Mô hình chuyển tuyến dựa vào cộng đồng ở Nàn Ma, Bản Ngò (Xín Mần)
HGĐT- Các tai biến khi mang thai và sinh đẻ xảy ra do 3 nguyên nhân chính đó là: Việc nhận biết dấu hiệu để đưa ra quyết định xử trí chậm; bệnh nhân chậm tiếp cận với dịch vụ y tế; khi đến các cơ sở y tế chậm nhận quyết định xử trí đúng.
Trên địa bàn tỉnh ta, các ca tại biến khi mang thai, khi sinh tập trung chính ở hai nguyên nhân đầu. Đó là do trình độ dân trí của người dân các xã vùng cao còn thấp, kiến thức về chăm sóc SKSS không nhiều. Cùng với đó, do người dân có tư tưởng lạc hậu, chủ quan nên việc nhận biết các dấu hiệu tai biến chậm. Mặt khác, do điều kiện đường sá xa xôi nên việc đưa người bệnh đến các trung tâm y tế rất khó khăn. Trước thực trạng trên, từ cuối năm 2009, Dự án Nâng cao chất lượng và sử dụng dịch vụ chăm sóc SKSS tỉnh Hà Giang đã thực hiện mô hình “Chuyển tuyến dựa vào cộng đồng” nhằm từng bước tác động thay đổi hành vi của người dân trong việc chăm sóc SKSS nói chung, giải quyết vấn tai biến khi sinh, khi mang thai ở cơ sở nói riêng.
Mô hình “Chuyển tuyến dựa vào cộng đồng” được thực hiện ở 2 xã Nàn Ma và Bản Ngò (Xín Mần), đây là 2 xã có tỷ lệ chị em phụ nữ sinh đẻ tại cơ sở y tế thấp, những năm trước đã có những trường hợp tái biến sau khi sinh và khi mang thai. Tại các xã, Dự án chọn những thôn sâu, xa để thành lập các đội chuyển tuyến, trong đó xã Bản Ngò có 10 đội, xã Nàn Ma có 5 đội, bình quân mỗi đội có từ 6 đến 7 người, bao gồm trưởng thôn, cán bộ y tế thôn, bản, trưởng các tổ chức hội, đoàn thể. Nhiệm vụ của đội chuyển tuyến là thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân nắm được nội dung về chăm sóc SKSS. Cùng với đó, đội chuyển tuyến cũng thực hiện nhiệm vụ vận động chị em có thai đi khám thai định kỳ, phát hiện những trường hợp có dấu hiệu tai biến khi mang thai, tai biến khi sinh, phối hợp với gi đình đưa người bệnh đến các cơ sở Y tế kịp thời.
Sau khi thành lập các đội chuyển tuyến, Dự án tổ chức cho các thành viên trong đội được tập huấn kiến thức chăm sóc SKSS, nội dung trọng tâm là những kiến thức về làm mẹ an toàn, nhận biết các dấu hiệu tai biến từ quá trình mang thai cho đến khi thai phụ chuyển dạ, đẻ và sau đẻ; những kiến thức cơ bản trong việc vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế. Đi đôi với việc tập huấn kiến thức, Dự án cũng quan tâm đầu tư thiết bị cho các đội thực hiện nhiệm vụ như hỗ trợ cáng, võng, áo mưa, ủng, đèn pin cùng một số thiết bị y tế khác. Đồng thời cấp kinh phí cho các đội duy trì hoạt động tại cơ sở. Trên cơ sở kiến thức được tập huấn, được cấp kinh phí hoạt động nên các đội chuyuển tuyến ở cả 2 xã đã hoạt động tích cực, thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông tại cơ sở, thường xuyên đến thăm các hộ gia đình có chị em mang thái để kịp thời phát hiện dấu hiệu tái biến. Từ khi các đội chuyển tuyến dựa vào cộng đồng đi vào hoạt động, tỷ lệ chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở Nàn Ma, Bản Ngò đã biết đến cơ sở y tế để khám và điều trị các bệnh phụ khoa tăng cao; tỷ lệ chị em khi sinh đến cơ sở y tế cũng tăng lên; đặc biệt, không có trường hợp nào bị mắc tai biến sản khoa khi sinh và khi mang thai. Riêng đối với các đội chuyển tuyến ở 2 xã, ngoài việc truyền thông nâng cao kiến thức SKSS cho người dân còn trực tiếp phát hiện và cùng phối hợp với gia đình bệnh nhân đưa trên 30 trường hợp đẻ khó chuyển tuyến.
Mô hình chuyển tuyến dựa vào cộng động thực sự đã tác động trực tiếp đến hành vi đẻ tại nhà trước đâu của người dân các xóm, tác động đến ý thức, thuyết phục được chị em đến đẻ tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện và kiến thức giúp thực hiện ca đẻ an toàn.
Ý kiến bạn đọc