Ghi nhận từ “Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển”
HGĐT - Sau gần chục ngày “Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển” qua đi, nhưng với thông điệp “Đảm bảo an ninh dinh dưỡng trước những suy thoái về kinh tế hiện nay” và những mục đích cụ thể mà nó mang lại thì vẫn còn ở lại trong mỗi bữa ăn một số hộ gia đình tại Hà Giang. Đâu đây, những băng zôn, khẩu hiệu với các nội dung “Phát triển VAC gia đình để tạo nguồn lương thực thực phẩm dồi dào, giàu dinh dưỡng và an toàn”, “Thực hiện vệ sinh ăn uống. Dùng nguồn nước sạch để chế biến thức ăn” vẫn còn treo rải rác ở trụ sở thôn, bản, xã, phường và đây đó trên đường phố.
Bác sỹ Nguyễn Thị Chất, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản tỉnh sôi nổi kể lại những hoạt động mà chị và mạng lưới cộng tác viên dinh dưỡng từ tuyến tỉnh, huyện đến xã, phường, thôn bản của mình vừa làm được, đó là: Ngoài các hoạt động chuyên môn thường nhật, cơ quan chị còn xây dựng kế hoạch cụ thể cho Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển với các nội dung tuyên truyền chú trọng vào việc lựa chọn, chế biến và sử dụng đa dạng mọi nguồn thực phẩm sạch và an toàn sẵn có ở địa phương; tổ chức tốt bữa ăn gia đình, dinh dưỡng sớm, đảm bảo đủ dinh dưỡng cho người mẹ và trẻ nhỏ để phòng suy dinh dưỡng thể thấp còi và nâng cao tầm vóc của người Việt Nam; tập huấn nâng cao nhận thức về thực hành, lựa chọn và sử dụng thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng và vệ sinh cho tất cả các hộ gia đình, đặc biệt là gia đình có trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và phụ nữ có thai; hướng dẫn người dân áp dụng 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý, 8 hoạt động dinh dưỡng tại gia đình; lồng ghép việc tuyên truyền về dinh dưỡng với các hoạt động văn hoá, văn nghệ tại địa phương; hướng dẫn người dân làm quen với các mô hình VAC gắn với tổ chức tốt bữa ăn dinh dưỡng hợp lý tại 13 xã có mô hình trọng điểm; cấp phát tờ rơi, tranh ảnh minh hoạ cho người dân...
Theo chân Bác sỹ Nguyễn Văn Tuyến, Chánh thanh tra Sở Y tế trong một buổi phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại các nhà hàng trong Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển, bác sỹ Tuyến cho biết: “Thanh kiểm tra chất lượng VSATTP trên địa bàn toàn tỉnh là công tác thường nhật của Đoàn kiểm tra liên ngành, nhưng Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển cũng là một động lực thôi thúc mỗi thành viên trong Đoàn ý thức rõ hơn về trách nhiệm của mình trong vấn đề đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhân dân, qua đó, giám sát và kịp thời nhắc nhở các hộ sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm nâng cao đạo đức nghề nghiệp, cung ứng những sản phẩm vừa đủ chất dinh dưỡng, vừa an toàn đối với sức khoẻ con người”. Từ ý thức được tầm quan trọng của Tuần lễ này, các Đoàn kiểm tra liên ngành về VSATTP trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức được trên 50 đợt kiểm tra VSATTP cho gần 700 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó đã lấy 194 mẫu thực phẩm xét nghiệm kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Bác sỹ Nguyễn Duy Hoà, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, người phụ trách hoạt động dinh dưỡng của hệ thống Y tế dự phòng trong toàn tỉnh, chia sẻ: “Để cụ thể hoá Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển, chúng tôi đã tham mưu cho ngành Y tế và chỉ đạo toàn mạng lưới Y tế Dự phòng tổ chức được trên 100 Hội nghị triển khai tới tuyến huyện và xã, mở 191 lớp hướng dẫn tổ chức bữa ăn hợp lý ở gia đình, 31 buổi tuyên truyền về chủ đề dinh dưỡng bằng hình thức văn nghệ, tổ chức thành công 15 hội thi “Bữa ăn gia đình dinh dưỡng hợp lý” “kiến thức bố mẹ - sức khoẻ con...”. Nhưng những trở ngại trong công tác này thì còn nhiều vô kể, như trình độ dân trí, tỷ lệ hộ đói nghèo, bất đồng ngôn ngữ trong tuyên truyền... nên hiệu quả của các hoạt động đó chỉ dừng lại ở những khu dân cư có điều kiện xã hội và đời sống phát triển, còn người dân nghèo vùng sâu, vùng xa thì kiến thức về dinh dưỡng cũng chưa thể len lỏi được vào bữa ăn của họ”.
Bên cạnh những hoạt động đã làm được trong Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển là ý thức của người dân trong cách bố trí, sắp xếp bữa ăn gia đình hợp lý, đảm bảo dinh dưỡng được nâng lên, tỷ lệ người dân tham gia và hưởng ứng các hoạt động của Tuần lễ đạt mức cao. Nhưng khi hỏi về những khó khăn, trở ngại trong công tác vận động, tuyên truyền người dân tham gia thực hiện bữa ăn dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo VSATTP, bác sỹ Chất, bác sỹ Tuyến và bác sỹ Hoà cùng có chung nhận định: Khó khăn của một tỉnh miền núi, trình độ dân trí hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao, tồn tại nhiều hủ tục trong việc sinh đẻ, nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ em... đang là những trở ngại lớn đối với công tác truyền thông của ngành Y tế. Nó đòi hỏi không chỉ sự nỗ lực phấn đấu của mỗi cán bộ y tế, sự phối hợp của các cấp, các ngành và toàn thể mạng lưới cộng tác viên tại thôn bản mà còn cần những giải pháp cụ thể, thiết thực và hiệu quả tiếp theo của ngành Y tế như: Tăng cường công tác tuyên truyền bằng tiếng địa phương, tận dụng các tranh ảnh, pano minh hoạ phù hợp với phong tục tập quán tân tộc, dễ áp dụng, dễ đọc và dễ tuyên truyền, đào tạo đội ngũ cộng tác viên dinh dưỡng là người địa phương, có trình độ, có tâm huyết với công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình VAC kết hợp với bữa ăn dinh dưỡng hợp lý tới 100% xã, phường trên địa bàn toàn tỉnh, trú trọng vào nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, người dân các xã vùng cao, vùng biên giới... và quan trọng nhất là những chính sách về kinh tế, xoá đói giảm nghèo cho người dân của tỉnh... Hội tụ được những điều đó thì kiến thức Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển mới đến được với mọi người dân, ở lại mãi mãi trong từng bữa ăn hằng ngày của mỗi gia đình, vì sức khoẻ và sự phát triển của mỗi người dân Hà Giang.
Ý kiến bạn đọc