Hiệu quả của Dự án UNFPA trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua
HGĐT- Trong những năm qua, nhiều hoạt động trong công tác CSSKBMTE được triển khai cơ bản đã đạt được các chỉ tiêu kinh tế – xã hội của tỉnh đề ra. Bên cạnh sự hỗ trợ của T.Ư, tỉnh ta còn nhận được hỗ trợ của tổ chức UNFPA (Liên Hợp Quốc) nhằm mục tiêu “cải thiện chất lượng sử dụng thông tin và dịch vụ sức khoẻ sinh sản nhạy cảm về giới, trong đó có sức khoẻ tình dục và kế hoạch hoá gia đình cho người dân tộc trong tỉnh, đặc biệt là vị thành niên, thanh niên, người dân tộc thiểu số và người di cư.
Cô đỡ thôn bản tại xã Chí Cà (Xín Mần) khám thai định kỳ cho sản phụ.
|
Qua khảo sát, hiện nay trên địa bàn tỉnh ta có 205 cở sở y tế, trong đó có 03 bệnh viện tuyến tỉnh, 10 bệnh viện huyện, 21 phòng khám đa khoa khu vực và 175 trung tâm y tế xã. Toàn tỉnh có 316 bác sĩ được đào tạo thuộc các chuyên khoa khác nhau, 236 hộ sinh từ cấp trung học trở lên, 1.749 cán bộ y tế. Do đặc thù tỉnh ta đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chiếm tới 88,05%, nên nhận thức về SKSS còn rất nhiều hạn chế. Do vậy công tác CSSKBMTE khi thực thi tại tỉnh ta gặp không ít những khó khăn và thử thách, nhất là trong khâu đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng các mô hình Dự án về CSSKSS. Nhằm củng cố và tăng cường chất lượng trong khâu chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho đồng bào dân tộc thiểu số, thông qua Quỹ đầu tư của Liên Hợp Quốc và Bộ Y tế, từ năm 1997 tỉnh ta đã nhận được hỗ trợ của Dự án UNFPA (VNM7PG0001) với trọng tâm là UNFPA sẽ hỗ trợ các huyện nghèo trong hai chu kỳ (1997 – 2001 và 2002 – 2005) với mục tiêu: Nâng cao chất lượng sử dụng dịch vụ SKSS ở Hà Giang. Trong khuôn khổ chương trình Quốc gia 7 đang thực hiện (2006 – 2010), UNFPA tiếp tục hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật cho tỉnh Hà Giang nhằm “cải thiện chất lượng sử dụng thông tin và dịch vụ sức khoẻ sinh sản nhạy cảm về giới, trong đó có sức khoẻ tình dục và kế hoạch hoá gia đình cho người dân trong tỉnh, đặc biệt là vị thành niên, thanh niên, người dân tộc thiểu số và người di cư”. Dự án UNFPA hỗ trợ tỉnh ta với tổng kinh phí là 1,040,000 trong 5 năm, ngân sách được huy động theo nguồn ngân sách Một Kế hoạch, Dự án được thực hiện trên 15 xã thuộc 3 huyện: Xín Mần, Yên Minh, Đồng Văn. Các huyện này được lựa chọn để thực hiện mô hình can thiệp về làm mẹ an toàn; cấp cứu sản khoa và chăm sóc sơ sinh; cô đỡ dân tộc và chuyển tuyến tại cơ sở. Với các hoạt động chủ yếu như: Cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ SKSS ở các cấp tại tỉnh; cải thiện tính sẵn có và chất lượng của các dịch vụ làm mẹ an toàn, chăm sóc bà mẹ và trẻ em sơ sinh; nâng cao nhận thức của cộng đồng về SKSS, sức khoẻ tình dục và giới; tăng cường năng lực kỹ thuật cho các đối tác trong việc sử dụng dữ liệu dân số phân theo giới, độ tuổi và dân tộc trong việc lập kế hoạch, chính sách trên toàn quốc và cấp tỉnh.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác chăm sóc SKSS, trong thời gian qua Dự án CSSKSS được triển khai khá đồng bộ và thu được nhiều kết quả tích cực. Tại các huyện được lựa chọn, người cung cấp dịch vụ SKSS và chăm sóc sơ sinh đã được đào tạo những kỹ năng cơ bản và kỹ năng chuyên môn về cấp cứu sản khoa, chăm sóc sơ sinh, bao gồm truyền máu và kỹ năng phòng thí nghiệm. Dự án đã xây dựng được 4 nhóm mổ đẻ (12 người), 195 cán bộ y tế được đào tạo và cập nhật về chuẩn Quốc gia về y tế. Hiện nay, 3 bệnh viện huyện tại Đồng Văn, Yên Minh, Xín Mần đã có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực để cung cấp dịch vụ toàn diện về cấp cứu sản khoa. Thành lập đội cấp cứu sản khoa lưu động, được trang bị xe cứu thương, thiết bị...; thành lập và đào tạo được 15 đội chuyển tuyến tại thôn bản của 2 xã thuộc huyện Xín Mần; đào tạo thành công 14 cô đỡ thôn bản tại 2 huyện Đồng Văn và Xín Mần. Những kết quả bước đầu từ công tác CSSK sinh sản tại các tỉnh ta đã khẳng định tính thiết thực của Dự án UNFPA khi thực hiện. Theo thống kê, 100% trạm y tế xã tại 3 huyện đã cung cấp ít nhất ba phương tiện tránh thai hiện đại; tỉ lệ thai phụ được thăm khám ít nhất 3 lần tại các huyện là trên 70%; tỷ lệ ca sinh có cán bộ y tế được đào tạo đạt 89%...
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Bruce Campell, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam khẳng định: Dự án UNFPA khi áp dụng thực tế tại địa bàn tỉnh Hà Giang cũng gặp không ít những khó khăn rào cản về đặc điểm địa lý, phong tục, tập quán, rào cản ngôn ngữ và cách thức tiếp cận thông tin về công tác chăm sóc SKSS của nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, để tiếp tục củng cố và phát huy hiệu quả từ Dự án chăm sóc SKSS, các cấp, các ngành trong tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở vật chất y tế ngày một hoàn thiện hơn nhằm ”cải thiện chất lượng sử dụng thông tin và dịch vụ sức khoẻ sinh sản nhạy cảm về giới, trong đó có sức khoẻ tình dục và kế hoạch hoá gia đình cho người dân tộc trong tỉnh, đặc biệt là vị thành niên, thanh niên, người dân tộc thiểu số và người di cư” trên toàn tỉnh.
Ý kiến bạn đọc