Quy hoạch và phát triển hệ thống ngành Y tế
HGĐT- Trong những năm qua, hệ thống ngành y tế của tỉnh ta không ngừng được cải thiện, củng cố và phát triển. Các cơ quan quản lý nhà nước về y tế, hệ thống Y tế Dự phòng tỉnh, trường Trung học Y tế, các đơn vị sản xuất kinh doanh...được hoàn thiện và phát triển theo quy định của Bộ Y tế.
Do có sự đầu tư, nâng cấp các trang thiết bị y tế nên nhiều ca bệnh khó đã được mổ thành công ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Hệ thống Bệnh viện của tỉnh đã được quan tâm, đầu tư xây dựng, nâng cấp, bổ sung nhiều cán bộ và trang thiết bị y tế hiện đại. Tuyến tỉnh gồm 3 Bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Lao và Phổi, Bệnh viện Y học cổ truyền; tuyến huyện có 11 bệnh viện huyện và 20 phòng khám đa khoa khu vực. Toàn tỉnh có 1.255 giường bệnh, đạt mức trên 17,6 giường/10.000 dân; tuyến xã có 175 trạm y tế xã với 570 giường bệnh. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có hệ thống cung ứng thuốc bao gồm Công ty Cổ phần Dược phẩm, 195 quầy thuốc và đại lý thuốc, 35 nhà thuốc tư nhân, 78 cơ sở y tế tư nhân, trong đó có 28 cơ sở y học cổ truyền. Số lượng bác sỹ tăng từ 216 người (năm 2001) lên 437 người (năm 2009), trung bình có 6,2 bác sỹ/10.000 dân, 95/195 xã có bác sỹ; có 5,39 cán bộ y tế/1 trạm y tế xã, 100% số xã có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi. Bên cạnh đó, công tác khác như chăm sóc sức khoẻ nhân dân, phòng, chống sốt rét, tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy sinh dưỡng, phòng chống các bệnh xã hội, chăm sóc sức khoẻ sinh sản...được quan tâm và phát triển tốt, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động và phát triển, ngành y tế tỉnh cũng gặp không ít những khó khăn nhất định, mức thu nhập thấp, một số phong tục tập quán củangười dân lạc hậu, dân cư sống không tập trung là những yếu tố cơ bản ảnh hưởng không nhỏ tới công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân; những bệnh dịch nguy hiểm còn nhiều nguy cơ tiềm tàng như sốt rét, viêm màng lão, lao, sởi và các dịch bệnh mới...; ngân sách dành cho hoạt động của ngành y tế còn thiếu nhiều so với yêu cầu; các bệnh viện được đầu tư chậm, không đồng bộ, đặc biệt là sau khi kiện toàn lại tổ chức y tế tuyến tỉnh, huyện, các đơn vị y tế đều gặp những khó khăn như thiếu cán bộ, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, cán bộ y tế còn thiếu và yếu trong trình độ chuyên môn; chính sách đãi ngộ, tiền lương của cán bộ y tế chưa thoả đáng, chưa khuyến khích được cán bộ y tế đi công tác ở vùng cao, vùng xa; công tác quản lý điều hành, xây dựng, giám sát các hoạt động của một số cơ sở còn nhiều hạn chế, hệ thống thông tin y tế chậm chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Trước thực trạng nêu trên, mục tiêu chung trong việc phát triển hệ thống ngành y tế của tỉnh thời gian tới là: Phát triển hệ thống y tế tỉnh từng bước hoàn chỉnh, hiện đại hướng tới công bằng và hiệu quả, đáp ứng với yêu cầu ngày một tăng và đa dạng của nhân dân về bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khoẻ; giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng cuộc sống; đạt và vượt các chỉ tiêu đặc ra trong chiến lược chăm sóc và bảo bệ nhân dân giai đoạn 2010 - 2015...Giải pháp về phát triển ngành y tế của tỉnh từ nay đến 2010 có tính đến 2020 được bàn và quyết định: Tăng mức đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho y tế để nâng cấp các cơ sở y tế, trong đó ưu tiên củng cố hệ thống y tế dự phòng, củng cố mạng lưới y tế cơ sở; thực hiện xã hội hoá lĩnh vực y tế, tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy biên chế, tài chính đối với các cơ sở y tế công lập. Phát triển nguồn nhân lực y tế cân đối và hợp lý có trình độ chuyên khoa, sau đại học, bảo đảm được các tiêu chí cơ bản là có trêntrên 7 bác sỹ/10.000 dân vào năm 2010 và 8 bác sỹ/10.000 dân vào năm 2020; có 1 dược sỹ đại học/10.000 dân vào năm 2010 và có 2 đến 3 dược sỹ đại học/10.000 dân vào năm 2020; đảm bảo cơ cấu cán bộ y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh là 3 - 3,5 điều dưỡng/1 bác sỹ, có 1 dược tá/1 trạm y tế xã phục vụ công tác cung ứng thuốc tại trạm y tế xã; xây dựng tiêu chuẩn, định mức và cơ cấu cán bộ y tế cho các tuyến, chủ động thực hiện kế hoạch đào tạo cán bộ của tỉnh và xây dựng chính sách thu hút cán bộ có trình độ để bổ sung, kiện toàn đội ngũ cán bộ y tế của tỉnh, đáp ứng yêu cầu nâng cấp các cơ sở điều trị, phòng bệnh và đào tạo. Xây dựng phương án nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viên Y học cổ truyền tỉnh, Trường Trung cấp Y, các Trung tâm Y tế tuyến tỉnh, Bệnh viện Lao và Phổi, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và tuyến huyện. Tăng cường kêu gọi và hợp tác với các tổ chức Quốc tế để hỗ trợ các chương trình, dự án chăm sóc sức khoẻ. Kiện toàn và tổ chức các hoạt động của Ban chăm sóc sức khoẻ tỉnh, huyện, xã; khuyến khích các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đầu tư phát triển các phòng khám bệnh chất lượng cao và Bệnh viện điều dưỡng tư nhân, các công ty Dược tư nhân, các xí nghiệp thu mua, chế biến dược liệu; thực hiện có hiệu quả chương trình quân -dân y kết hợp, đặc biệt ở những nơi vùng sâu, xa, vùng khó khăn biên giới để triển khai thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Tăng cường đào tạo cán bộ quản lý các cấp về kiến thức tổ chức và quản lý trong lĩnh vực y tế, phát huy tính dân chủ, chủ động, sáng tạo trong xây dựng và thực hiện kế hoạch chăm sóc bảo vệ sức khoẻ tránh sự chồng chéo trong thực hiện các chương trình, mục tiêu y tế Quốc gia...
Ý kiến bạn đọc