Một quyết định giàu tính nhân văn

17:14, 23/12/2009

HGĐT- Tại Quyết định số 326 ngày 19.5.1997, Thủ tướng Chính phủ đã lấy ngày 26.12 hàng năm làm ngày Dân số Việt Nam.


Vì sao chọn ngày 26.12, vì đúng ngày này tháng 12.1961 Hội đồng Chính phủ đã thông qua một quyết định khá đặc biệt – Quyết định số 216-CP về việc hướng dẫn sinh đẻ cho nhân dân, do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký. Điều đáng chú ý ở Quyết định này là trong lúc vấn đề dân số chưa được nhiều nước trên thế giới quan tâm, chưa gắn yếu tố dân số với phát triển, thì Việt Nam, một nước vừa trải qua 9 năm kháng chiến ác liệt, chống thực dân Pháp, đang hàn gắn các vết thương chiến tranh, vừa xây dựng cuộc sống mới ở miền Bắc, vừa chi viện cho miền Nam đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, lại đặt vấn đề điều chỉnh sinh đẻ, hay nói một cách rộng hơn, điều chỉnh sự phát triển dân số cho phù hợp với phát triển KT-XH cho phù hợp đất nước trong tương lai trước mắt, lâu dài.


Quyết định 216-CP thể hiện rõ tính nhân văn trong văn bản pháp quy đầu tiên của Nhà nước ta về công tác Dân số – kế hoạch hóa gia đình. Điều 1 của Quyết định trên khẳng định: “Vì sức khỏe người mẹ, vì hạnh phúc và hòa thuận của gia đình, vì để cho việc nuôi dạy con cái được chu đáo việc sinh đẻ của nhân dân cần được hướng dẫn một cách thích hợp”. Tính nhân văn thể hiện rất rõ ở chỗ mục tiêu hàng đầu được nhấn mạnh là yếu tố chất lượng như sức khỏe người mẹ, việc nuôi dạy con cái v.v... Đáng lưu ý, văn bản trên còn nhấn mạnh tới quan hệ qua lại giữa việc sinh con đẻ cái với hạnh phúc và hòa thuận của gia đình, với hàm ý rằng số con trong gia đình phải phù hợp với điều kiện sức khỏe, điều kiện kinh tế, khả năng chăm sóc nuôi dạy thì gia đình mới hòa thuận, mới hạnh phúc.


Điều 3 của Quyết định 216-CP nêu rõ: “Các đoàn thể quần chúng: Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng Công đoàn và Bộ Y tế sẽ cùng nhau thảo luận chương trình hoạt động nhằm thực hiện tốt đẹp chủ trương trên”. Như vậy, ngay từ thủa ban đầu của chương trình, tính xã hội hóa đã được nhấn mạnh qua việc nêu lên những đoàn thể quần chúng rộng rãi nhất và nhấn mạnh tới việc các đoàn thể quần chúng đó đại diện cho nguyện vọng và tư tưởng của người dân sẽ cùng với Bộ Y tế – cơ quan chuyên môn của Nhà nước, cùng nhau thảo luận chương trình hoạt động.


Quyết định số 216-CP cũng nên lên cách làm phù hợp: “Bước đầu cần tổ chức thực hiện việc hướng dẫn sinh đẻ trong cán bộ, công nhân, viên chức, bộ đội, sau đó sẽ rút kinh nghiệm và dần dần mở rộng trong nhân dân “Điều 2 Quyết định 216-CP). Quan điểm chọn những đối tượng dễ chấp nhận trước để làm thí điểm từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cần thiết để nhân rộng, từng bước chuyển sang các nhóm đối tượng khác, những đối tượng khó hơn chính là một quan điểm đúng đắn, được thực tiễn chương trình DS-KHKGĐ ở nước ta và nhiều nước khác khẳng định. Quyết định đầu tiên của Nhà nước ta về công việc dân số và kế hoạch hóa gia đình cũng khẳng định một nguyên tắc mà sau này các văn bản quốc tế cũng nhấn mạnh, đó là việc cung cấp dịch vụ phải phù hợp với yêu cầu và đặc điểm củangười sử dụng. Điều 4 của Quyết định nhấn mạnh: “Bộ Y tế cần tiếp tục nghiên cứu thêm các biện pháp thích hợp nhất với hoàn cảnh sinh hoạt của cán bộ, công nhân, viên chức, bộ đội ta, nói chung với hoàn cảnh sinh hoạt của nhân dân ta; Bộ Y tế có trách nhiệm cung cấp với giá rẻ, một cách rễ dàng và thuận lợi nhất cho những người cần dùng phương tiện có liên quan đến việc sinh đẻ có hướng dẫn”. Điều này cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị của nó khi chúng ta nhấn mạnh đến chất lượng của chương trình, nhất là chất lượng cung ứng dịch vụ đến với những người hưởng thụ chương trình, những người muốn sử dụng dịch vụ để thực hiện những ý định của họ về sức khỏe sinh sản một cách tự giác và tự nguyện.


Từ văn bản đầu tiên, Quyết định 216-CP ngày 26.12.1961, đến nay các văn bản mang tính toàn diện hơn: Nghị quyết Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII ngày 14.1.1993, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22.12.2000 tại Quyết định 174/TTg, Nghị quyết 47-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thúc đẩy mạnh về việc thực hiện chính sách Dân số và kế hoạch hóa gia đình, Pháp lệnh Dân số và Nghị định 104/NĐ-TW...


Đây là cả một quá trình phấn đấu dân khổ và bền bỉ của nhân dân ta trong lĩnh vực Dân số – KHHGĐ/CSSKSS dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Nhà nước. Từ một mức sinh rất cao với số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là xấp xỉ 6 con vào năm 1960 đến năm 1996 giảm xuống chỉ còn 2,7 con và hiện nay chúng ta đã đạt mức sinh thay thế; từ tỉ lệ tăng dân số trên 3% vào năm 1960 đến năm 1996 còn 1,8% cho đến nay chỉ còn 1,2%; từ một đội ngũ ít ỏi những người làm công tác dân số và KHHGĐ, trong đó không ít chỉ là “nghiệp dư” thì nay chúng ta đã có một đội ngũ chuyên môn hùng hậu và một đội quân tình nguyện 150.000 người hoạt động theo một chiếc lược thống nhất. Chương trình dân số Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng về cả chất và lượng, các mô hình về nâng cao chất lượng dân số đang triển khai và đi vào hoạt động có hiệu quả càng minh chứng cho việc chúng ta đang chuyển dần từ những mục tiêu thuần tuý về dân số và kế hoạch hóa gia đình sang những mục tiêu rộng hơn về dân số – phát triển và chất lượng cuộc sống.


Ngày nay đất nước ta đang trong tiến trình hội nhập với quốc tế và khu vực, càng đòi hỏi yếu tố con người có chất lượng về cả thể chất lẫn trí tuệ, tinh thần, đây cũng là một yêu cầu cấp thiết đối với chương trình dân số hiện nay. Với kinh nghiệm phong phú và những bài học quý giá của 48 năm qua, chương trình dân số cần vươn lên những tầm cao mới, mà nhiệm vụ quan trọng nhất là đảm bảo duy trì ổn định được mức sinh thay thế nâng cao chất lượng về dân số thực hiện thắng lợi tinh thần nghị quyết 47-NQ/TW để có một quy mô dân số phù hợp mà trong đó từng người dân mạnh khỏe, phát triển đầy đủ về thể chất và trí tuệ sẽ là bệ phóng đưa chúng ta đến một xã hội công bằng, dân chủ văn minh, để mỗi người dân, mỗi gia đình và toàn xã hội có cuộc sống ấm no hạnh phúc.


B.S Hoàng Thị Dung (Chi cục trưởng Chi cục Dân số)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thôn Phìn Hồ - Điểm sáng trong công tác DS-KHHGĐ và phong trào xây dựng làng văn hóa
HGĐT- Thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) nằm cách trung tâm huyện 66 km. Từ trung tâm xã Thông Nguyên lên thôn Phìn Hồ 12 km. Đường giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, nhất là mùa mưa lũ từ xã lên thôn phải qua một con suối lớn và nhiều khe suối nhỏ. Toàn thôn có 40 hộ, 214 nhân khẩu, với 100% là dân tộc Dao đỏ.
27/11/2009
Hà Giang: Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng,chống HIV/AIDS năm 2009
HGĐT- Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm, BCĐ phòng, chống AIDS, phòng, chống ma tuý, mại dâm tỉnh Hà Giang đã xây dựng kế hoạch triển khai “Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2009”.
27/11/2009
Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh hướng tới mục tiêu ổn định và nâng cao chất lượng dân số
HGĐT- Năm 2009, công tác truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi nhận thực về công tác DS/KHHGĐ tới từng người dân được triển khai mạnh mẽ và đồng bộ. Hàng năm có trên 100.000 người dân được nghe phổ biến chính sách DS – KHHGĐ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
23/12/2009
Hiến máu nhân đạo tại huyện Bắc Mê
HGĐT- Vừa qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Bắc Mê tổ chức buổi hiến máu nhân đạo nhằm cung cấp máu cho nhu cầu cần máu cứu người tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
23/12/2009