Ứng dụng kỹ thuật pha cô - bước tiến mới trong phẫu thuật đục TTT
HGĐT- Năm 2008, trên địa bàn tỉnh ta bắt đầu có những trường hợp bệnh nhân bị đục thủy tinh thể (TTT) đầu tiên được tiếp cận với kỹ thuật Pha cô. Kỹ thuật Pha cô không phải mới xuất hiện, cũng không phải mới được áp dụng trong ngành Y học nhưng đây là lần đầu tiên được ứng dụng vào điều trị bệnh đục TTT tại Bệnh viện Đa khoa Hà Giang.
Nhằm đưa những thành tựu của nền y học về địa phương, trong đó có việc ứng dụng kỹ thuật Pha cô trong phẫu thuật đục TTT, năm 2008, Thầy thuốc Nhân dân Trần Đức Quý cùng các bác sỹ chuyên ngành mắt đã thực hiện Đề tài khoa học “Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng kỹ thuật Pha cô tại Bệnh viện Đa khoa Hà Giang”. Đối tượng áp dụng nghiên cứu là những bệnh nhân bị đục TTT, được chỉ định mổ tán nhuyễn thủy tinh thể với độ tuổi từ 40 trở lên.
Theo Thầy thuốc Nhân dân Trần Đức Quý, Giám đốc Sở Y tế, Chủ nhiệm đề tài khoa học: Pha cô là một kỹ thuật can thiệp được Bác sỹ Charles Kelman giới thiệu vào những năm 1960. Với kỹ thuật này, việc tán nhuyễn và lấy TTT ra ngoài bao qua đường mổ nhỏ từ 2,5-3mm, không cần khâu, ít chảy máu, vết mổ nhanh liền, ít xẹp tiền phòng, thị lực hồi phục nhanh, thời gian lưu lại bệnh viện ngắn, bệnh nhân có thể xuất viện trong khoảng 6-12 giờ sau khi mổ. Sự ra đời của phẫu thuật Pha cô đã thể hiện ưu điểm tuyệt đối và thay thế các kỹ thuật khác đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới và nó nhanh chóng được phổ biến trong phẫu thuật lấy TTT đục, đặt TTT nhân tạo trong bao. Kỹ thuật Pha cô được ứng dụng trong ngành Y học đã mở ra một trang mới cho việc điều trị đục TTT, góp phần mang lại cuộc sống bình thường cho hàng triệu người. Với những tiến bộ vượt trội của kỹ thuật Pha cô, từ năm 1995, Bệnh viện Mắt T.Ư, Bệnh viện Mắt Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số trung tâm mắt ở những thành phố lớn đã áp dụng thành công phương pháp tán nhuyễn thể thủy tinh, đặt TTT nhân tạo. Thời gian đầu, các trường hợp được ứng dụng kỹ thuật này là những ca đơn giản như đục TTT tuổi già, nhân cứng vừa, không có các bệnh về mắt kèm theo. Sau đó, đối tượng áp dụng được mở rộng đến những trường hợp phức tạp hơn như đục TTT căng phồng, quá chín hay đục TTT trên mắt viêm màng bồ đào.
Ứng dụng kỹ thuật Pha cô trong điều trị đục TTT trên địa bàn tỉnh, năm 2008, Bệnh viện Đa khoa Hà Giang đã chọn 105 bệnh nhân có độ tuổi từ 40 trở lên để tiến hành nghiên cứu. Về lý thuyết, TTT là một thấu kính trong suốt 2 mặt lồi, đảm nhiệm khoảng 20 đi ốp trong tổng công suất khúc xạ hội tụ của mắt, nó là một bộ phận của mắt không mạch máu, không có các dây thần kinh và bạch huyết. Nguồn dinh dưỡng cung cấp cho TTT nhờ vào sự thẩm thấu qua mang bọc, do vậy các quá trình chuyển hóa ở đây rất dễ bị rối loạn và gây nên đục TTT. Ứng dụng kỹ thuật Pha cô trong điều trị đục TTT là sử dụng máy Pha cô phát ra sóng hình Sin, có tần số lớn, sóng truyền đến bộ phận chuyển đổi nằm trong tay cầm máy Pha cô và chuyển động theo chiều dọc của đầu típ, tạo thành tác dụng cơ học. Tốc độ dao động đầu típ đạt sức mạnh làm nát nhuyễn thể phần nhân TTT tiếp xúc với đầu típ và được hút ra ngoài bằng hệ thống hút song hành. Qua theo dõi, 105 bệnh nhân được chọn ứng dụng kỹ thuật Pha cô, sau mổ 1 tháng, gần 95% bệnh nhân đạt thị lực từ 6-8/10; chỉ có gần 2,2% bệnh nhân có biến chứng nhẹ sau mổ.
Từ những kết quả nghiên cứu ban đầu, đến nay kỹ thuật Pha cô được ứng dụng rộng trong ngành Y học Hà Giang. Mỗi năm, có hàng trăm trường hợp bệnh nhân bị đục TTT được phẫu thuật bằng kỹ thuật Pha cô. Kết quả này đã góp phần tích cực vào nhiệm vụ giải phóng mù lòa của Quốc gia.
Ý kiến bạn đọc