Vươn lên hòa nhập với sự phát triển của nền Y học nước nhà
HGĐT- Cùng với sự trưởng thành của nền y học nước nhà, ngành Y tế Hà Giang đã không ngừng vượt qua nhiều khó khăn, vươn lên đạt được những thành tựu cơ bản và bền vững trên nhiều mặt. Từ đó, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 56 năm, ngày truyền thống của ngành Y tế Việt Nam, phóng viên Báo Hà Giang có cuộc trao đổi, phỏng vấn đối với người đứng đầu ngành Y tế tỉnh nhà, Thầy thuốc Nhân dân (TTND), bác sỹ Chuyên khoa II Trần Đức Quý.
PV. Xin đồng chí Giám đốc cho biết một số thành tựu mà ngành Y tế Hà Giang đạt được trong thời gian qua?
Với sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ của tỉnh trong những năm qua, cùng với sự nỗ lực vươn lên của toàn ngành, giúp cho mạng lưới y tế cơ sở ngày càng được củng cố và kiện toàn. Đến nay, toàn ngành có 3.674 cán bộ y tế, trong đó có 468 bác sỹ, trung bình có 6,39 bác sỹ/10.000 dân, 0,57 dược sỹ đại học/10.000 dân. Cơ sở khám, chữa bệnh đạt 3,5 điều dưỡng/1 bác sỹ; có 5,49 cán bộ/1trạm y tế, 100% trạm y tế xã, PKĐKKV có nữ hộ sinh trung học hoặc y sỹ sản nhi; 1.977/2.047 thôn bản có nhân viên y tế thôn bản hoạt động đạt 96,58%. Có 144/195 xã (trạm y tế + phòng khám ĐKKV) có bác sỹ công tác đạt 73,85%...
Năm 2010, ngành Y tế Hà Giang tiếp tục được đầu tưxây dựng, nâng cấp các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện bằng nhiều nguồn vốn hỗ trợ của T.Ư và của tỉnh như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh quy mô 500 giường bệnh; Bệnh viện chuyên khoa Lao và bệnh phổi; Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh; Bệnh viện Điều dưỡng và PHCN, quy mô mỗi bệnh viện 100 giường bệnh. 11/11 bệnh viện tuyến huyện được đầu tư xây dựng và nâng quy mô giường bệnh; 03/11 trung tâm y tế huyện, thành phố đang được đầu tư xây dựng mới; có 179/195 trạm y tế/phòng khám đa khoa khu vực được xây dựng kiên cố 2 tầng (đạt 91,79%). Hiện đã có có 185/195 xã đạt Chuẩn Quốc gia về y tế, đạt tỷ lệ 94,87%. Cùng với đó, các cơ sở y tế từng bước được cung cấp các trang thiết bị y tế hiện đại, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Hệ thống cung cấp các dịch vụ y tế đã được mở rộng, với sự tham gia của mạng lưới ngày càng đa dạng và phong phú. Các cơ sở y tế tư nhân phát triển và đã có 97 cơ sở hành nghề y tếtư nhân; 39 cơ sở y học cổ truyền. Công tác cung ứng thuốc chữa bệnh được đảm bảo, sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả. Việc củng cố và kiện toàn hệ thống quản lý dược từ tỉnh đến xã được làm tốt. Đến nay toàn tỉnh có 08 Công ty Dược tại tỉnh tham gia cung ứng thuốc và có 52 đại lý, 35 quầy thuốc, 20 tủ thuốc trạm y tế xã, 37 nhà thuốc tư nhân, 01 cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế.
Lĩnh vực Y tế Dự phòng cũng đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh. Thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế quốc gia. Công tác khám, chữa bệnh đã có những tiến bộ rõ rệt, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh tại các cơ sở y tế từng bước được nâng cao. Ngành cũng tổ chức, phối hợp với các ngành chức năng thực hiện tốt Bảo hiểm Y tế cho các đối tượng chính sách và Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi ở tất cả các tuyến nhằm đảm bảo công bằng xã hội trong chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.
Công tác bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hoá gia đình đã có nhiều chuyển biến tích cực thông qua việc triển khai các chương trình chăm sóc sản khoa thiết yếu, làm mẹ an toàn. Tỷ lệ bà mẹ sau đẻ có cán bộ y tế chăm sóc đạt ở mức cao 87,28%. Số người áp dụng các biện pháp tránh thai đạt 108,51% kế hoạch. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên năm 2010 là 1,43%, đạt chỉ tiêu kế hoạch giao...
Thành tích mà cán bộ, nhân viên ngành Y tế Hà Giang đạt được trong những năm qua nói chung và năm 2010 nói riêng, được Đảng bộ tỉnh, Bộ Y tế, nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Qua đó, năm 2010 toàn ngành có 01 cá nhân được phong tặng danh hiệu TTND, 05 cá nhân được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú, 23 tập thể đạt danh hiệu tập thể Lao động Xuất sắc, 23 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, 392 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở. Nhiều cá nhân, tập thể được đề nghị các cấp từ tỉnh đến T.Ư khen tặng các danh hiệu cao quý.
PV. Xin đồng chí cho biết một số kết quả nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học vào nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân của ngành Y Hà Giang thời gian qua?
- TTNDTrần Đức Quý:
Có thể nói, công tác khám, chữa bệnh của Hà Giang thời gian qua đã có những tiến bộ vượt bậc. Kết quả đó xuất phát từ việc ngành đã triển khai nhiều nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong khám và điều trị cho bệnh nhân, điều mà nhiều tỉnh miền núi phía Bắc chưa triển khai được. Tiêu biểu như việc nghiên cứu và ứng dụng thành công các đề tài khoa học, các phương pháp kỹ thuật mới tại tỉnh ta như: Phẫu thuật nội soi, đục thủy tinh thể bằng phương pháp Pha – cô, nội soi phế quản, nội soi tán sỏi tiết niệu...
Từ sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước về các thiết bị y tế hiện đại,cùng sự nỗ lực học hỏi và vươn lên của đội ngũ y bác sỹ, đến nay chúng ta có thể điều trị được nhiều ca bệnh mà trước đây thường phải chuyển lên tuyến trên như: Laser nội mạch; tán sỏi bàng quang niệu đạo bằng nội soi; điều trị cắt trĩ bằng phương pháp Longgow; Điều trị K đại tràng bằng hóa chất; phẫu thuật tạo lệ quản, nối thông lệ mũi; siêu âm mạch; chụp gan 3 pha; xét nghiệm nội tiết, xét nghiệm khí máu...
Đặc biệt, trong công tác phòng, chống bệnh mù lòa, là một tỉnh hết sức khó khăn, nhưng chúng ta đã triển khai kỹ thuật mổ Pha - co tới cộng đồng, được Hội nhãn khoa Việt
PV. Xin đồng chí cho biết một số định hướng hoạt động của ngành trong thời gian tới ?
- TTND Trần Đức Quý:
Năm 2011 là năm bản lề để chúng ta bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, ngành Y tế cả nước nói chung, Y tế tỉnh Hà Giang nói riêng cũng còn gặp không ít những khó khăn và thách thức. Trong khi đó, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân ngày càng đòi hỏi ở mức độ cao hơn. Từ đó, ngành Y tế Hà Giang xác định, cần thực hiện tốt các nhiệm vụ, định hướng trọng tâm là:
Tập trung kiện toàn mạng lưới y tế các tuyến từ thôn bản đến tuyến tỉnh; đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng đến đào tạo các chuyên khoa theo hướng chuyên sâu, phát hiện các bệnh chuyên khoa; đầu tư, sử dụng hiệu quả trang thiết bị hiện đại gắn với Đề án 1816 luôn phiên cán bộ tuyến trên về tuyến dưới; nghiên cứu khoa học, ứng dụng những tiến bộ khoa học trong công tác phòng bệnh cũng như chữa bệnh; triển khai những kỹ thuật mới tới các bệnh viện đa khoa khu vực; phát động các phong trào thi đua, học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ, “lương y như từ mẫu”, xây dựng nền y học, khoa học dân tộc, đại chúng.
PV. Xin chân trọng cảm ơn đồng chí!
Ý kiến bạn đọc