Tỷ lệ sinh con thứ 3 trong đồng bào các dân tộc thiểu số còn cao
HGĐT- Theo báo cáo của Chi cục Dân số tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2010, toàn tỉnh có 7.054 trẻ được sinh ra, tăng 68 trẻ so với cùng kỳ, trong đó số sinh là con thứ 3 trở lên là 1.017 trẻ.
Đồng chí Hoàng Thị Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi Cục trưởng Chi cục Dân số cho biết: Hoạt động trên địa bàn tỉnh miền núi, đường sá đi lại khó khăn, trình độ dân trí của bà con các dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế, phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn duy trì ở nhiều nơi. Song thời gian qua, Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ các cấp đã tích cực tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền lãnh đạo thực hiện công tác DS-KHHGĐ đạt hiệu quả. Trong 6 tháng đầu năm, Chi cục đã triển khai chiến dịch tại 78/95 xa, đạt 82,1% kế hoạch chiến dịch; tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai mới đạt 89,3% kế hoạch năm, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2009. Việc cung cấp đầy đủ các phương tiện tránh thai và đáp ứng kịp thời dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản-KHHGĐ có chất lượng; các hình thức truyền thông đã tác động nhiều đến đối tượng chuyển đổi hành vi có lợi. Hơn nữa hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành được củng cố và nâng cấp từ MIS 2008H lên MIS 2009H.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong thời gian qua một số địa phương chưa kiện toàn được Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ. Cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ và cộng tác viên ở một số cơ sở còn chưa nhiệt tình, tâm huyết với công tác dân số do chưa được tuyển dụng vào viên chức y tế xã và chế độ thù lao quá thấp. Đặc biệt, ở một số xã vùng sâu, xa trong tỉnh năng lực, kiến thức, kỹ năng cán bộ các cấp còn hạn chế chưa đáp ứng được so với yêu cầu nhiệm vụ được giao; một số tập tục lạc hậu vẫn còn tồn tại trong hành vi sinh đẻ đông con nhiều cháu, sinh bằng được con trai để nối dõi tông đường... Chính vì vậy, tỷ lệ sinh con thứ 3 trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở các huyện vùng cao còn rất cao. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2010, huyện Mèo Vạc có 708 trẻ được sinh ra, trong đó có 202 trẻ là con thứ 3, chiếm 28,5%; huyện Yên Minh có 909 trẻ được sinh ra, trong đó có 238 trẻ là con thứ 3, chiếm 26,2%; huyện Quản Bạ có 573 trẻ được sinh ra, trong đó có 133 trẻ là con thứ 3, chiếm 23,2%; huyện Xín Mần có 770 trẻ được sinh ra, trong đó có 131 trẻ là con thứ 3, chiếm 17%; huyện Đồng Văn có 693 trẻ được sinh ra, trong đó có 106 trẻ là con thứ 3, chiếm 15,3%. Các huyện, thị vùng thấp của tỉnh tỷ lệ sinh con thứ 3 vẫn còn xảy ra, TXHG là đơn vị có tỷ lệ sinh con thứ 3 thấp nhất tỉnh có 7 trường hợp, chiếm 2,6%.
Để thực hiện có hiệu quả công tác DS-KHHGĐ, hạn chế thấp nhất tỷ lệ sinh con thứ 3 trong đồng bào các dân tộc thiểu số, trong những tháng cuối năm 2010, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh sẽ tập trung các đợt cao điểm tuyên truyền, vận động lồng ghép đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản-KHHGĐ đến các xã có mức sinh cao, xã vùng khó khăn; mở nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức năng lực quản lý nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng truyền thông cho cán bộ chuyên trách, cộng tác viên DS-KHHGĐ ở các xã; hoàn thiện việc đưa bổ sung chính sách DS-KHHGĐ vào quy ước, hương ước của bản làng tại các xã trong tỉnh; cung cấp đầy đủ, kịp thời thuốc thiết yếu, vật liệu tiêu hao, các phương tiện tránh thai, đảm bảo nhu cầu sử dụng, thực hiện các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ của đối tượng; triển khai các hoạt động của mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống thực hiện tại các huyện... Đặc biệt, để hạn chế tình trạng sinh con thứ 3, bên cạnh sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ DS-KHHGĐ, cũng cần có sự quan tâm đúng mức hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác DS-KHHGĐ. Có như vậy mới góp phần phát triển KT-XH, phấn đấu hạ tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn 1,42% năm 2010 theo kế hoạch của tỉnh đã đề ra.
Ý kiến bạn đọc