Dịch Cúm A/H1N1/2009: Diễn biến rất phức tạp

07:59, 29/07/2009

Tính đến ngày 27/7, Bộ Y tế đã ghi nhận 612 trường hợp mắc cúm A/H1N1/2009, không có ca tử vong; 375 bệnh nhân đã được điều trị khỏi và ra viện.


Hiện nay, một số tỉnh như Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu, Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đăk Nông đã ghi nhận các ca dương tính là học sinh Trường Trung học tư thục Ngô Thời Nhiệm, quận 9 và Trường nội trú Nguyễn Khuyến, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh về địa phương nghỉ hè. Điều nguy hiểm là vẫn còn không ít người dân cố tình quay lưng lại với dịch.

 Kiểm tra sức khỏe cho học sinh trường tư thục Nguyễn Khuyến. Ảnh: TN

Chiều ngày 24/7, gần chục phụ huynh tập trung ở Trường tư thục Nguyễn Khuyến (TP.HCM) đề nghị nhà trường để con em mình về, vì cho rằng các em không có bệnh.

Mặc dù được ông Lê Trọng Tín, hiệu trưởng, giải thích cặn kẽ nhưng số phụ huynh này nhất định không đồng ý. Đến 16 giờ 20, nhà trường đã mời BS Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM, đến để giải thích và mất thêm gần 1 giờ giải thích về các nguyên tắc phòng dịch (bảo vệ sức khỏe cho học sinh cũng như tránh các lây lan có thể xảy ra trong cộng đồng), mang cả bệnh án của từng học sinh để cho phụ huynh xem (ngoài việc được uống tamiflu phòng cúm, em học sinh nào có bệnh khác cũng được uống thuốc điều trị, được kiểm tra sức khỏe sau mỗi 6 giờ...), phần lớn phụ huynh đã yên tâm, không đòi đón con về nữa.

 Tuy nhiên, cũng có 3 phụ huynh (2 ở Đăk Lăk và 1 ở Long An) nhất định viết giấy cam kết tuân thủ theo những quy định phòng chống cúm trên đường về cũng như tại cơ sở y tế địa phương, để đưa con em về nhà.

Việc một bộ phận người dân thiếu ý thức và cố tình không tham gia cùng cộng đồng phòng chống dịch sẽ rất nguy hiểm bởi tốc độ lây lan của dịch hiện rất nhanh. Theo báo cáo của Bộ Y tế, riêng ngày 26/7, có 45 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1/2009 đã được các phòng xét nghiệm của VN xác nhận (miền Nam: 30 ca, miền Bắc: 9 ca, miền Trung: 1 ca và Tây Nguyên: 5 ca). Đây là ngày phát hiện bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1/2009 nhiều nhất từ đầu mùa dịch đến nay. Đặc biệt, có 3 trường hợp là hành khách đi trên chuyến tàu mang số hiệu TN2 từ TP.HCM ra Hà Nội ngày 24/7.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch, đặc biệt là việc phát hiện bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1/2009 trên tàu Thống Nhất Bắc - Nam, Bộ Y tế khuyến cáo, những người đi trên chuyến tàu TN2 từ TP.HCM ra Hà Nội ngày 24/7 cần chủ động cách ly, theo dõi sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân, nếu thấy có biểu hiện bệnh như sốt, ho, đau họng thì đến ngay cơ sở y tế hoặc gọi điện thoại theo đường dây nóng trên địa bàn để được hướng dẫn, xử trí kịp thời. Người dân sinh sống và làm việc tại các khu vực tập trung đông người như nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, ký túc xá...nếu có biểu hiện cúm hay nghi ngờ bệnh cúm thì cần chủ động cách ly và thông báo cho đơn vị và y tế cơ quan biết để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Học sinh, sinh viên, cán bộ, nhân viên công tác tại các trường học, nếu có biểu hiện ho, sốt, đau họng nên cách ly tại nhà, đồng thời thông báo cho Ban giám hiệu, cơ quan y tế tại trường học biết để được tư vấn. Các bậc phụ huynh, người nhà học sinh, bảo mẫu cần chủ động theo dõi tình hình sức khỏe của con em mình hàng ngày, nếu phát hiện có biểu hiện bệnh hay nghi ngờ bệnh cúm thì thông báo ngay cho nhà trường và cơ quan y tế trên địa bàn hoặc theo số của đường dây nóng 0989671115.

Những người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, hen, lao phổi, tiểu đường, béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS...), phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần được đặc biệt quan tâm tới tình trạng sức khỏe của mình, tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh, khi có biểu hiện bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chữa kịp thời, hạn chế biến chứng nặng và tử vong.


suckhoedoisong.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nên dùng kháng sinh cho trẻ khi nào?
Hiện nay, việc dùng kháng sinh (KS) ở nước ta chưa đi vào nề nếp, dùng chưa đúng và chưa hợp lý, đặc biệt là đối với trẻ em.
29/06/2009
Dịch cúm A/H1N1/2009 lây lan nhanh tại Việt Nam: Triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn
Tính đến 14 giờ ngày 24/7 đã có 346/499 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1/2009 xuất viện, không có ca tử vong. Dịch cúm đã lan ra 4 trường học ở TP. Hồ Chí Minh. Các trường phải thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm trước khai giảng. Bộ Y tế khuyến cáo: Dù dịch đã lây lan ra cộng đồng nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của ngành y tế. Người dân cần chủ động phòng
27/07/2009
Để phòng, chống cúm A H1N1, người dân cần phải thực hiện những biện pháp gì?
HGĐT - Vi rút cúm A H1N1 khi ra khỏi cơ thể người sẽ chết sau 2 giờ; nếu nằm trong dịch tiết mũi thì có thể tồn tại 10 ngày. Những cách phòng bệnh rất đơn giản, dễ thực hiện, mang lại hiệu quả cao, đó là: Rửa tay với xà phòng dưới vòi nước chảy, rửa tay trước và sau khi ăn, trước và sau khi làm việc (nhất là khi tiếp xúc với bệnh nhân; với thực phẩm…).
26/06/2009
Nghiện rượu: não teo!
Phải khẳng định rằng bia, rượu hay nói chung là thức uống có cồn đã trở thành một thành phần không thể thiếu trong các cuộc liên hoan, lễ hội, cưới hỏi... Bia, rượu kích thích tiêu hóa, tăng ngon miệng, cung cấp thêm năng lượng và chất dinh dưỡng cho cơ thể. Nhưng đằng sau điểm sáng nhỏ tích cực của bia rượu, mặt trái bi thảm là tình trạng lạm dụng thức uống “thăng hoa” cuộc
25/06/2009