Cán bộ chuyên trách, cộng tác viên DS-KHHGĐ cơ sở - nằm ở tuyến đầu trong cuộc chiến giảm sinh
HGĐT- Công tác DS-KHHGĐ của tỉnh ta trong những năm qua đã đạt được thành tích đáng kể, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 1,88% (năm 2001) xuống còn 1,45% (năm 2009)...
Đạt được kết quả đó là nhờ sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực của nhân dân. Đặc biệt là phải kể đến công lao đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên DS-KHHGĐ - những người nằm ở tuyến đầu trong cuộc chiến giảm sinh.
Là một tỉnh miền núi, việc triển khai thực hiện công tác DS-KHHGĐ ở tỉnh ta gặp rất nhiều khó khăn như: Dân cư phân tán, địa hình chia cắt mạnh bởi nhiều núi cao, vực sâu, giao thông đi lại khó khăn. Hơn nữa do cơ cấu dân số trẻ nên hàng năm số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ lớn. Đời sống của nhân dân tuy đã có những cải thiện đáng kể nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn... Song trong những năm qua những cán bộ chuyên trách, cộng tác viên DS-KHHGĐ đã có những đóng góp đáng kể vào công tác DS-KHHGĐ. Các anh, các chị đã thầm lặng không kể ngày đêm đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để triển khai, vận động tuyên truyền nhân dân thực hiện công tác DS-KGHHGĐ.
Hiện nay ở tỉnh ta có gần 200 cán bộ chuyên trách và hơn 2.000 cộng tác viên DS-KHHGĐ. Đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên phần lớn là những người nông dân trực tiếp sản xuất, vừa phải lo toan cho bản thân, gia đình, thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước như bao người khác lại vừa phải dành thời gian chung vai gánh vác những công việc xã hội. Các cán bộ chuyên trách, cộng tác viên DS-KHHGĐ hoạt động hoàn toàn tự nguyện bằng lòng nhiệt tình và tâm huyết với công tác DS-KHHGĐ. Thù lao mà họ được nhận chính là niềm vui, hạnh phúc của mỗi gia đình. Còn sự hỗ trợ của Nhà nước hết sức nhỏ bé. Mỗi tháng chỉ với 200.000 đồng cho một cán bộ chuyên trách và 50.000 đồng cho một cộng tác viên. Tuy nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ ít nhưng mỗi cán bộ chuyên trách, cộng tác viên DS-KHHGĐ vẫn nhiệt tình, lăn lộn với cơ sở. Họ thường xuyên vượt đèo, lội suối để tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực DS-KHHGĐ đến với từng gia đình, bà con nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Mỗi cán bộ chuyên trách, cộng tác viên DS-KHHGĐ luôn ý thức sâu sắc rằng: Truyền thông vận động là nhiệm vụ hàng đầu đối với mỗi cán bộ chuyên trách, cộng tác viên. Thường xuyên truyền tải những kiến thức về DS-KHHGĐ đến với nhân dân. Với ưu thế là người địa phương, am hiểu về phong tục tập quán và tương đồng về ngôn ngữ nên hoạt động truyền thông của các cán bộ chuyên trách, cộng tác viên rất hiệu quả. Bằng phương châm “Mưa dầm thấm lâu”, họ đã dần xóa bỏ đi quan niệm lạc hậu trong chăm sóc sức khỏe sinh sản nói chung và trong vấn đề sinh đẻ nói riêng mà bấy lâu nay đã ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận nhân dân. Không chỉ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ mà mỗi cán bộ chuyên trách, cộng tác viên đều quan tâm chăm lo đến cuộc sống của gia đình, gương mẫu trong việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ và tích cực tăng gia sản xuất, phát triển đời sống. Họ luôn là người tiêu biểu của mỗi thôn, bản trong việc tạo dựng một hình mẫu “đẻ ít con để gia đình ấm no, hạnh phúc”.
Tiêu biểu trong công tác này có chị Hà Thị Nghị, 63 tuổi là cộng tác viên dân số ở tổ 4 phường Minh Khai (TXHG). Trong suốt 10 năm làm công tác DS-KHHGĐ, chị đã thường xuyên phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trong tổ dân phố tuyên truyền, phổ biến chính sách DS-KHHGĐ, các kiến thức, kỹ năng trong CSSKSS đến mọi người dân. Vì vậy tổ dân phố của chị phụ trách không có trường hợp nào sinh con thứ 3 trong nhiều năm liền.
Ở huyện Bắc Quang có chị Hoàng Thị Mơ, cộng tác viên dân số thôn Tân Thành (thị trấn Vĩnh Tuy); chị Trần Thị Lan cán bộ chuyên trách dân số xã Đồng Tâm; chị Nguyễn Thị Duyên, cán bộ chuyên trách xã Quang Minh... đều là những chị có uy tín đối với bà con trong thôn bản. Trong công việc các chị đều tổ chức thực hiện rất khoa học. Hàng tháng chị lập danh sách các đối tượng tuyên truyền phân loại theo nhóm ưu tiên để lựa chọn nội dung tuyên truyền, vận động cho phù hợp, vì vậy hiệu quả vận động đạt rất cao.
Anh Vương Đức Sinh, 45 tuổi ở xã Nậm Dịch (Hoàng Su Phì), với 12 năm là cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ, ở bất cứ nơi đâu, trên đường đi làm nương hay tại các buổi họp chợ, họp thôn anh Sinh đều khéo léo phối hợp tuyên truyền các nội dung DS-KHHGĐ đến bà con nhân dân trong xã. Không chỉ làm tốt các nhiệm vụ ở xã mình, anh còn hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm với những xã khác. Với sự nhiệt tình của anh đối với công tác DS-KHHGĐ, hàng năm mức sinh của xã Nậm Dịch đều giảm, đặc biệt là tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên.
Ở xã Yên Phong (Bắc Mê) có anh Nguyễn Văn Dũng, 30 tuổi, dân tộc Tày. Chỉ mới công tác trong lĩnh vực DS-KHHGĐ được 5 năm nhưng anh là một trong số các cán bộ chuyên trách rất cứng về chuyên môn. Anh thường xuyên học hỏi kinh nghiệm từ những đồng nghiệp đi trước và thường xuyên lặn lội theo các anh, chị trong đoàn công tác của tỉnh xuống làm truyền thông tại các xã bạn trong huyện để học hỏi. Anh đã nhanh chóng tích lũy cho mình vốn kiến thức kinh nghiệm không nhỏ trong lĩnh vực truyền thông vận động DS-KHHGĐ. Với những cố gắng của anh, từ một xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 rất cao trước đây, đến nay việc sinh con thứ 3 ở xã Yên Phong đã giảm mạnh và trở thành một điểm sáng cho các xã khác trong huyện học tập...
Còn rất nhiều tấm gương cán bộ chuyên trách, cộng tác viên tiêu biểu trong công tác DS-KHHGĐ. Họ là những người lặng lẽ, âm thầm đóng góp công sức, tài năng, trí tuệ với tất cả tình cảm và lòng nhiệt huyết của mình, góp phần không nhỏ trong công tác DS-KHHGĐ ở tỉnh ta hôm nay.
Ý kiến bạn đọc