Phòng lây nhiễm HIV trong gia đình

16:36, 25/09/2009

HGĐT- Trong gia đình có người nhiễm HIV, việc phòng lây nhiễm HIV trong gia đình là việc làm rất cần thiết. Nếu tiếp xúc trực tiếp với máu (qua tiêm chích), tinh dịch hoặc dịch âm đạo (qua quan hệ tình dục) của người nhiễm HIV hoặc các dịch tiết trong khi chăm sóc bệnh nhân sẽ có nguy cơ nhiễm HIV. Tránh được những tiếp xúc này hoặc sử dụng phương tiện phòng hộ khi buộc phải tiếp xúc, sẽ phòng được lây nhiễm HIV.


Các dụng cụ hoá chất cần có nếu trong gia đình có người nhiễm HIV: găng tay cao su loại dày và dài; Túi ni –lon; Dung dịch khử trùng, sát trùng, tẩy rửa như nước Ja ven, Chlorine, Cloramin; Thuốc tẩy (dùng để tẩy quần áo hoặc tẩy trung nói chung)


Ăn uống: Người nhiễm HIV có thể ăn cùng 1 mâm, sử dụng chung bát đĩa, cốc chén với những người khác trong gia đình mà không sợ lây nhiễm HIV cho gia đình. Tuy nhiên, nếu các dụng này có dính máu của người có HIV thì cần rửa sạch bằng nước xà phòng. Người rửa chén, bát có dính máu của người có HIV cần đi găng tay cao su và băng kín vết thương.


Ngủ: Người nhiễm HIV có thể ngủ cùng với những người khác trong gia đình mà không sợ lây vi rút cho người đó. Người nhiễm HIV và người ngủ cùng vẫn có thể ôm ấp, chỉ lưu ý không để cho các chỗ da bị tổn thương của 2 người tiếp xúc với nhau.


Quan hệ tình dục: Người nhiễm HIV khi quan hệ tình dục nhất thiết phải dùng bao cao su.


Giặt đồ, quần áo: Quần áo của người nhiễm HIV nếu có dính máu, dịch thì nên ngâm riêng trong dung dịch chloramin nồng độ 0,5 %, hoặc dung dịch Ja ven trong khoảng 20 – 30 phút. Nếu không có các dung dịch trên, có thể đem các đồ này luộc sôi trong vòng 20 phút. Khi giặt quần áo có dính máu, mủ của người nhiễm HIV thì cần đi găng tay cao su.


Làm sạch các bề mặt bị dính máu, mủ, tinh dịch của người nhiễm: Người nhiễm HIV có thể sử dụng chung bàn, ghế, giường, tủ....với những người khác mà không sợ lây nhiễm HIV cho họ. Nhưng nếu bàn, ghế, giường bị dính máu, mủ, tinh dịch của người nhiễm thìcần được làm sạch đúng cách để phòng lây nhiễm. Đổ dung dịch Chlorine 0,5% hoặc Javen lên bề mặt bị dính máu, mủ, dịch rồi chờ 10 – 20 phút. Sau đó đeo găng tay cao su và dùng nước sạch rửa vết bẩn đó. Nếu không có các hoá chất trên, thì dùng xà phòng và nước thay thế.


Thu dọn các đồ phế thải dính máu, mủ hoặc tinh dịch của người nhiễm HIV: như bông, băng, bao cao su, băng vệ sinh... Đeo găng tay cao su để cầm hoặc dùng kẹp dài để gắp, nếu không có găng và kẹp thì dùng túi ny lon để cầm rồi cho vào 1 túi ny lon để đựng. Sau đó đổ dung dịch chlorine 0,5 % hoặc Ja ven vào ngâm trong 20 – 30 phút rồi buộc chặt túi ny lon và cho vào thùng đựng rác. Nếu không có dung dịch hoá chất và không có hệ thống sử lý chất thải chung, thì tốt nhất là cho vào 1 hố rồi đốt.


Xử lý các dụng cụ y tế có dính máu, dịch của người nhiễm như kẹp, bơm kim tiêm thuỷ tinh, kéo... Ngâm các dụng cụ này vào dung dịch chlorine 0,5 % hoặc Ja ven trong 20 phút, rồi lấy ra rửa bằng nước sạch và xà phòng, sau đó ngâm lại trong dung dịch chlorine 0,1 % trong vòng20 phút, lấy ra tráng lại nước đã đun sôi, để khô rồi cất vào hộp khô sạch có nắp đậy kín. Lưu ý, trong khi rửa các dụng cụ này cần đeo găng tay cao su.


Lưu ý khi sử lý các vật dụng, chất thải có dính máu, dịch của người nhiễm: người không nhiễm HIV không nên tiếp xúc trực tiếp với những vật kể trên, đặc biệt là nếu chỗ da tiếp xúc bị trầy xước. Nên sử dụng găng tay cao su loại dày, không bị thủng. Trong trường hợp không có găng tay, có thể sử dụng túi ni lon.


Liên Hương (Trung tâm phòng chống HIV/AIDS)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Địa chỉ cung cấp khẩu trang phòng dịch cúm AH1N1
HGĐT- Trước tình hình dịch cúm AH1N1 đang lan rộng trên thế giới như hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang phòng dịch, nhất là tại những nơi vi rút cúm AH1N1 lưu hành.
28/08/2009
Bắc Quang: Vì mục tiêu ổn định dân số
HGĐT- Trong những năm qua, công tác dân số - KHHGĐ trên địa bàn huyện Bắc Quang đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng các ban, ngành, đoàn thể quan tâm, tuyên truyền và thực hiện hiệu quả.
28/08/2009
Tập huấn tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS
HGĐT- Từ ngày 19 đến 22.8, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Cục Báo chí (Bộ Thông tin- Truyền thông) đã tổ chức lớp tập huấn công tác tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS. Tham dự lớp tập huấn có gần 100 người là cán bộ, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí, các Sở Thông tin- Truyền thông một số tỉnh, thành trong nước.
26/08/2009
Hiệu quả công tác tuyên truyền chăm sóc SKSS cho hội viên Hội Nông dân
HGĐT- Hội Nông dân có số lượng hội viên đông, lại tập trung chính ở địa bàn nông thôn nên điều kiện kinh tế, trình độ nhân thức của họ còn thấp dẫn đến những hạn chế về chăm sóc sức khoẻ sinh sản (SKSS).
26/08/2009