Dịch cúm A/H1N1/2009 lây lan nhanh tại Việt Nam: Triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn

10:24, 27/07/2009

Tính đến 14 giờ ngày 24/7 đã có 346/499 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1/2009 xuất viện, không có ca tử vong. Dịch cúm đã lan ra 4 trường học ở TP. Hồ Chí Minh. Các trường phải thành lập Ban chỉ đạo phòng chống  dịch cúm trước khai giảng. Bộ Y tế khuyến cáo: Dù dịch đã lây lan ra cộng đồng nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của ngành y tế. Người dân cần chủ động phòng dịch, không chủ quan, cũng không nên quá hoang mang về dịch bệnh.


 Giao ban trực tuyến Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A/H1N1/2009 tại điểm cầu Hà Nội.    Ảnh: Trần Minh
Tr ước diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H1N1/2009, đặc biệt là việc xuất hiện các chùm ca bệnh lây lan trong trường học và cộng đồng, 8 giờ tối 23/7, từ điểm cầu Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến với Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người tại 3 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng và TP. HCM.

 Báo cáo về tình hình dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho biết, tại Việt Nam, trong 50 ngày qua tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp. Mỗi ngày có 10.000-15.000 người nhập cảnh qua các cửa khẩu, gần đây khoảng 50% số ca được phát hiện tại cửa khẩu. Đã có 21 tỉnh, thành phố có ca dương tính với cúm A/H1N1/2009. Đến thời điểm này đã ghi nhận 499 trường hợp dương tính, trong đó số bệnh nhân đã ra viện là 346 trường hợp; 153 trường hợp còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị trong tình trạng sức khỏe ổn định, không có biến chứng nặng. Thành công lớn của chúng ta hiện nay là giữ không có ca nào tử vong.

Tuy nhiên, điều lo ngại nhất hiện nay là dịch bệnh đã vào trường học và đang đe dọa lây lan rộng trong cộng đồng. BS. Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: Dịch cúm A/H1N1/2009 lan ra 4 trường học. Cho đến 9 giờ sáng ngày 24/7, cúm A/H1N1/2009 thành ổ dịch tại 4 trường học ở TP. HCM. Ngoài Trường trung học tư thục Ngô Thời Nhiệm, quận 9 với số học sinh xác định dương tính hiện đã trên 80 ca. Còn tại Cơ sở 3 Trường trung học tư thục Nguyễn Khuyến, Tân Bình, 32 học sinh lên cơn sốt, 2 ca đã xác định dương tính trong chiều 23/7. Trường tiểu học quốc tế Kunmon (Nhật), quận Phú Nhuận và trường đại học RMIT, quận 7 cũng đã có 4 ca mắc bệnh, mỗi trường 2 ca.

Trước tình hình đó, Sở Y tế và ngành giáo dục thành phố quyết định thành lập bệnh viện dã chiến thứ 2 tại Trường trung học tư thục Nguyễn Khuyến. Rút kinh nghiệm từ BV dã chiến đầu tiên, ngay trong sáng 23/7, bệnh viện dã chiến thứ 2 đã được triển khai rất khẩn trương và chuyên nghiệp khi một học sinh  (là nữ sinh L.T.N.L, lớp 12C8, ngụ Gia Lai) của trường mắc cúm A/H1N1/2009 tránh lây lan cho 2.289 học sinh khác, chia thành 44 lớp học từ lớp 6 đến lớp 12 của trường). Trung tâm y tế dự phòng Q.Tân Bình chịu trách nhiệm phụ trách và theo dõi, giám sát mọi hoạt động phòng chống dịch bệnh tại đây.

Ngành y tế cũng nhận định nguy cơ tiếp tục có các trường lây nhiễm là rất cao vì các em tiếp xúc với bạn bè ở các trường khác nhau. Thậm chí không loại trừ khả năng chùm ca bệnh tại trường Nguyễn Khuyến do lây từ trường Ngô Thời Nhiệm. Nếu cần thì có thể tạm dừng hoạt động giảng dạy tất cả các trường nội trú trong dịp hè. Thành phố sẽ thành lập 6 đoàn kiểm tra, có sự phối hợp của các sở, ngành, tập trung vào các khu vực có nguy cơ cao như trường học, khu chế xuất, khu vui chơi giải trí... xem xét, rà soát ngăn ngừa nguy cơ tại các khu vực này.

 Trường học khẩn trương thành lập bệnh viện dã chiến.

Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng đề nghị ngành y tế và giáo dục cần xác định những việc cần làm để hạn chế lây lan trong môi trường học đường. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, sắp tới có thể nhiều trường học cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch cúm nên phải chuẩn bị tâm lý; chia sẻ kinh nghiệm khống chế dịch tại 2 trường học đầu tiên ở TP. HCM để cho tất cả các trường nghiên cứu. Người đứng đầu ngành giáo dục cũng đề nghị, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền để mỗi học sinh phải có ý thức bảo vệ mình và gia đình, cộng đồng khỏi nguy cơ bị lây nhiễm. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, trước ngày khai giảng, tất cả các trường phải thành lập Ban chỉ đạo phòng chống cúm A/H1N1/2009, báo cáo về Sở GD&ĐT; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất phòng, điều trị bệnh. Phó Thủ tướng cũng biểu dương ngành y tế trong thời gian qua đã tích cực, chủ động trước diễn biến của dịch, cương quyết, kịp thời triển khai hiệu quả nhiều biện pháp phòng chống, khoanh vùng, dập dịch cúm; Phối hợp với ngành GD xử lý kịp thời 2 ổ dịch tập thể, đặc biệt không để xảy ra tử vong.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu nhận định, kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy khi cúm vào đến trường học là giai đoạn nguy hiểm nhất của cộng đồng. Nhất là trong mùa đông tới dịch có khả năng bùng phát mạnh hơn. Do đó cần trang bị kiến thức tối thiểu cho toàn bộ giáo viên, học sinh, sinh viên cả nước về cách tự phòng, chống, xử lý nếu bị mắc cúm... Sẵn sàng phương án chuẩn bị các trường thành BV dã chiến. Phối hợp chăm sóc, theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, tất cả các học sinh bị ốm phải nghỉ cách ly ở nhà ít nhất 7 ngày, không nên đến trường. Sẵn sàng huy động các học sinh, sinh viên tuyên truyền về phòng chống cúm A/H1N1/2009.

Sắp tới, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Y tế sẽ ban hành tài liệu hướng dẫn bỏ túi phát cho mỗi học sinh với nội dung dễ hiểu, dễ tiếp thu về cách xử lý, nguồn lây, đường lây, cách xử lý ban đầu như thế nào khi mắc cúm A/H1N1/2009. Chỉ còn khoảng 3 tuần nữa là các trường bước vào khai giảng năm học mới nên công tác phòng chống dịch bệnh cần phải hết sức khẩn trương, chủ động. Các trường phải biết rõ đơn vị y tế nào gần nhất với trường để chủ động liên hệ khi có dịch. Thực hiện chủ trương 2 không: không hoang mang nhưng cũng không chủ quan với đại dịch.

H. Hiền - T. Nguyễn

Tăng cường giám sát dịch trong trường học

Bộ GD&ĐT vừa có công văn khẩn gửi các Sở GD&ĐT, các trường ĐH, học viện, CĐ, trung cấp trong cả nước yêu cầu phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống cúm A/H1N1/2009 của tỉnh, thành phố, Sở Y tế, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch cúm A/H1N1/2009 trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn, hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan và dành chỗ đặt bệnh viện dã chiến khi cần thiết. Phối hợp Sở Y tế chỉ đạo các trường CĐ, trung cấp y - dược chuẩn bị đủ cơ số thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị, sinh phẩm theo hướng dẫn của Bộ Y tế để tham gia chống dịch... Đồng thời triển khai các biện pháp làm sạch môi trường tại khu vực có dịch...
P.V

suckhoedoisong.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nên dùng kháng sinh cho trẻ khi nào?
Hiện nay, việc dùng kháng sinh (KS) ở nước ta chưa đi vào nề nếp, dùng chưa đúng và chưa hợp lý, đặc biệt là đối với trẻ em.
29/06/2009
Để phòng, chống cúm A H1N1, người dân cần phải thực hiện những biện pháp gì?
HGĐT - Vi rút cúm A H1N1 khi ra khỏi cơ thể người sẽ chết sau 2 giờ; nếu nằm trong dịch tiết mũi thì có thể tồn tại 10 ngày. Những cách phòng bệnh rất đơn giản, dễ thực hiện, mang lại hiệu quả cao, đó là: Rửa tay với xà phòng dưới vòi nước chảy, rửa tay trước và sau khi ăn, trước và sau khi làm việc (nhất là khi tiếp xúc với bệnh nhân; với thực phẩm…).
26/06/2009
Nghiện rượu: não teo!
Phải khẳng định rằng bia, rượu hay nói chung là thức uống có cồn đã trở thành một thành phần không thể thiếu trong các cuộc liên hoan, lễ hội, cưới hỏi... Bia, rượu kích thích tiêu hóa, tăng ngon miệng, cung cấp thêm năng lượng và chất dinh dưỡng cho cơ thể. Nhưng đằng sau điểm sáng nhỏ tích cực của bia rượu, mặt trái bi thảm là tình trạng lạm dụng thức uống “thăng hoa” cuộc
25/06/2009
Đã có 56 bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1
Việt Nam đã có 56 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1. Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân chủ động phòng bệnh và hạn chế đi tới các vùng dịch nếu không thật cần thiết.
24/06/2009