyễn Công Khẩn, từ khi có sự cố ở Nhật Bản, Bộ Y tế, Bộ Khoa học - Công nghệ, và các đơn vị liên quan đều cập nhật thông tin và nhiều lần bàn bạc về các biện pháp sẵn sàng ứng phó, dựa trên cơ sở khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Đại sứ quán Nhật Bản. Về kỹ thuật, 4 phòng thí nghiệm hạt nhân của Bộ Khoa học và công nghệ có đủ năng lực để kiểm nghiệm và phát hiện thực phẩm nhiễm xạ, đó là Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học - công nghệ), Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân Hà Nội, Trung tâm Hạt nhân TP.HCM. Bốn phòng thí nghiệm này bất cứ lúc nào cũng có thể xét nghiệm thực phẩm.
Sản phẩm nhập khẩu từ Nhật vào Việt Nam chủ yếu là thịt gia súc gia cầm, sữa, rau củ quả… các loại thủy hải sản rất hạn chế nên việc kiểm soát của cơ quan chức năng không khó. Để đảm bảo sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, bắt đầu từ ngày 24/3, Cục ATVSTP đã đề nghị các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thực phẩm và sản phẩm thực phẩm từ Nhật Bản vào Việt Nam (đối với các lô hàng thực phẩm sản xuất sau ngày 11/3) phải xuất trình giấy Chứng nhận an toàn phóng xạ do cơ quan quản lý có thẩm quyền tại Nhật Bản cấp. Đối với mặt hàng có xuất xứ từ Nhật Bản có mặt trên thị trường, các cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên để kiểm tra khả năng nhiễm xạ và sẽ cho kết quả trong thời gian sớm nhất.
Các thực phẩm nhập khẩu đã được kiểm soát chặt chẽ. Ảnh: ĐA
|
Chưa phát hiện bất thường nguy hại
Ông Nguyễn Công Khẩn cho biết, các thông tin từ Nhật Bản cũng như WHO cho thấy, về cơ bản mức độ nhiễm xạ của thực phẩm ở Nhật Bản đã được kiểm soát, chỉ có một số rau tại chỗ có khuyến nghị không nên ăn. Tuy nhiên, các loại thực phẩm này mới nhiễm một lượng rất nhỏ chưa đủ để gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Ông Khẩn cũng cho biết thêm, việc kiểm soát thực phẩm nhiễm xạ của Nhật Bản được thực hiện vô cùng nghiêm túc và ngặt nghèo. Chính phủ Nhật Bản cũng không ngần ngại công khai tất cả các sản phẩm nhiễm xạ. Vì vậy, người dân hoàn toàn có thể yên tâm, nếu có thông tin thực phẩm nào nhiễm xạ sẽ được cảnh báo ngay.
Riêng thực phẩm chế biến xuất khẩu về Việt Nam hiện chưa phát hiện thấy bất thường nguy hại. Cục ATVSTTP cũng cho biết, phía Nhật Bản cam kết hợp tác và đề nghị thông báo nếu phía Việt Nam phát hiện thực phẩm nhiễm xạ từ Nhật Bản. “Chúng tôi không chỉ liên tục theo dõi kiểm tra mà còn chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe của người dân. Vì vậy, người dân không nên hoang mang vì Việt Nam hoàn toàn có đủ lực lượng để kiểm soát chặt chẽ việc này” - Ông Nguyễn Công Khẩn nhấn mạnh.
Ý kiến bạn đọc