Nhân rộng mô hình phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh sản ở Mậu Duệ
HGĐT- Mậu Duệ (Yên Minh) có điều kiện kinh tế, xã hội phát triển hơn so với mặt bằng chung các xã trên địa bàn toàn huyện. Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản (SKSS) cho bản thân và gia đình.
Chăm sóc trẻ em tại phòng khám đa khoa Mậu Duệ. |
Từ khó khăn đó dẫn đến tình trạng chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, nhiễm khuẩn đường sinh sản chiếm tỷ lệ rất lớn, khoảng trên 20%. Các bệnh chủ yếu chị em thường mắc đó là bệnh nấm, tạp khuẩn…Nguyên nhân chính do trình độ dân trí thấp, chị em bận sản xuất nên không ý thức được tầm quan trọng cũng như không giành thời gian đến các cơ sở y tế khám, điều trị thường xuyên. Mặt khác, những năm trước, Phòng khám Đa khoa khu vực Mậu Duệ còn thiếu cơ sở vật chất, thiết bị y tế để khám, điều trị các căn bệnh trên nên người dân muốn khám, điều trị các bệnh phải đi lên tận Bệnh viện Đa khoa huyện…
Xác định được thực trạng trên, năm 2009, Dự án VNM7PG0001 (Nâng cao chất lượng và sử dụng dịch vụ SKSS có chất lượng tại Hà Giang) triển khai, thực hiện mô hình “Phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh sản và các bệnh lây truyền qua đường tình dục”. Thực hiện mô hình này, Dự án đầu tư cho Phòng khám Đa khoa khu vực Mậu Duệ nhiều thiết bị y tế thiết yếu phục vụ công tác khám, điều trị các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, nhiễm khuẩn đường sinh sản như: Máy xét nghiệm; kính hiển vi; máy ly tâm; máy xét nghiệm nước tiểu… với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng. 4 cán bộ y, bác sỹ của Phòng khám được Dự án đào tạo, tập huấn về kỹ thuật sử dụng các thiết bị y tế và đào tạo nâng cao kiến thức, trình độ nghiệp vụ về việc khám, điều trị các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, nhiễm khuẩn sinh sản…
Sau khi được đầu tư trang thiết bị y tế, đào tạo con người, Phòng khám tích cực triển khai ngay công tác khám, chữa bệnh thông qua hoạt động khám bệnh hàng ngày, qua các chiến dịch khám phụ khoa. Nhờ được đầu tư nên Phòng khám đã kịp thời phát hiện, sàng lọc những trường hợp nghi ngờ nhiễm khuẩn sinh sản, viêm nhiễm để xét nghiệm rồi kế hoạch điều trị. Bình quân có khoảng 300 lượt người đến khám ở Phòng khám/tháng, trong đó có từ 40 đến 50 trường hợp được sàng lọc, xét nghiệm, điều trị. Chị Nguyễn Thị Tiêng, Trưởng Phòng khám Đa khoa khu vực Mậu Duệ cho biết: “Trước đây, Phòng khám thực hiện việc khám bệnh thông thường những với những nhiều trường hợp không phát hiện được bệnh bởi không có thiết bị. Do đó tỷ lệ chị em bị mắc các bệnh qua đường tình dục, nhiễm khuẩn sinh sản mới cao. Được dự án đầu tư, Phòng khám không chỉ chủ động được công tác khám, điều trị mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc phát hiện bệnh, giảm chi phí, thời gian trong việc điều trị bệnh. Nhờ đó nên chỉ trong vòng 1 năm thực hiện mô hình, tỷ lệ chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở xã mắc các bệnh viêm nhiễm giảm xuống còn 10%. Hiên nay, Phòng khám tiếp tục duy trì mô hình và vận hành, sử dụng tốt các trang, thiết bị y tế đã được đầu tư. Tuy nhiên, việc phòng, chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, nhiễm khuẩn sinh sản cần được thực hiện không chỉ ở chị em phụ nữ mà còn ở cả nam giới.
Thực trạng tỷ lệ chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, nhiễm khuẩn sinh sản cao không chỉ ở Mậu Duệ mà còn là tình trạng chung ở các xã vùng cao trên địa bàn toàn tỉnh. Do đó mô hình được thực hiện thành công ở Mậu Duệ có ý nghĩa rất lớn bởi đó là định hướng để ngành Y tế tỉnh ta có kế hoạch nhân rộng mô hình ở các Trạm Y tế, Phòng khám Đa khoa khu vực trên địa bàn toàn tỉnh.
Ý kiến bạn đọc